Những chiếc xe sau một thời gian sử dụng đều sẽ phát ra những tiếng kêu đặc trưng, Những tiếng động này sẽ giúp cho chủ nhân của nó biết tình trạng của chiếc xe mình đang sử dụng.
'Của bền tại người' - đây là một câu nói dân gian truyền miệng 'chuẩn không cần chỉnh'. Với những chiếc xe máy cũng như vậy, nếu chúng ta không quan tâm chăm sóc nó thì sau một thời gian nhất định, chiếc xe sẽ không thể phục vụ chúng ta như mong muốn. Tất cả các loại xe máy sau khi có tuổi đều sẽ phát ra những tiếng kêu 'lạ' khi vận hành và sử dụng, vậy những tiếng động đó là gì, phát ra từ đâu và cách khắc phục ra sao, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết của tôi dưới đây.
Thường thấy thì các tiếng động 'lạ' thường phát ra ở các bộ phận như: Hệ truyền động (Nhông xích); Động cơ; Bộ phanh; Cổ xe; Giảm xóc; Dàn vỏ. Khi có tiếng động phát ra ở những khu vực này đều gây khó chịu cho người sử dụng và đồng thời cũng gây hại cho chính chiếc xe nên hãy xử lý sớm nhất có thể.
1. Tiếng kêu tại động cơ xe
Tiếng kêu phát ra từ khối động cơ của xe có rất nhiều loại và những tiếng kêu này cho biết những vấn đề mà 'trái tim' vận hành của chiếc xe đang gặp phải.
Một trong những lỗi phổ biến là khi đề máy, có tiếng rít như tiếng mô tơ xoay và cục máy không nổ được. Lỗi này thường xuất phát từ củ đề, bi đề bị hỏng bên trong bộ máy gây trượt đề không truyền được lực của bộ đề đến trục khuỷu, piston. Khi gặp lỗi này, bộ đề cần được kiểm tra, vệ sinh và thay bi đề mới.
Một hiện tượng thường gặp khác khi máy có tiếng gõ lạch cạch, bộ máy nóng nhanh bất thường, đôi khi kèm cảm giác rung giật có thể do lắp sai loại Bugi dẫn đến việc đánh lửa của xe bị sai lệch, không sinh công đúng nên sinh nhiệt lớn. Trường hợp này cần thay ngay loại bugi đúng chuẩn của xe tránh hỏng hóc nặng nề hơn.
Tiếng gõ lớn ở khu vực đầu bò là một trong những bệnh động cơ thường gặp ở xứ nóng khi mà chiếc xe có bộ đầu bò đã bị mỏi sau thời gian sử dụng quá lâu mà không được bảo dưỡng. Hiện tượng này gây ra việc xe hoạt động yếu đi bởi khả năng hút xả kém. Khi gặp hiện tượng này cần mang xe đến những trung tâm sửa chữa xe máy uy tín để căn chỉnh và kiểm tra.
Những loại tiếng động phát ra từ động cơ biểu hiện tình trạng của bộ vận động của xe này. Với những chiếc xe có khối động cơ hoạt động êm ái, nhẹ nhàng và chắc chắn thì sở hữu trái tim khỏe mạnh và phục vụ tốt cho chủ nhân của nó. Các hư hỏng liên quan đến bộ động cơ này cần được xử lý chuyên nghiệp bởi những địa chỉ sửa chữa bảo dưỡng xe uy tín để đảm bảo nhất cho chiếc xe của mình.
2. Tiếng kêu tại bộ truyền động
Các loại xe số khi tăng ga phát tiếng kêu lạch xạch từ phía nhông xích khi lên ga. Đây là tiếng kêu phát ra có thể do các nguyên nhân như xích trùng, nhông mòn gãy, xích khô rỉ. Việc này sẽ làm cho xe bị giật cục, hoạt động yếu đi và đồng thời khi xích trùng sẽ gây ra hiện tượng văng xích va vào các bộ phận xung quanh như chắn xích và gắp sau gây tiếng động lớn và gây hư hại cho nhiều bộ phận.
Với xe ga, hiện tượng này thường không phát ra tiếng kêu lớn bởi xe ga sử dụng dây Curoa để dẫn động. Nhưng cũng chính vì vậy mà người ta thường không kiểm tra bộ truyền động này dẫn đến việc xe không thể di chuyển do dây mất độ bám, nứt và đứt dây curoa. Nhất là trong thời điểm mùa mưa hiện nay khi di chuyển vào các đoạn đường ngập úng càng làm gia tăng hiện tượng này và giảm tuổi thọ bộ truyền động khi gây ô xi hóa cho các bộ phận bị ngâm nước bẩn.
Bộ truyền động này cần được kiểm tra, vệ sinh và bôi trơn thường xuyên để đảm bảo hoạt động của xe được êm ái, nhẹ nhàng và trơn chu hết mức có thể. Việc này cũng giúp giảm tải cho khối động cơ giúp nó đạt hiệu suất tốt hơn và ít tiêu tốn nhiên liệu hơn.
3. Tiếng kêu phát ra từ hệ thống phanh, giảm xóc
Hiện tượng thường thấy ở những chiếc xe Yamaha Exciter 150 hay một số dòng xe ga đã cũ ở phuộc trước là khi di chuyển qua đường xấu hay ổ gà thì phát ra tiếng kêu 'lục cục' ở ngay khu vực dàn dầu. Nguyên nhân của vấn đề này là do phuộc giảm xóc phía trước đã yếu, lò xo bên trong phuộc bị oải, dầu phuộc lâu ngày oxi hóa mất đi độ đặc và trơn đồng thời nếu ti phuộc bị xước, dầu sẽ rò rỉ ra bên ngoài gây nên tình trạng thiếu dầu trong phuộc. Khi có hiện tượng này, cần kiểm tra và thay thế ngay lò xo, thay dầu, thay phớt và nếu ti phuộc bị hư hỏng thì nên thay bộ phuộc mới để đảm bảo an toàn.
Tiếng kêu ở dàn đầu khi vấp ổ gà hoặc đi qua các đoạn đường xấu còn đến từ bộ chén cổ ở khu vực chảng ba, do bộ bi và vòng đệm ở khu vực chén cổ yếu, dùng lâu dần do va đập bị nứt vỡ dẫn đến cổ phốt lỏng lẻo va đập vào khung gây nên tiếng động. Phương pháp khắc phục hiện tượng này là sửa lại bộ chén cổ hoặc thay thế bộ chén cổ mới chắc chắn hơn.
Với hệ thống phanh thì tiếng kêu đặc trưng là tiếng rít rít phát ra rất lớn ở khu vực má phanh. Nguyên nhân của hiện tượng này là do má phanh khi bị mòn sẽ trơ phần kim loại hoặc có vật lạ, bụi bẩn kẹt vào má phanh nên khi bóp phanh sẽ cọ xát với đĩa phanh hoặc đùm phanh gây tiếng kêu. Nếu không thực hiện việc vệ sinh hoặc thay bộ má phanh mới sớm thì sẽ gây hư hỏng nặng hơn đến bộ đĩa phanh và đùm phanh gây mất an toàn cho người sử dụng.
Trên là ba loại tiếng kêu phổ biến nhất phát ra từ những chiếc xe gắn máy cùng với nguyên nhân và cách khắc phục. Những chiếc xe cũng giống như con người, chúng cần được chăm sóc và bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo hoạt động tốt nhất để phục vụ tốt nhất cho chính bạn - những chủ sở hữu của chiếc xe.
Nguồn : http://m.tinxe.vn/tu-van-xe-may/tieng-dong-la-tren-xe-gan-may-loi-keu-cuu-cua-nhung-chiec-xe-id20180630115352779