Công nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực sản xuất ô tô vẫn còn non yếu
Lựa chọn nhân sự cấp cao của Bosch
Ngay sau khi VinFast khởi công, trên trang cá nhân của mình, ông Võ Quang Huệ - nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam cho hay: “Tôi cũng muốn nhân cơ hội này để thông báo cho bạn rằng tôi sẽ gia nhập VinGroup với tư cách là Phó Tổng giám đốc ngành ô tô, giám sát dự án VinFast, bắt đầu cách đây vài ngày”.
Lựa chọn của VinGroup đương nhiên có dụng ý khá rõ ràng, ông Võ Quang Huệ thích hợp với vị trí này hơn ai hết. Ông từng tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật ô tô ở thành phố Koeln và kỹ thuật cơ khí ở thành phố Achen, Đức - cái nôi trong lĩnh vực cơ khí chính xác. Từ năm 1980, ông làm việc và có vị trí quản lý tại tập đoàn BMW, một trong những công ty sản xuất
ô tô hàng đầu thế giới. Từ tháng 8-2006, ông Võ Quang Huệ làm việc cho Bosch và chính thức làm Tổng Giám đốc của Bosch từ tháng 2-2008. Tất nhiên, Bosch cũng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ô tô và là một trong những công ty sản xuất linh kiện ô tô chất lượng thế giới lớn nhất Việt Nam.
Vị trí của ông Võ Quang Huệ tại VinFast đã rõ và đến nay, dư luận còn cho rằng, việc lựa chọn này chắc hẳn còn liên quan đến việc thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng của VinFast là nội địa hóa. Để thực sự có một chiếc ô tô mang thương hiệu Việt, tỷ lệ nội địa hóa phải cao. Với VinFast, mục tiêu đặt ra là năm 2025, con số này đạt 60%.
Ông Nguyễn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc nhận định: “VinFast chọn ông Võ Quang Huệ - người từng có nhiều năm làm việc cho BMW và Bosch rõ ràng là có dụng ý thực hiện mục tiêu nội địa hóa, bên cạnh những nhiệm vụ khác, bởi lẽ ông Huệ am hiểu ở lĩnh vực này”.
Con số 60% là một thách thức
“Tướng” đã có, liệu VinFast có “quân” để thực hiện được mục tiêu đề ra hay không? Về vấn đề này, ông Phan Đăng Tuất - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng năm 2025, VinFast nội địa hóa 60% là một thách thức. Theo tính toán của vị này, một chiếc xe sedan thường có 24.000 chi tiết. Giả sử mỗi doanh nghiệp làm 6 chi tiết thì cần khoảng 4.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung ứng sản phẩm, linh kiện cho nhà sản xuất này.
Song thực tế hiện nay, cả nước mới có 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Còn 8 năm nữa để số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tăng lên, chưa nói đến việc số doanh nghiệp này phải đủ năng lực, trình độ công nghệ nên đây là thử thách không nhỏ. Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ tạo điều kiện để VinFast hợp tác với các doanh nghiệp nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tuấn phân tích: “Tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam trung bình mới đạt 15%. Doanh nghiệp trong nước mới chỉ gia công săm lốp, ăc quy, dây điện, chưa sản xuất được hộp đen, bộ phận xử lý kỹ thuật, khung gầm... những chi tiết đòi hỏi công nghệ cao. Đối với thiết bị, công nghệ cao phức tạp như ô tô, rất khó để làm. Đến sản xuất con ốc cho Samsung, doanh nghiệp trong nước còn “bó tay” thì làm sao sản xuất được linh kiện ô tô?”.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ô tô đang ngóng chờ các thông tin tiếp theo từ VinGroup để hoạch định kế hoạch cho mình. Đại diện Công ty ô tô Hoa Mai (Hải Phòng) chia sẻ: “VinFast tuyên bố mục tiêu nội địa hóa 60% thì nói rõ cần linh kiện nào cho dòng xe gì, lộ trình như thế nào để xem sản phẩm có tương thích hay không, giá thành bao nhiêu, liên kết như thế nào? Chúng ta đang rất cần những thông tin cụ thể hơn để cùng thực hiện giấc mơ ô tô Việt”.
Hà Linh (ANTĐ)