Thuế nhập khẩu (NK) ô tô nguyên chiếc giảm mạnh, thuế NK linh kiện cũng giảm, sản xuất trong nước tăng, xe NK cũng đã về, song mặt bằng giá ô tô nói chung trên thị trường Việt Nam 6 tháng qua không giảm, thậm chí còn tăng ở nhiều phiên bản xe ăn khách. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang bị “bắt chẹt” khi đi mua ô tô.
Xe thiếu hay tâm lý khách hàng cố mua?
Ký hợp đồng đặt mua một chiếc Honda CR-V từ tháng 3, nhưng đến nay chị Nguyễn Thị Thảo (Hà Nội) vẫn chưa được nhận xe, mặc dù khi ký, đại lý hứa hẹn tháng 6 giao xe. Thế nhưng, cũng như nhiều khách hàng khác, chị Thảo không làm gì được đại lý khi đã đặt bút ký vào một bản hợp đồng đăng ký mua xe, có đặt cọc với những điểm bất lợi cho khách hàng như: Đại lý không cam kết thời điểm giao xe; thời điểm nhận xe giá có thể thay đổi. Một hợp đồng đặt cọc “ký cũng như không” như thế, khách hàng ở vào thế “thiệt thòi”.
Trả lời chị Thảo cũng như nhiều khách hàng khác, các đại lý của HVN cho biết: Không thể cam kết chắc chắn đến thời điểm nào có xe, dự kiến phải đến tháng 10 mới có lô tiếp theo về để giao cho khách. Lượng xe còn lại rất ít, hiện tại khách hàng muốn nhận xe sớm phải bỏ thêm 10-20 triệu đồng mua phụ kiện đối với bản thấp, và 50 triệu đồng đối với bản L.
Không chỉ vậy, từ ngày 1/7, Honda tiếp tục tăng 10 triệu đồng cho cả 3 phiên bản Honda CR-V đang bán trên thị trường, với mức giá mới lần lượt là 973 triệu đồng, 1,013 tỷ đồng và 1,083 tỷ đồng.
Khách hàng vẫn có tâm lý khát khao những mẫu xe nhập khẩu mới. Ảnh: Nguyễn Hà
Một câu hỏi được đặt ra là vì sao bị bắt chẹt như thế mà các khách hàng vẫn lao vào mua xe, trong khi thị trường có khá nhiều sự lựa chọn?
Nguồn cung xe NK từ đầu năm đến nay chưa dồi dào, nhiều mẫu xe “hot” đang vắng bóng trên thị trường là một thực tế.
Diễn biến thị trường hiện nay cho thấy, giá xe tăng còn xuất phát từ tâm lý cố mua bằng được của khách hàng. Sau năm 2017 nín nhịn “chờ”, nhu cầu mua xe đổ dồn sang năm 2018. Trong bối cảnh xe lắp ráp trong nước chưa đáp ứng được, xe NK thiếu, nhiều khách hàng không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi, nhất là khi các hãng “một mực” không giảm giá, chỉ có tăng.
Giá xe tiếp tục biến động tăng
Thực tế thị trường không hoàn toàn chỉ có những mẫu xe tăng giá, một số mẫu xe lắp ráp trong nước có sự giảm giá, khuyến mại nhưng không thu hút được nhiều sự chú ý của khách hàng.
Đơn cử như Toyota Việt Nam tặng bảo hiểm thân vỏ 1 năm cho sản phẩm Innova và Vios (hoặc bộ phụ kiện bao gồm đầu DVD và camera lùi). Hay đại lý của Ford hỗ trợ cho khách hàng mua EcoSport từ 25 đến 35 triệu đồng; Fiesta từ 50 – 60 triệu đồng. Các đại lý Toyota cũng thực hiện giảm giá với Innova (từ 40 đến gần 50 triệu đồng); Vios (từ 30 – 40 triệu đồng); Camry (60 triệu đồng). Một số đại lý của Mazda hỗ trợ khách 10 triệu đồng cho CX-5 2.0L. Giá Honda City cũng giảm nhẹ ở đại lý, khoảng 10-15 triệu đồng. Các đại lý của Hyundai Thành Công đang áp dụng chương trình tặng phụ kiện trị giá 6-10 triệu đồng.
Tuy nhiên, khách hàng đang có tâm lý “khát khao” các mẫu xe NK. Mặc dù thông tin trong thời gian ngắn lượng xe NK sẽ gia tăng, song tháng 6 trên thị trường tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng giá đối với những mẫu xe ăn khách.
Do xe NK chưa thể ồ ạt về nước như kỳ vọng nên thị trường vẫn rơi vào tình trạng “đói” xe trầm trọng. Một số đại lý ô tô cho biết, mỗi khi có thông tin một lô xe cập cảng, lượng người tiêu dùng đến để mua xe lập tức tăng vọt.
Chính vì vậy, bên cạnh động thái tăng giá từ ngày 1/7 của Honda, thông báo mới đây của Toyota Việt Nam về giá 3 mẫu sản phẩm ăn khách gồm Fortuner, Hilux và Hiace dao động 1,026-1,354 tỷ đồng. Cụ thể: mẫu bán tải Hilux 2018 có giá bán từ 695-878 triệu đồng, tăng 18-22 triệu đồng so với thế hệ cũ. Hay mẫu SUV Fortuner phiên bản Fortuner 2.4 4×2 AT số tự động có giá 1,094 tỷ đồng và phiên bản Fortuner 2.4G 4×2 số sàn có giá 1,026 tỷ đồng đều cao hơn so với phiên bản 2.4G 4×2 của năm ngoái là 45 triệu đồng và 1 triệu đồng. Mức giá này được cho là khiến người mua thất vọng vì đây là các mẫu xe được hưởng thuế NK 0%.
Thậm chí hiện tại hầu hết đại lý Toyota không nhận đặt cọc bản cao cấp do số lượng hạn chế; một số đại lý vẫn áp dụng chính sách “bia kèm lạc” đối với khách hàng muốn nhận xe sớm. Riêng xe màu trắng cộng thêm 8 triệu đồng.
Bài toán khó giải
Có thể thấy 6 tháng sau khi thuế NK ô tô vào Việt Nam giảm từ 30% xuống 0%, giá xe trên thị trường không giảm mạnh như kỳ vọng mà còn tăng ở một số mẫu ăn khách. Đây được xem là một nghịch lý!
Tuy khá nhiều doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện để NK ô tô theo Nghị định 116, song thực tế lượng xe trong 6 tháng qua về chưa nhiều.
Đối với sản xuất lắp ráp trong nước, mặc dù các hãng đang gia tăng sản lượng song do không tính trước được nhu cầu thị trường để đặt linh kiện nên nhiều mẫu xe “hot” cũng đang trong cảnh “cháy hàng”.
Rõ ràng khi cung chưa đáp ứng đủ cầu, khi tâm lý khách hàng đang ‘cố” mua xe bằng được thì không doanh nghiệp nào dại gì giảm giá.
Mặt khác, từ 2018, các dòng xe cao cấp, dung tích xilanh lớn sẽ bị áp mức thuế TTĐB cao hơn trước khá nhiều, dẫn tới giá xe đắt hơn, ảnh hưởng doanh số bán hàng, doanh nghiệp hạn chế nhập.
Một nguyên nhân nữa cũng tác động mạnh đến kế hoạch sản xuất, NK ô tô của nhiều doanh nghiệp cũng như giá bán sản phẩm trên thị trường đó là những thay đổi mang tính “lịch sử” của 3 doanh nghiệp lớn trong nước là Thaco, Thành Công và VinFast. Từ một doanh nghiệp chuyên NK, Thành Công đã chuyển gần như hoàn toàn sang sản xuất lắp ráp trong nước. Vốn đã có trong tay nhiều thương hiệu lớn, Thaco tiếp tục mua lại nhiều hệ thống phân phối của BMW, Mini; mới đây là việc VinFast mua lại hệ thống của GM Việt Nam….
Những diễn biến này khiến thị trường trở nên xáo trộn và khó đoán định. Nhiều hãng thực sự lúng túng trong bài toán kinh doanh và định giá sản phẩm.
Không chỉ các hãng, các đại lý cũng mù mờ, mơ hồ về thông tin giá cũng như lượng xe. Cẩn trọng, nhiều đại lý không dám “ôm” hàng cho cuối năm.
Có thể thấy, đôi lúc những tác động trực tiếp từ thuế, dù lớn, lại không đủ sức khiến cho giá bán ô tô trên thị trường thay đổi. Theo đúng quy luật kinh tế thị trường, giá luôn có cơ hội thay đổi từ chính mối quan hệ cung – cầu. Giai đoạn nửa cuối năm 2018, tình trạng khan hiếm nguồn cung ở thị trường ô tô Việt Nam được nhận định là sẽ phần nào cải thiện. Tuy nhiên, việc giá bán lẻ có giảm hay không thì khó ai có thể chắc chắn.
Nhận định cuối năm 2018 cho thấy, động thái của 3 “ông lớn”, vốn nắm trong tay nhiều thương hiệu ô tô lớn cả NK lẫn sản xuất lắp ráp sẽ tác động mạnh tới giá xe. Nếu 3 “ông lớn” đồng lòng giảm giá, giá xe toàn thị trường sẽ giảm, nếu chỉ “nhìn nhau” không giảm thì kỳ vọng giảm giá của khách hàng sẽ chỉ là… giấc mơ!
Theo Hải Quan Online
Nguồn : http://topcarvn.com/thi-truong-o-vi-sao-thue-giam-gia-khong-giam/