Có thể thấy Ford đặt nhiều kỳ vọng vào phiên bản này khi nó được ra mắt toàn cầu và trưng bày đầu tiên đều tại Thái Lan, nơi mà Toyota Hilux mới là chiếc bán tải được ưa chuộng nhất. Nó cũng là ần đầu tiên Ford tạo ra phiên bản Raptor cho một dòng bán tải nhỏ hơn F-150 với nhiều công nghệ vận hành đỉnh cao dành cho anh em đam mê pick-up và offroad.
Đầu tiên là động cơ tăng áp đôi (Twin Turbo) 4 xy-lanh thẳng hàng mới có tên gọi EcoBlue 2.0L, sản sinh công suất lên đến 210 mã lực và mô-men xoắn 500Nm. Tức mạnh hơn hơn 14 mã lực và 30 Nm so với động cơ 3.2L Duratorq 5 xy-lanh ở bản Wildtrak 3.2L. Hiệu năng mới đến từ hệ thống nạp biturbo mới của Ford với hai cụm tăng áp (turbocharger), 1 nhỏ và 1 lớn. Ở dải vòng tua thấp, cả hai bộ tăng áp đều hoạt động để tăng mô-men xoắn và khả năng phản hồi của động cơ, giảm thiểu tối đa độ trễ chân ga. Còn ở dải vòng tua cao, cụm tăng áp nhỏ sẽ được ngắt và chỉ còn cụm tăng áp lớn hơn hoạt động.
Động cơ biturbo 2.0L của Ranger Raptor 2019
Ranger Raptor 2019 sử dụng hộp số tự động 10 cấp Getrag 10R80 chia sẻ cùng Ford F-150. Tuy nhiên, Ford cho biết các tỷ số truyền đã được tinh chỉnh lại để phù hợp hơn với động cơ 2.0L thay vì động cơ EcoBoost 2.3L. Thuật toán cho hộp số tự động cũng được làm mới để thời điểm sang số, chọn cấp số thật sự chuẩn xác nhằm giúp xe vận hành tối ưu nhất. Lẫy chuyển số trên vô-lăng cũng là chi tiết mình rất thích, nó được nhũ bạc và nhìn mạnh mẽ và không khác gì trang bị trên các xe thể thao.
Hộp số 10 cấp mới
Xe có cấu hình dẫn động 4x4 với nút gài cầu điện, đi cùng nút khóa vi sai trung tâm. Kết hợp cùng đó là hệ thống Kiểm soát địa hình Terrain Management System với tổng cộng 6 tùy chọn. Gồm 2 chế độ lái Normal/Sport và 4 dạng địa hình offraod: Cỏ/Sỏi/Tuyết; Bùn/Cát; Đá và Baja. Hơi tiếc là chiếc xe trưng bày họ khóa cửa và không cấp điện, nên mình chỉ có thể chụp ảnh chứ không thể demo các tính năng cho anh em xem thử.
Bù lại thì Ford có bố trí hẳn một góc riêng để phơi bày lộ liễu khung gầm, động cơ hộp số cũng như các công nghệ nổi bậc của Ranger Raptor. Đầu tiên là khung xe được chế tạo từ thép hợp kim gia cường (high-strength low-alloy steel - HSLA). Vật liệu này được dùng cho cả phần ốp bên hông vè bánh xe, giúp chiếc bán tải ổn định và cứng chắc hơn dù đi đường trường hay đi đường xấu.
Đội ngũ Raptor của Ford Mỹ đóng góp vào chiếc Ranger 2019 hệ thống treo Fox Racing Shox được chế tạo riêng biệt có hành trình nhún 46,6 mm. Nhờ vào cấu tạo Position Sensitive Damping, tạm gọi Thích ứng theo điều kiện vận hành, piston giảm chấn sẽ thay đổi độ cứng mềm tương ứng với vận tốc, điều kiện vận hành onroad hoặc offroad.
Bộ khung gầm này cũng cho thấy rõ hệ thống treo sau của Ranger Raptor là kiểu giảm xóc lò xo trụ ống lồng, chứ không phải kiểu nhíp lá như ở các phiên bản khác. Bên cạnh đó kiểu liên kết Watt với trục sau giúp gia tăng độ cứng chắc, tăng khả năng chịu tải lẫn độ linh hoạt của xe. Còn theo mình nghĩ, kiểu thiết kế này chắc sẽ được lòng anh em mua bán tải đi phố và cả người ngồi sau bởi nó sẽ êm hơn nhiều.
Hệ thống phanh cũng được nâng cấp với các đĩa phanh trước và sau có đường kính 332 mm. Phía trước mỗi đĩa phanh bố trí hai piston có kích thước lớn hơn 9,5 mm so với các bản Ranger khác. Còn phía sau là loại piston đơn 54 mm. Bản Raptor của Ranger sử dụng la-zăng 17-inch 6 chấu đôi cùng bộ lốp đi đại hình BF Goodrich All-Terrain cỡ 285/70R17. Nhìn 'dàn chân' này bên ngoài đảm bảo anh em sẽ yêu ngay như mình, cực ngầu và hầm hố luôn.
Ranger Raptor có kích thước Dài x Rộng x Cao lần lượt 5.398 x 2.180 x 1.873 mm, khoảng sáng gầm gia tăng thành 283 mm. Xe có góc thoát trước 32,5 độ, góc thoát sau 24 độ và góc vượt đỉnh dốc 24 độ. Bên dưới mũi xe là tấm ốp bảo vệ động cơ, cản xe trước/sau cũng có sẵn các điểm móc để kéo xe dành cho dân chơi offroad chuyên nghiệp. Sang năm các cuộc thi offroad ở Việt Nam, hạng mục xe nguyên bản có lẽ không cần đấu cũng biết trước kết quả rồi
Gói trang bị Raptor mang đến diện mạo hầm hố hơn cho Ranger. Đầu xe gây ấn tượng mạnh với lưới tản nhiệt, cản trước và ốp gầm cơ bắp. Hệ thống chiếu sáng tuy vẫn là đèn pha Halogen, đèn cốt Projector và đèn LED chạy ban ngày như Ranger Wildtrak nhưng bổ sung thêm đèn sương mù LED. Ford cũng trang trí thêm các chi tiết tạo điểm nhấn như hốc thoát gió bên hông xe, bệ bước chân cỡ lớn sơn đen, tem xe và tên phiên bản Raptor.
Thùng xe được lót nhựa và có ổ nguồn 12V, nhưng điểm mình ấn tượng nhất là nắp thùng nhẹ bất ngờ. Mình dùng một tay để nâng hạ nó hết sức dễ dàng, trong khi sang thử chiếc Ranger XLS bên cạnh thì nắp thùng nặng hơn đáng kể. Có lẽ Ford đã dùng các vật liệu nhẹ hơn cho chi tiết này, đây thật sự là một điểm cộng ăn tiền của Ranger Raptor.
Bên trong, Raptor trang bị ghế da pha nỉ tích hợp sưởi, vô-lăng bọc da, điều hòa tự động màn hình cảm ứng 8-inch tích hợp hệ thống SYNC 3, định vị dẫn đường vệ tinh, ổ cắm điện cho hàng ghế sau... So với Wildtrak thì mình thích cách phối màu nội thất đen-xám-xanh của Ranger Raptor hơn
Tuy không được vào ngồi thử nhưng theo mình thấy là không gian hành khách không thay đổi so với các phiên bản khác. Ghế lái có chỉnh điện trong khi ghế phụ chỉnh cơm, hàng ghế sau tựa lưng khá đứng, có 3 tựa đầu và bệ tì tay.
Các tính năng an toàn có thể kể đến như hệ thống hỗ trợ người lái DAT – Driver Assist Technologies; camera chiếu hậu; ổn định thân xe điện tử ESC tích hợp chức năng chống lật, đồng thời giúp xe vào cua và phanh tốt hơn; hỗ trợ khởi hành ngang dốc HAS; hỗ trợ đổ dốc HDC và kiểm soát tải trọng thích ứng LAC...