Thông thường, khi một người đã có đủ điều kiện tài chính để sắm một chiếc xe trên 3 tỷ đồng, chi phí sửa chữa có lẽ sẽ không phải là yếu tố quyết định khiến họ chọn hay không chọn một chiếc xe. Họ sẽ quan tâm đến thiết kế, công nghệ, sự an toàn và khả năng vận hành nhiều hơn. Nói một cách nôm na, khi mua một chiếc xe sang, bạn sẽ muốn nó phục vụ mình thay vì phải đau đầu, toát mồ hôi hột vì chiếc xe mỗi khi nó đổ bệnh.
Những người chơi xe thường hay nói rằng xe châu Âu đi rất sướng nhưng chi phí vận hành, sửa chữa cao hơn nhiều so với xe xuất xứ từ Nhật Bản. Điều này là đúng - ở một phương diện nhất định. Mỗi chiếc xe sang đến từ châu Âu được thiết kế rất phức tạp, bao gồm nhiều linh kiện cảm biến đo nhiệt độ, áp suất, gia tốc, điều hướng v.v…
Thật không may, khi phải hoạt động với cường độ cao những linh kiện điện tử này lại là những bộ phận dễ bị “hắt hơi sổ mũi” nhất. Ngoài ra, những hãng xe này luôn có quy trình bảo dưỡng, bảo trì theo tiêu chuẩn rất ngặt nghèo, các phụ tùng đều được nhập khẩu độc quyền, cũng góp phần đẩy giá sửa chữa lên cao. Sự sung sướng cũng có giá của nó và “Toyota không thể hỏng những thứ mà nó không có được”, một lãnh đạo BMW đã từng thản nhiên nhận xét.
Chi phí sửa chữa và bảo hành của những chiếc xe sang vẫn luôn lớn hơn xe phổ thông gấp nhiều lần. Vậy khi ta so sánh các mẫu xe sang với nhau thì sao? Ấn tượng chung của không ít người sở hữu xe phổ thông là “đã là xe sang thì hãng nào cũng đắt như nhau thôi!”. Tuy nhiên, sự khác biệt về chi phí bảo hành và sửa chữa đối với những mẫu xe sang ngang tầm đôi khi cũng rất lớn.
Để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, phóng viên đã tiếp cận những hãng xe sang danh tiếng tại Việt Nam, bao gồm Audi, BMW, Mercedes-Benz và Volvo để tìm hiểu chi phí sửa chữa và bảo hành của những mẫu SUV cỡ trung của từng hãng. Đó là Audi Q7, BMW X5, Mercedes-Benz GLS 400 và Volvo XC90. Khá đáng tiếc là chúng tôi đã không liên hệ được với Lexus, thương hiệu xe sang đến từ Nhật Bản.
Khi nói đến việc sửa chữa xe, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến chi phí thay thế cản trước và cản sau, vì đây là hai bộ phận chịu lực đầu tiên trên chiếc xe khi có tai nạn xảy ra. Đúng như dự đoán, chi phí thay thế tấm cản trước của những chiếc SUV hạng sang là khá đắt đó: cản trước xe Audi Q7 có giá tới 42 triệu đồng, bộ phận này trên Volvo XC90 có giá 38,5 triệu đồng và BMW X5 cũng không kém cạnh, lên tới 37 triệu đồng. Mercedes-Benz không đưa ra một con số cụ thể cho chi phí thay thế cản trước của xe. Như vậy, BMW X5 là chiếc xe có chi phí thay thế cản trước rẻ nhất.
Tương tự như cản trước, chi phí thay thế tấm cản sau của những mẫu xe này cũng “chát” không kém. Giá tiền thay thế cản sau của Q7, X5, GLS 400 và XC90 lần lượt là 37,5 triệu đồng, 32,9 triệu đồng, 28,5 triệu đồng và 28 triệu đồng. Như vậy, sự chênh lệch chi phí thay thế hai tấm cản trước và sau giữa chiếc xe đắt nhất (Q7) và rẻ nhất (XC90) lên tới gần 10 triệu đồng!
Những bộ phận cũng rất dễ bị tổn thương nếu có tai nạn xảy ra là hệ thống chiếu sáng bên ngoài xe. Chi phí thay thế một bộ đèn trước của những mẫu SUV kể trên là 55 triệu đồng (Audi Q7), 48 triệu đồng (BMW X5) và 49,4 triệu đồng (Volvo XC90). Chi phí cho một bộ đèn sau là 15,8 triệu đồng (Audi Q7), 13,9 triệu đồng (BMW X5), 14,4 triệu đồng (Mercedes-Benz GLS 400) và 12,7 triệu đồng (Volvo XC90). “Bảng xếp hạng” chi phí sửa chữa vẫn không đổi: Audi đắt nhất, trong khi chi phí sửa chữa đèn trước, đèn sau của BMW X5 và Volvo XC90 là tương đương nhau.
Khi so sánh các chi tiết cơ khí của hệ thống truyền động, có thể thấy mẫu xe đến từ Thụy Điển vẫn có chi phí “mềm” hơn ba mẫu xe Đức. Cụ thể, thước lái của Volvo XC90 có giá chỉ 39,2 triệu đồng, trong khi thước lái của Mercedes-Benz GLS 400 có giá lên tới 160 triệu đồng, gấp 4 lần so với XC90! Thước lái của BMW X5 cũng đắt không kém (138,7 triệu đồng) và chúng tôi không có giá của thước lái Audi Q7. Rô-tuyn lái của XC90 có giá thay thế chỉ 1,9 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với Audi Q7 (10,1 triệu đồng), BMW X5 (8,9 triệu đồng) hay Mercedes-Benz GLS 400 (4,6 triệu đồng). Khi so sánh chi phí thay thế thanh giảm xóc khí nén, sự chênh lệch không đến nỗi “giật mình” như trên nhưng Volvo XC90 vẫn rẻ nhất (11 triệu đồng), còn Audi Q7 là đắt nhất (23,6 triệu đồng).
Qua những phép so sánh trên, ta có thể thấy sự đắt đỏ mỗi khi những chiếc xe sang cần bảo dưỡng và sửa chữa. Tuy nhiên, “đắt thì xắt ra miếng”, khách hàng của những hãng xe sang được chăm sóc bởi đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, sử dụng những máy móc và quy trình tuân thủ chặt chẽ quy định của hãng mẹ. Với hãng Volvo Việt Nam, tất cả các phụ tùng và phụ kiện trên xe đều được nhập khẩu chính hãng đầy đủ nguồn gốc xuất xứ và được bảo hành 12 tháng hoặc hơn. Mỗi chiếc xe sau khi sửa chữa đều được chạy thử với số kilômét được quy định trước khi bàn giao tới khách hàng và trong quá trình sửa chữa, khách hàng luôn được cập nhật về chiếc xe của họ khi cần thiết.
Cũng chỉ bằng cách so sánh trực tiếp, chúng ta mới thấy ngay cả trong phân khúc xe sang thì sự chênh lệch về chi phí sửa chữa cũng là rất lớn. Mẫu SUV của Volvo có chi phí sửa chữa và bảo dưỡng rẻ hơn khoảng 30% so với các mẫu xe cạnh tranh và cũng tiết kiệm nhiên liệu hơn với động cơ 2.0 lít. Volvo XC90 không chỉ được mệnh danh là mẫu SUV an toàn nhất thế giới, mà nó còn có chi phí bảo hành và sửa chữa rẻ nhất phân khúc.
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)
Nguồn : https://xehay.vn/lot-tran-chi-phi-bao-hanh-va-sua-chua-suv-hang-sang-tai-viet-nam.html