Bên cạnh ngành ô tô khi các hãng đang đẩy mạnh sản xuất xe điện thì song song đó ngành công nghiệp sản xuất xe máy, mô tô phân khối lớn cũng đã sản xuất ra nhiều mẫu mô tô điện vô cùng độc đáo, thân thiện với môi trường nhưng không kém phần mạnh mẽ.
Tại triển lãm EICMA 2018, số lượng những mẫu mô tô chạy điện tăng lên nhanh chóng và với nhiều kiểu thiết kế sportbike, nakebiked, dòng xe đô thị hay những chiếc siêu mô tô, v.v. Điều này chứng tỏ, thị trường “xe điện” đang nóng hơn bao giờ hết. Cùng xedoisong.vn điểm qua 5 mẫu xe máy điện nổi bật tại triển lãm xe máy lớn nhất thế giới EICMA 2018.
Zero Motorcycles 2019
Là một trong những nhà sản xuất môtô điện tiên phong tại Mỹ, hãng Zero Motorcycles vừa nâng cấp dòng sản phẩm lên đời 2019. Với đời xe 2019, Zero Motorcycles vừa nâng cấp toàn bộ dòng sản phẩm của mình với pin dung lượng cao hơn, khả năng sạc siêu nhanh và khả năng kết nối cao hơn.
Hiện tại dòng sản phẩm của hãng đang gồm có những dòng xe là naked bike (Zero S và SR), scrambler (Zero DS và DSR), 'cào cào' Zero FX và motard FXS. Nếu như bộ sản phẩm model 2018, tất cả chúng đều sử dụng chung nền tảng động cơ điện có công suất 45kW (khoảng 60 mã lực) thì phiên bản mới cung cấp thêm nhiều sự lựa chọn hơn với 3 tuỳ chọn động cơ gồm: 52kW (70 mã lực), 34kW (46 mã lực), 20kW (27 mã lực).
Ở phiên bản 2019, Zero Motorcycles đã nâng cấp công suất động động cơ điện ZF7.2 với công suất 52 kW (70 mã lực) và tốc độ tối đa 167 km/h. Khối pin Power Tank có thể được trang bị cho mọi dòng xe của Zero Motorcycles từ đời 2014 tới nay. Trong khi đó, bản thân từng khối pin chính với các mức dung lượng 14,4kWh, 7,2kWh và 3,6kWh tùy vào từng phiên bản cũng đã được nâng dung lượng lên 10% so với đời 2018.
Ngoài ra, điểm đặc biệt của Zero là người dùng có thể nạp năng lượng cho xe một cách tức thì bằng khối pin Power Tank với dung lượng 14,4kWh giúp xe tăng thêm quãng đường di chuyển. Với Power Tank, xe của Zero Motorcycles có khả năng đạt quãng đường hoạt động tối đa trên lý thuyết lên tới 358km trong thành phố, hoặc 180km trên đường cao tốc.
Harley-Davidson LiveWire
Hãng Harley- Davidon đã chính thức trình làng mẫu mô tô điện Harley-Davidson LiveWire tại triển mô tô lớn nhất năm EICMA 2018. Trước đó vào năm 2010, hãng Harley-Davidson đã gây bất ngờ lớn với cộng đồng chơi xe trên toàn thế giới, khi giới thiệu mẫu concept chạy điện trong dự án có tên LiveWire. Tuy vẫn giữ kiểu dáng tổng thể dạng naked bike/streetfighter, chiếc xe đã được Harley-Davidson thiết kế lại bộ yên để có thể chở được 2 người và trang bị quây ốp quanh đèn pha phía trước.
Tuy Harley-Davidson chưa xác nhận về các thông số kỹ thuật quan trọng về công suất động cơ điện và quãng đường di chuyển sau mỗi lẩn sạc của LiveWire, nhưng theo một số nguồn tin thì nhiều khả năng chiếc xe sẽ được trang bị mô-tơ điện AC 3 pha đặt dọc theo khung xe, đem tới công suất 74 mã lực. Xe có đến 7 chế độ lái khác nhau. Tầm hoạt động và thời gian sạc của chiếc xe hiện vẫn chưa được Harley-Davidson tiết lộ. Những thông tin chi tiết sẽ được đưa ra vào tháng 01/2019.
Ngoài ra, trên LiveWire phiên bản thương mại, một trong những điểm mới nổi bật nhất đó là khả năng kết nối với điện thoại thông minh của người dùng qua Bluetooth hoặc Wifi. Điều này không chỉ giúp dữ liệu bản đồ hay cuộc gọi có thể được đồng bộ hóa giữa chiếc xe và smartphone, mà LiveWire còn có khả năng báo cho người dùng về tình trạng pin sạc. Các công nghệ hỗ trợ người lái cũng sẽ được tích hợp đầy đủ trên mẫu mô tô điện đầu tiên của Harley-Davidson.
Arc Vector
Arc Vehicle Ltd là công ty có trụ sở tại Anh Quốc, đứng đầu là Mark Truman, người cực kỳ đam mê với xe máy và đã dành 3 năm để nghiên cứu xe máy điện Arc Vector. Arc là một bước đầu tư mới nhất của InMotion Ventures - một Quỹ đầu tư của Jaguar Land Rover nhằm hỗ trợ các công ty tạo ra những sản phẩm và dịch vụ nhằm thay đổi phương thức di chuyển trên thế giới.
Là mẫu xe điện với những công nghệ mới, thiết kế của ARC Vector mang hơi hướng từ tương lai. Những đường nét thiết kế uốn lượn, uyển chuyển chạy dọc từ phía trước đến phía sau xe. Vector được chế tạo thủ công, có cấu trúc carbon-composite nhẹ, kết hợp cùng khối pin được tinh chỉnh giúp giảm trọng lượng, giúp xe chỉ nặng 220kg. Xe sử dụng hệ thống lái kiểu Hub Center Steering (HCS) làm bằng carbon kết hợp giảm xóc mono Ohlins ILX36. Phía sau xe cũng có gắp làm bằng carbon, giảm xóc đơn Ohlins TTX36.
Điểm đặc biệt của Arc Vector là ứng dụng những công nghệ kết nối thông minh hàng đầu hiện nay, với loại áo thông minh có khả năng cảnh báo va chạm với giao diện người và máy (HMI), kết hợp cùng mũ bảo hiểm ứng dụng công nghệ hiển thị HUD. Bằng nhưng công nghệ này được hãng tuyên bố là chiếc xe máy điện tiên tiến nhất hiện nay, hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm cảm xúc cho người lái.
Đầu tiên, mũ bảo hiểm Arc Zenith được hãng Arc Vehicle Ltd hợp tác cùng Hedon và được lấy cảm hứng từ những phi công chiến đấu, thiết kế dạng Full-face. Nó sử dụng công nghệ HUD, giúp cho người lái có được thông tin quan trọng như tốc độ của xe, đèn báo rẽ mà không cần nhìn xuống mặt đồng hồ xe. Mũ bảo hiểm thông minh Arc Zenith này còn có một camera phía sau giúp người lái có khả năng nhìn thấy những gì đằng sau mà không cần quay đầu, thông qua màn hình nhỏ áp dụng công nghệ HUD. Chiếc mũ bảo hiểm này còn có thể hỗ trợ kết nối wifi, kiểm soát tất cả các tính năng của nó là không dây và có thể được kích hoạt bằng giọng nói.
Tiếp đến là áo khoác Arc Orgin ứng dụng công nghệ giao diện giữa người và máy (HMI). Áo khoác Arc Orgin được áp dụng các công nghệ bảo vệ biker cùng với cảm biến xúc giác tăng khả năng an toàn với 3 chế độ: Urban, Sports và Euphoric. Ví dụ: ở chế độ Urban sẽ tập trung vào sự an toàn, cảnh báo người lái đến những nguy hiểm như có xe khác lọt vào điểm mù thì áo khoác sẽ tác động để rung lên nhằm cảnh báo mối nguy tiềm ẩn, hoặc tăng cường các giác quan sự tập trung của người lái.
KYMCO SuperNEX
Tại triển lãm EICMA 2018 diễn ra ở Milan, Italy, hãng xe máy Đài Loan đã tạo nên một dấu ấn đột phá khi tung ra bản thiết kế siêu mô tô supersport chạy điện SuperNEX. Điều đáng nói ở chỗ, KYMCO phát triển chiếc xe dựa trên nền tảng đam mê và sự hưng phấn hay những cảm xúc nền tảng của người lái mô tô cần có, đặc biệt với một chiếc supersport thể thao tốc độ, như khả năng tăng tốc nhanh nhạy, sự phấn khích khi đẩy động cơ lên vòng tua cao, âm thanh manh mẽ từ động cơ và ống xả.
Đầu tiên, SuperNEX là chiếc supersport chạy điện nhưng lại có hộp số 6 cấp tiên tiến, cho phép các tay lái tận hưởng sự phấn khích khi lên số, xuống số. Đặc tính ly hợp chống trượt “Slipper Clutch” cho phép việc về số êm mượt hơn. Hoặc các tay lái cũng thường thể hiện kỹ năng điệu nghệ khi chuyển số, khám phá tiềm tàng hiệu năng của chiếc xe, đặc biệt là phát huy tối đa các dải công suất của động cơ. Với thiết kế hộp số 6 cấp độc đáo, chiếc SuperNEX vẫn đem lại tương tác kết nối giữa người và máy như thường lệ.
Các chỉ số nhà sản xuất công bố cho SuperNEX là khả năng tăng tốc 0-100km/h mất 2,9 giây, từ 0-200km/h mất 7,5 giây và từ 0-250km/h mất 10,9 giây. Đây là những con số cực kỳ ấn tượng cho một chiếc mô tô thể thao chạy điện hoàn toàn.
Hệ thống kiểm soát hiệu suất tiên tiến KYMCO FEP (Full Engagement Performance) cũng là đặc tính đáng chú ý trên SuperNEX. Như các mẫu mô tô hiện đại được trang bị các hệ thống điều khiển điện tử tiên tiến để hỗ trợ cả về khả năng ổn định, kiểm soát độ bám, tối ưu hiệu suất, hệ thống FEP cũng có chức năng tương tự, từ việc tạo ra cú đề-pa hoàn hảo cho đến tăng tốc tối ưu, hay hỗ trợ chống trượt trong nhiều tình huống. Trong một cú phanh gấp, FEP hạn chế bánh sau bị nâng hay trên các mặt đường ướt trơn trượt, FEP kiểm soát điều khiển để tối ưu độ bám.
Tay ga điện Kumpan 1954 Ri S
Được thành lập tại Remagen, Đức, năm 2010 bởi ba anh em - Patrik, Daniel và Philipp Tykesson, công ty Kumpan Electric (e-bility GmbH) cho ra đời những dòng sản phẩm xe điện kết hợp thiết kế xe cổ điển với công nghệ bền vững, sáng tạo. Những mẫu xe của hãng này mang những cái tên khá đặc biệt thể hiện mốc thời gian: Kumpan 1950, Kumpan 1953, Kumpan 1954 Ri.
Theo đó, mẫu tay ga chạy điện 1954 Ri S là thế hệ thứ hai của mẫu xe tiền nhiệm 1954 Ri, được thiết kế, phát triển và lắp ráp hoàn toàn tại Đức. Kumpan 1954 Ri S sở hữu kích thước nhỏ, với tổng thể (Dài x Rộng x Cao) lần lượt (1950 x 730 x 1215) mm, chiều dài cơ sở 1.354mm. Trọng lượng không tải là 80kg, tải trọng tổng cộng có thể chịu được là 280kg.
Mẫu xe máy chạy điện Kumpan 1954 Ri S được nâng cấp công suất 7kW, cho tốc độ tối đa lên đến 100km/h, mạnh hơn nhiều so với phiên bản tiền nhiệm. Kumpan 1954 Ri S được trang bị động cơ điện công suất cực đại 7kW (tương đương 9,3 mã lực). Khối pin của Kumpan 1954 Ri S là loại Lithium-ion 51V dung lượng 1,479kWh. Mỗi lần sạc xe đi được 62km khi sử dụng chạy hết công suất ở tốc độ 100km/h, nếu xe chỉ trang bị một khối pin.
Ngoài ra, điểm đặc biệt của Kumpan 1954 Ri S là người dùng có thể nạp năng lượng cho xe một cách tức thì bằng khối pin Kraftpaket 2.0 với dung lượng 1,479kWh, giúp xe tăng thêm quãng đường di chuyển. Chiếc Kumpan 1954 Ri S có thể trang bị 3 khối pin cùng lúc cho quảng đường đi chuyển 120km (chạy hết công suất). Nhà sản xuất công bố, nếu đi dưới tốc độ 45km/h thì xe có thể đi quãng đường 186km (3 khối pin).
Khối pin của xe Kraftpaket 2.0, được trang bị công nghệ kết nối mới nhất, có thể kết nối trực tiếp giữa pin và điện thoại thông minh với những tính năng như: bảo vệ trộm cắp, đánh giá dữ liệu lái xe và hỗ trợ trong quá trình bảo trì, có thể được thực hiện thông qua một ứng dụng. Khả năng kết nối này làm cho nó trở thành loại pin đắc dụng. Theo đánh giá người viết, tính năng kết nối này của pin và cách thức nạp pin trực tiếp như phương pháp thay thế pin dự phòng giúp tăng quãng đường di chuyển tổng thể sẽ là xu hướng trong tương lai của các dòng xe máy điện.
Nguồn : http://xedoisong.vn/xe-moi/diem-danh-5-mau-xe-may-mo-to-dien-noi-bat-tai-eicma-2018-28985.html