Hàng loạt vụ bê bối liên tiếp xảy ra
Mở đầu của loạt bê bối này là hãng thép Kobe Steel thừa nhận đã giả mạo dữ liệu về độ bền chắc của vật liệu nhôm và đồng do hãng sản xuất. Những vật liệu này đã được sử dụng sản xuất trên nhiều sản phẩm của các hãng ô tô trong nước như Toyota, Honda, Mazda, Nissan, Subaru, Suzuki cho tới tàu cao tốc của Hitachi.
Ngay sau đó, người đứng đầu của hãng xe Nissan đã phải cúi đầu nhần lỗi trước công chúng vì lý do nhân viên kiểm soát chất lượng không được ủy quyền đã tham gia vào quá trình kiểm tra chất lượng xe. Theo đó, hơn 1 triệu xe Nissan đã bị triệu hồi.
Gần đây nhất là hãng xe Subaru của Nhật với vụ bê bối tương tự như Nissan, tuy nhiên theo hãng này thừa nhận, quá trình này đã diễn ra từ năm 1979.
Trong buổi họp báo ngày 27/10, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Subaru - Yasuyuki Yoshinaga cho biết: 'Chúng tôi đã thực hiện quy trình này suốt hơn 30 năm qua mà biết rằng nó không đúng với quy định của Bộ Giao thông Nhật Bản'
Trong những năm gần đây, sự bất an về chất lượng đã bắt đầu xuất hiện khi hãng túi khí Nhật Bản Takata vấp phải khủng hoảng về chất lượng khiến hơn 100 triệu túi khí bị thu hồi trở thành cuộc triệu hồi xe lớn nhất lịch sử ngành công nghiệp ô tô thế giới. Theo thực tế đã diễn ra, trong trường hợp xảy ra tai nạn ô tô, dù đã có thêm các biện pháp an toàn mới, túi khí Takata vẫn có thể bị nổ. Chất lượng túi khí không đảm bảo của Takata được cho là có liên quan đến cái chết của 17 người trong các vụ tai nạn xe hơi trên toàn cầu.
Sức ảnh hưởng đến nền công nghiệp Nhật Bản
Ngành công nghiệp Nhật Bản tồn tại bền vững trên thị trường thế giới trong suốt những năm qua đều dựa vào uy tín về chất lượng cùng nguyên tắc quản lý không ngừng cải tiến. Vì vậy loạt bê bối này có khả năng gây tổn thất to lớn cho nền công nghiệp đất nước mặt trời mọc và gửi thông điệp đến thị trường thế giới rằng sản phẩm của các công ty Nhật có thể không còn hoàn hảo như chúng ta vẫn tưởng.
Lãnh đạo Kobe Steel cúi đầu xin lỗi tại một cuộc họp báo sau khi hãng này thừa nhận làm giả dữ liệu
Sau khi xảy ra bê bối giá cổ phiếu của Kobe Steel giảm 22% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba và giảm thêm 17% trong phiên ngày thứ Tư, là chuỗi hai phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 1974. Cú giảm này khiến giá trị vốn hóa của Kobe Steel giảm đến khoảng 1/3 tổng giá trị tương đương với khoảng 1,5 tỷ USD chỉ trong vòng có 2 ngày.
Cổ phiếu của Subaru trên sàn chứng khoán Tokyo giảm 2,6%, giảm mạnh nhất trong 4 tháng qua sau khi thông tin trên được công bố hôm 27/10.
'Chất lượng Nhật Bản' vốn là giá trị cốt lõi và là điểm sáng để cạnh tranh của ô tô Nhật Bản. Nếu mất đi, ô tô Nhật Bản làm thế nào để vươn lên? Đó là câu hỏi mà cả thế giới đều đặt ra sau vụ bê bối chấn động của ngành công nghiệp Nhật Bản.
Quỳnh Trang (Tuoitrethudo)
Nguồn : http://xehay.vn/chat-luong-o-to-nhat-ban-dang-giam-sut-nghiem-trong.html