Recall - Triệu hồi sản phẩm là thuật ngữ được biết đến và sử dụng rộng rãi ở các thị trường lớn. Nhưng tại Việt Nam, khái niệm này luôn bị hiểu khác đi hoặc không đầy đủ.
Triệu hồi xe là gì?
Hàng ngày ở khắp nơi trên thế giới, không khó để bắt gặp những mẩu tin về triệu hồi sản phẩm, đủ chủng loại và hình thức khác nhau từ pin laptop có khả năng gây cháy, thức ăn cho thú nuôi có thể gây tác dụng phụ, đồ chơi trẻ con có chứa sơn nhiễm hàm lượng chì cao hơn mức cho phép, chân ga ôtô có thể bị kẹt dẫn đến tăng tốc ngoài ý muốn…
Ở đây chúng ta bàn riêng đến thuật ngữ “triệu hồi xe”.
Trong ngành công nghiệp ôtô, xe máy triệu hồi là cách để nhà sản xuất thông báo cho khách hàng biết chiếc xe bạn đang sử dụng có một lỗi nào đó có thể gây nguy cơ mất an toàn, hoặc gây ra những phiền toái khi sử dụng, đồng thời nhà sản xuất sẽ tiến hành kiểm tra, sửa chữa và thay thế để khắc phục triệt để vấn đề đó.
Việc phát đi thông báo triệu hồi xe có thể tiến hành tự nguyện, hoặc bắt buộc do yêu cầu của cơ quan chức năng (ví dụ ở Việt Nam là Cục Đăng kiểm).
Do đó, trên thế giới,việc chủ động phát hiện lỗi kỹ thuật và tự nguyện triệu hồi khi chưa có bất cứ báo cáo nào liên quan đến hậu quả do lỗi sản phẩm gây nên từ lâu đã được đánh giá là hành động thể hiện uy tín và vị thế của một hãng lớn.
Đừng hiểu “triệu hồi” theo nghĩa tiêu cực
Tại Việt Nam, do những thông tin có phần chưa đầy đủ, nội hàm của thuật ngữ này thường bị hiểu theo hướng có phần tiêu cực, và một số người tiêu dùng không thật thiện cảm với các hãng có các chiến dịch triệu hồi.
Cũng bởi điều này, có những giai đoạn triệu hồi xe lỗi bị coi là cụm từ nhạy cảm và một số nhà sản xuất từng tìm cách né tránh, che giấu câu chuyện này vì lo ngại hình ảnh thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đó là quan điểm có phần sai lầm bởi với hàng nghìn chi tiết kỹ thuật, các nhà sản xuất rất khó để loại trừ hoàn toàn lỗi trên mỗi chiếc xe thành phẩm. Chính sách triệu hồi sản phẩm khiếm khuyết được ví như yếu tố quan trọng không chỉ tạo nên uy tín của thương hiệu, mà còn thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất đối với quyền lợi người tiêu dùng.
Trong nhiều trường hợp, việc chối bỏ trách nhiệm với sản phẩm lỗi không khác gì hành động đưa thương hiệu vào “cửa tử”, nhất là với những sản phẩm có ảnh hưởng đến tính mạng con người như ôtô, xe máy.
Cùng sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô, xe máy, các quy định về triệu hồi xe tại Việt Nam ngày càng đầy đủ hơn và các hãng xe cũng không còn e ngại nhiều trước chuyện này. Nhiều hãng xe đã chủ động phát hiện sự cố, rồi chủ động truyền thông mời từng khách hàng mang xe tới kiểm tra và xử lý sự cố nếu có.
Nguồn : AutoBikes