Đầu tiên, giá bán dành cho ba phiên bản Outlander mới thật sự rất hấp dẫn khi so với chính những chiếc Outlander nhập khẩu trước đây. Còn nếu đặt cạnh các đối thủ thì cũng hết sức nội bậc và đáng để cân nhắc khi X-Trail giá từ 852 đến 986 triệu, CX-5 từ 869 đến 999 triệu còn CR-V nhập khẩu có giá từ 1.136 đến 1.256 tỷ.
Cụ thể giá bán của Mitsubishi Outlander hiện nay như sau:
(Triệu đồng, đã bao gồm VAT)
Điểm đáng chú ý tiếp theo là nay cả ba phiên bản Outlander đều đã có hàng ghế thứ ba thay vì tùy chọn cấu hình 5 chỗ hoặc 5+2 như trước đây. Như vậy, Outlander 2018 vượt qua X-Trail để trở thành mẫu CUV 7 chỗ thương hiệu Nhật Bản có giá bán khởi điểm tốt nhất hiện nay trên thị trường.
Mitsubishi Outlander 2018 phiên bản 2.4 CVT Premium nay bổ sung thêm cảm biến lùi ở ngoại thất
Các phiên bản Outlander nay còn trở nên toàn diện hơn nhờ các nâng cấp về tính năng từ Mitsubishi. Minh chứng là phiên bản 2.4 CVT Premium có thêm cảm biến lùi hỗ trợ cho việc đỗ xe, phanh tay điện tử cùng tính năng Auto Hold thay cho phanh tay kiểu cũ. Nhờ vậy mà nội thất của chiếc xe trông gọn gàng, hiện đại hơn hẳn.
Nội thất phiên bản Outlander 2.4 CVT Premium với phanh tay truyền thống được loại bỏ, thay bằng phanh tay điện tử.
Trong khi đó nhiều trang bị hữu ích nay trở thành tiêu chuẩn cho cả dòng xe như: chìa khóa thông minh tích hợp nút bấm khởi động; camera lùi; hệ thống thông tin giải trí DVD/định vị GPS nay bổ sung thêm kết nối Bluetooth so với các bản nhập khẩu trước đây; gương chiếu hậu tích hợp đèn báo rẽ có chỉnh/gập/sưởi điện và hệ thống Cruise Control.
Thật sự mình đánh giá cao Mitsubishi về điểm này khi đã lắng nghe ý kiến khách hàng để tạo nên sản phẩm mới tốt hơn, đáng mua hơn.
Về mặt chất lượng, Mitsubishi Motor Việt Nam cho biết Outlander mới tuân theo các tiêu chuẩn toàn cầu khi sử dụng các bộ linh kiện được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản và quy trình lắp ráp được giám sát nghiêm ngặt bởi chính các chuyên gia từ tập đoàn Mitsubishi Motors Nhật Bản.
Trong thời gian tại buổi lễ, nhìn chung là mình hài lòng với độ hoàn thiện của những chiếc Outlander trưng bày, nước sơn bóng bẩy, đẹp mắt cũng như nội thất được làm chỉnh chu, âm thanh đóng cửa gọn và chắc.
Hai phiên bản Premium sẽ có ghế ngồi bọc da và ghế lái chỉnh điện 8 hướng, trong khi đó Outlander 2.0 CVT chỉ trang bị ghế nỉ và toàn bộ các vị trí ngồi đều phải chỉnh cơ.
Hàng ghế đầu ở Outlander 2.4 CVT Premium
Hàng ghế thứ hai và thứ ba có thể xem là một lợi thế khác của Outlander so với các đối thủ. Nếu hàng ghế giữa có thể trượt/ngả lưng 60:40 thì hàng ghế sau cùng có thể ngả lưng hoặc gập phẳng 50:50. Vậy nên khi đi đủ 7 người thì các hành khách có thể linh hoạt chỉnh ghế để san sẻ không gian với nhau.
Tư thế ngồi ở hàng ghế thứ ba ở Outlander mình đánh giá là ổn, tuy ngồi hơi xổm nhưng vẫn đủ chỗ cho Mod @turquoise cao 1m75 để chân như trong ảnh. Đây là điểm 'ăn tiền' của Outlander so với X-Trail và CR-V vốn có hàng ghế cuối chỉ thích hợp với trẻ em.
Ngoài ra, khi đi dùng đủ ba hàng ghế thì không gian để đồ ở Outlander vẫn đủ rộng rãi để một gia đình có thể đi du lịch cuối tuần. Khoảng trống từ lưng ghế sau đến đuôi xe ở Outlander tốt hơn so với X-Trail và CR-V. Còn khi gập phẳng thì thể tích để hành lý tối đa sẽ đạt 1.792 lít.
Một vài trang bị, tiện nghi đáng chú ý khác ở Outlander 2.0 và 2.4 CVT Premium có thể kể đến như hệ thống chiếu sáng với đèn pha, đèn định vị LED tự động bật tắt và có tính năng rửa đèn; gạt nước mưa tự động; hàng ghế trước có sưởi; lẫy chuyển số trên vô-lăng hay cửa sổ trời... Riêng mẫu xe đắt tiền nhất có thêm cốp sau chỉnh điện.
Đáng tiếc rằng Outlander chưa khắc phục được hạn chế mà người tiêu dùng Việt Nam rất 'dị ứng', đó là việc hệ thống điều hòa tự động là kiểu 2 vùng độc lập nhưng lại không bố trí hốc gió cho hàng ghế thứ hai và thứ ba. Dẫu có vài ý kiến nhận định rằng điều hòa Mitsubishi nổi tiếng làm lạnh nhanh và sâu, nhưng rõ ràng với chỉ 4 hốc gió ở bảng tablo thật sự sẽ khó giúp không khí trong cabin lưu thông thật sự tốt, nhất là trong các chuyến đi chơi xa.
Outlander chỉ bố trí các hốc gió điều hòa ở phía trước bảng tablo.
Mitsubishi sử dụng trợ lực lái điện cùng hộp số CVT vô cấp INVECS III cho ba phiên bản để đi cùng hai tùy chọn động cơ xăng MIVEC. Đó là:
Động cơ 4B11 - 1.998 cc - DOHC: công suất tối đa 143 mã lực tại 6.000 vòng/phút; mô-men xoắn cực đại 196 Nm tại 4.100 vòng/phút
Động cơ 4B11 - 2.360 cc - DOHC: công suất tối đa 165 mã lực tại 6.000 vòng/phút; mô-men xoắn cực đại 222 Nm tại 4.200 vòng/phút
Riêng phiên bản cao cấp nhất sẽ đi cùng hệ dẫn động hai cầu 4WD với ba chế độ vận hành tối ưu cho những điều kiện vận hành khác nhau, bao gồm Eco - Auto - Lock (khóa vi sai).
Trong kế hoạch phát triển sắp đến của Mitsubishi, Outlander là sản phẩm lắp ráp mở đầu tại Việt Nam mang thiết kế “Dynamic Shield” – Vẻ đẹp gắn liền với công năng khi mang đến những lợi ích thiết thực cho người dùng. Chính Dynamic Shield cũng giúp Outlander chinh phục những tiêu chuẩn an toàn cao nhất nhất của các tổ chức đánh giá uy tín trên thế giới như EURO NCAP của châu Âu hay danh hiệu Top Safety Pick+ của IIHS - Mỹ.
Cả ba phiên bản Outlander mới sở hữu những tính năng bảo vệ đáng chú ý như khung xe RISE danh tiếng, hệ thống phanh ABS/EBD/BA, Hệ thống Cân bằng điện tử ASC, Hệ thống Khởi hành ngang dốc HSA, Hệ thống kiểm soát chân ga khi phanh. Sau cùng, hai phiên bản Premium sẽ có 07 túi khí trong khi bản 2.0 CVT chỉ có túi khí đôi phía trước mà thôi.
Thông số kỹ thuật Mitsubishi Outlander
- Kích thước (DxRxC): 4.695 x 1.810 x 1.710 mm
- Chiều dài cơ sở: 2.670 mm
- Chiều cao gầm: 190 mm
- Phanh trước: Đĩa thông gió
- Phanh sau: Đĩa
- Bánh xe: mâm hợp kim đúc 18-inch
- Lốp: 225/55R18
- Hệ thống treo trước: Kiểu MacPherson với thanh cân bằng
- Hệ thống treo sau: Đa liên kết với thanh cân bằng
- Dung tích bình xăng: 63 lít (bản 2.0) và 60 lít (bản 2.4)
- Trọng lượng không tải: 1.425 kg (bản 2.0) và 1.530 kg (bản 2.4)
Hình ảnh chi tiết Mitsubishi Outlander 2.4 CVT Premium