Trong lịch sử các loại phương tiện hai bánh, Vespa GTS là một trong những chiếc xe scooter thể thao được ưa chuộng bậc nhất. Dòng Vespa GTS kế thừa phong cách “Vespone – xe Vespa kích thước lớn” bất hủ với thân xe bằng thép nguyên khối và kiểu dáng hình con ong đặc trưng. Ra đời năm 2003 với hai phiên bản Vespa GT125 và Vespa GT200, gia đình xe Vespa cỡ lớn đã phát triển mạnh mẽ và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của những người yêu Vespa trên toàn thế giới. Những chiếc Vespa cỡ lớn vừa sở hữu sự lịch lãm trên đường phố nhưng cũng luôn sẵn sàng vi vu trên những nẻo đường thử thách nhất.
Vespa GTS Super 300 được xác định là đối thủ cạnh tranh của Honda SH 300i. Tuy nhiên, trong khi mẫu xe nhập Ý của Honda được đề xuất mức giá 248 triệu đồng, sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam của Piaggio có giá chưa tới một nửa. Mặc dù sản xuất trong nước, Vespa GTS Super 300 là mẫu xe toàn cầu của Piaggio và được xuất sang các thị trường khác.
Đi kèm với dòng sản phẩm mới, Piaggio cũng giới thiệu 4 gói phụ kiện chính hãng có giá từ 10,5 đến 16,5 triệu đồng, để người dùng cá nhân hóa chiếc xe theo các phong cách thể thao, cổ điển, lịch lãm và đường trường. Vespa GTS Super 125 và 300 đều có 4 lựa chọn về màu sơn.
Xét về tổng thể, thiết kế của Vespa GTS mới không quá khác biệt so với đời 2013, với các chi tiết đặc trưng như đầu đèn tròn, đèn hậu kích thước lớn và dáng vẻ bầu bĩnh, chỉ bổ sung thêm đèn LED định vị ban ngày. So với Honda SH 300i, GTS Super 300 nhỏ và thấp hơn, với kích thước các chiều dài, rộng là 1.950 x 755 mm, chiều cao yên 787 mm, cân nặng 160 kg. Xe vẫn sử dụng bánh nhỏ loại 12 inch thay vì bánh lớn 16 inch như Honda SH 300i.
Ngoài hệ thống phanh ABS trên cả hai bánh, cổng sạc USB và chìa khóa điều khiển từ xa, mẫu xe ga cao cấp của Piaggio còn được trang bị hệ thống kiểm soát lực kéo ASR vốn chỉ xuất hiện trên dòng môtô cỡ lớn trước đây. Cùng với đó là công nghệ cảm biến góc nghiêng giúp tự động tắt máy trong trường hợp xe đổ.
Động cơ được trang bị trên Vespa GTS Super 300 là loại Quasar xy-lanh đơn, dung tích 278,3 cc, làm mát bằng dung dịch, phun xăng điện tử, cho công suất 20,9 mã lực tại 7.750 vòng/phút và mô-men xoắn 22 Nm tại 5.000 vòng/phút. Mức tiêu hao nhiên liệu được nhà sản xuất công bố là 41,6 km/lít.
Trong khi đó, phiên bản GTS Super 125 được trang bị động cơ iGet xy-lanh đơn, làm mát bằng dung dịch, phun xăng điện tử, cho công suất 12,07 mã lực tại 8.250 vòng/phút và mô-men xoắn 11,5 Nm tại 6.000 vòng/phút. Động cơ đi kèm công nghệ dừng tạm thời Start & Stop, thiết kế tương đồng với bản 300, chỉ thiếu công nghệ kiểm soát lực kéo ASR.
Tôi đã từng tham dự nhiều buổi trải nghiệm xe máy, nhưng có lẽ chuyến trải nghiệm Vespa GTS Super thế hệ mới tại Côn Đảo là ấn tượng nhất với tôi. Ngày đầu tiên trong hành trình, đoàn phóng viên hơn 16 người từ Bắc chí Nam hạ cánh tại sân bay Côn Đảo vào giữa trưa, nhận phòng tại Côn Đảo Resort và bắt đầu hành trình trải nghiệm Vespa GTS Super vào đầu giờ chiều.
Điều ngạc nhiên đầu tiên mà Piaggio Việt Nam dành cho các phóng viên là ngày trải nghiệm đầu tiên lại chẳng mấy liên quan đến hai nhân vật chính – Vespa GTS Super 125 và GTS Super 300. Sau khi bố trí chụp hình lưu niệm cả đoàn bằng flycam, hơn 20 thành viên trong đoàn lần lượt lên ca nô cao tốc và hướng ra biển. Hoạt động trải nghiệm đầu tiên của chúng tôi là lặn biển ngắm san hô ở hòn Bảy Cạnh.
Hòn Bảy Cạnh nằm ở phía Đông Côn Đảo, có diện tích 683ha, gồm hai phần đảo nối liền với nhau bằng doi cát ở giữa gọi là Bãi Cát Lớn. Đây cũng là 1 trong 14 bãi đẻ trứng của rùa biển Côn Đảo và là bãi biển có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất ở Côn Đảo. Trong mùa sinh sản (từ tháng 4 – 9 hàng năm), đêm ít nhất cũng có 1 đến 2 cá thể rùa lên bờ đẻ trứng, đêm nhiều có từ 20 – 30 cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ và đẻ trứng.
Hai chiếc canô cao tốc đưa đoàn chúng tôi lao đi với vận tốc cao, cộng với hàng ngàn đợt sóng khá lớn khiến chúng tôi nhiều phen nảy lên nảy xuống, xây xẩm mặt mày. Sau 20 phút, tàu chúng tôi thả neo ở cách Hòn Bảy Cạnh khoảng 50 mét. Mỗi người được phát kính lặn và được hướng dẫn cách sử dụng kính và ống thở.
Tôi sinh ra ở miền biển nhưng thực sự, tôi phải công nhận rằng ít nơi nào ở Việt Nam được thiên nhiên ban tặng một màu nước biển tuyệt đẹp như ở Côn Đảo. Nước xanh màu ngọc lục bảo và cực kỳ trong, chúng tôi có thể nhìn rõ từng rặng san hô dưới đáy và hàng vạn sinh vật biển bên dưới. Ùm! Ùm! Ùm! Chúng tôi không thể kìm nén sự phấn khích, lần lượt hòa mình vào dòng nước mát rượi và khám phá thế giới sinh động bên dưới.
Nếu chỉ bơi mãi, ngắm mãi thì … cũng chán. Ban tổ chức đã sắp xếp một trò chơi rất thú vị dành cho đoàn trải nghiệm. Đó là trò “mò Vespa”. Thay vì mò trai, nhiệm vụ của chúng tôi là tìm 30 chai thủy tinh, bên trong có hình những chiếc Vespa đủ phiên bản. 16 phóng viên được chia làm 4 đội để tham gia trò chơi thú vị này. Đội nào tìm được nhiều chai có hình Vespa GTS nhất sẽ thắng cuộc. Điểm hấp dẫn ở đây là dưới làn nước biển, người chơi sẽ không thể phân biệt chai nào có hình Vespa GTS, chỉ khi mang lên bờ thì họ mới nhìn rõ. Đó là nguyên nhân vì sao có một anh phóng viên hớn hở khoe thành tích mò được 4 chai trong một lần lặn, nhưng lại tiu nghỉu nhảy xuống mò tiếp vì chẳng chai nào có Vespa GTS!
Thoạt nghe qua thì có vẻ dễ nhưng 16 người chơi cũng mất gần 1 tiếng đồng hồ để thu thập đủ 30 chai thủy tinh. Nắng đã tắt và những cơn mây đen đã bao phủ 1 vùng trời. Chúng tôi lên ca nô và trở về bờ, kết thúc ngày trải nghiệm đầu tiên. Hơi tiếc là kế hoạch đi xem rùa đẻ trứng đã bị hoãn lại vì mưa lớn.
Ngày hôm sau, 20 chiếc xe Vespa GTS Super 125 và 300 đã sẵn sàng cho hành trình trải nghiệm mà chúng tôi mong đợi nhất. Dòng Vespa thân lớn được sinh ra để thực hiện những chuyến đi dài và Côn Đảo là một nơi thích hợp để thử nghiệm khả năng của những chiếc GTS thế hệ mới. 20 chiếc Vespa mới cáu cạnh được vận chuyển từ đất liền ra Côn Đảo bằng đường biển, hành trình trải nghiệm từ sân bay Cỏ Ống đến cảng Bến Đầm cũng được lên kế hoạch và khảo sát chi tiết nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho đoàn phóng viên. Đúng 8h15p, 20 chiếc Vespa đủ màu sắc rực rỡ lần lượt lăn bánh.
Chúng tôi chạy dọc đường Bến Đầm, liên tục trầm trồ trước vẻ đẹp choáng ngợp của cảnh quan nơi đây. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là bãi tắm An Hải. Tại đây, chúng tôi tham gia trò chơi săn ảnh khá thú vị: ban tổ chức đã chụp sẵn một bức ảnh mẫu, đội chơi nào chụp được giống với ảnh mẫu nhất sẽ chiến thắng. Cũng với trò chơi này, chúng tôi được thử nghiệm những chiếc Vespa GTS mới trên bãi biển.
Thử thách nho nhỏ này đã cho thấy độ hiệu quả của hệ thống phân bổ lực kéo ASR: những chiếc Vespa GTS Super 125 không có ASR khá dễ bị mắc kẹt trong khi phiên bản GTS Super 300 với ASR gần như không bị sa lầy. Khi điều khiển xe chạy trên bùn, hệ thống ABS trên cả hai mẫu xe làm việc khá hiệu quả, hạn chế tình trạng trượt bánh. Dù vậy, chiếc Vespa GTS Super 300 vẫn tự tin vượt bùn hơn nhờ hệ thống ASR và động cơ có lực kéo mạnh mẽ hơn ở tua vòng thấp.
Kết thúc cuộc thi săn ảnh đầu tiên, chúng tôi tiếp tục chạy dọc đường Bến Đầm và dừng chân tại Mũi Cá Mập. Phóng tầm mắt ra xa, cảnh quan vô cùng hùng vĩ: xa xa là dãy núi tựa như phần đầu con cá mập, gần hơn là Bãi Nhát, nơi tù nhân vượt ngục kết bè, trốn về đất liền. Ở Côn Đảo, tù nhân muốn vượt biển phải chờ đến mùa gió chướng (là gió Đông Nam thổi từ biển vào đất liền, thời điểm có gió từ tháng 10 năm này đến tháng 4 sang năm). Lợi dụng sức gió đẩy thuyền mới có thể về được đất liền. Khi thả thuyền xuống biển, nếu gặp được gió chướng thổi mạnh và thuận lợi thì có thể 1 ngày 1 đêm là vào tới đất liền.
Điểm dừng chân cuối cùng trong ngày trải nghiệm thứ hai là Cảng Bến Đầm. Cảng Bến Đầm là điểm đến của những chuyến tàu du lịch Vũng Tàu – Côn Đảo. Nơi đây đã được xây dựng nhiều công trình chắn sóng, cùng hệ thống nhà máy chế biến, chợ hải sản, hệ thống kho lạnh,…để phục vụ nghề cá. Chúng tôi tiếp tục tham gia trò chơi săn ảnh thứ hai và trò chuyện với cư dân nơi đây để hiểu hơn về cuộc sống của họ. Chẳng mấy mà đã quá 12h trưa. Đoàn phóng viên chúng tôi liền trở về khách sạn và thưởng thức những món ngon nơi đây như cá thu một nắng, ốc vú nàng, tôm mũ ni, hàu tươi … Buổi chiều, chúng tôi đi thăm quan những địa điểm nổi tiếng tại Côn Đảo như Nhà tù Côn Đảo, Miếu Bà Phi Yến, Bảo tàng Côn Đảo, Dinh chúa đảo …
Trong ngày trải nghiệm cuối cùng, chúng tôi có nhiệm vụ chinh phục con đường bê tông dẫn lên Đỉnh Thánh Giá. Con đường không quá dài nhưng có độ dốc lên tới 17 độ, cộng với mặt đường khá trơn trượt vì rêu phủ. Đây là thử thách không nhỏ dành cho những chiếc Vespa GTS. Dù vậy, chúng tôi vẫn có thể lên xuống dốc dễ dàng nhờ các hệ thống an toàn như ABS hay ASR. Đáng ngạc nhiên hơn là chiếc Vespa GTS Super 125. Động cơ iGet 125 phân khối của nó không hề tỏ ra hụt hơi ngay cả khi xe chở nguyên tải 2 người và đồ đạc. Chiếc Vespa GTS Super 300 cũng thể hiện độ vọt khá đáng nể dù phải leo dốc cao. Buổi chiều, chúng tôi lại tự do đồng hành cùng người bạn Vespa trên những con đường đầy nắng và gió tại Côn Đảo. Mỗi người đều có những cảm nhận riêng, nhưng ấn tượng chung của cả 16 phóng viên với những chiếc Vespa GTS đời mới là rất tích cực.
Ba ngày trải nghiệm Piaggio Vespa GTS trôi qua nhanh chóng. Chuyến đi này đã chứng minh khả năng của những chiếc Vespa thân lớn ở nhiều loại địa hình khác nhau. Vespa GTS Super thực sự là mẫu xe được sinh ra để dành cho đường trường, được tạo ra để cùng bạn tận hưởng từng giây phút được hòa mình vào thiên nhiên, được chinh phục những cung đường mới và hơn hết, Vespa GTS Super không dành cho số đông.
Một số hình ảnh khác về chuyến trải nghiệm Piaggio Vespa GTS Super tại Côn Đảo:
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)