Cán bộ ngân hàng cao to, mặc đẹp, đi ô tô đánh rách đầu nữ nhân viên cây xăng.
Khi vụ việc thanh tra giao thông đánh nữ nhân viên hàng không gây bức xúc trong xã hội vẫn còn chưa hết nóng, thì mới đây, lại có thêm một vụ việc khác có tính chất tương tự: cán bộ ngân hàng đánh rách đầu nữ nhân viên cây xăng.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 8h10 ngày 24/10, Hoàng Hữu Đ. (SN 1979, trú tại TP.Vinh, Nghệ An), Cán bộ tại ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co.opBank) - Chi nhánh tại Nghệ An, điều khiển xe ô tô mang BKS: 37A-321.99 vào mua xăng tại cửa hàng xăng dầu Nghi Phú (Công ty PTS Nghệ Tĩnh, thuộc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam).
Anh Đ. yêu cầu nhân viên cây xăng là chị N.T.N bơm vào bình xe 500.000 đồng. Xong xuôi, Đ. điều khiển xe ra khỏi cửa hàng.
Bất ngờ là khoảng 10 phút sau đó, Đ. quay lại cây xăng, lớn tiếng thông báo với chị N. rằng chị bơm chưa đủ 500.000 đồng và yêu cầu chị phải tiếp tục bơm thêm xăng vào xe của Đ. Chị N. trả lời là lượng xăng đã được bơm đủ theo số tiền khách hàng yêu cầu và đề nghị Đ. kiểm tra lại đồng hồ báo xăng của xe ô tô.
Nhưng Đ. không chịu kiểm tra kim đồng hồ báo như yêu cầu của chị N. và lớn tiếng cự cãi khiến hai bên đôi co với nhau. Sau đó, Đ. đã chạy lại cột xăng nơi chị N. đang làm việc, cướp trên tay cò xăng của chị này, đánh vào đầu chị N. rồi quẳng cò xăng xuống nền và đi ra xa.
Khi phát hiện chị N. bị chảy máu nhiều ở vùng đầu, Đ. đã quay lại, dùng cánh tay trái quàng qua trán chị N. để cầm máu rồi dìu chị N. đi vào bên trong cửa hàng xăng dầu.
Chị N. được chuyển đến một bệnh viện trên địa bàn TP.Vinh để chữa trị, kiểm tra sức khỏe. Bệnh viện kết luận chị N.không bị ảnh hưởng về phần xương và não mà chỉ bị phần mềm. Chị được bác sĩ khâu, băng bó và cho về nhà điều trị.
Người đánh chị N. (vòng tròn vàng) nhìn lại phát hiện máu chảy ra từ đầu
Được biết, thời điểm xảy ra sự việc, trên chiếc xe ô tô của Hoàng Hữu Đ. còn có 3 người khác cùng chứng kiến sự việc. Họ đều là đồng nghiệp với Đ., đang công tác tại Co.opBank chi nhánh Nghệ An.
Chưa xét đến ai đúng ai sai trong quá trình mua – bán xăng, chỉ riêng hành vi côn đồ xông vào đánh phụ nữ của anh Đ. đã không thể chấp nhận được. Anh Đ. là cán bộ ngân hàng, cao to, khỏe khoắn, anh ăn mặc lịch sự và đi xe ô tô sang trọng, thế nhưng việc đánh một người phụ nữ làm công việc lao động chân tay kia quả thực chẳng “sang” chút nào, nếu không muốn nói là hèn kém, côn đồ, thiếu văn hóa.
Huống hồ trong vụ việc này, lỗi sai lại hoàn toàn thuộc về anh Đ. Bởi theo biên bản lập tại nơi xảy ra sự việc, hai bên xác định lỗi sai do kỹ thuật xe anh Đ. Biên bản nêu rõ: ''Phía anh Đ. công khai xin lỗi cửa hàng. Đồng thời, xin lỗi chị N. vì không giữ được bình tĩnh, gây xô xát không đáng có. Anh Đ. xin chịu mọi chi phí điều trị và chăm sóc chị N.''.
Ông Đặng Công Linh - GĐ Co.opBank chi nhánh Nghệ An cho biết, anh Hoàng Hữu Đ. là cán bộ tín dụng, làm việc tại ngân hàng 10 năm nay. Ông Linh cũng khẳng định, nhân viên cây xăng có sai cũng không được phép đánh, dù người đó là nữ hay nam. “Tôi sẽ yêu cầu viết bản tường trình, làm rõ trách nhiệm. Đồng thời, phải bồi thường cho người bị hại'' - ông Linh nói.
Sau khi chứng kiến sự việc nữ nhân viên cây xăng bị đánh, những đồng nghiệp đi cùng anh Đ. không trình báo sự việc với cấp trên, ông Linh hứa sẽ cho kiểm tra có hay không việc bao che cho hành vi phản cảm đó.
Anh Đ. đã sai rõ ràng, làm sai thì bị xử lý là việc đương nhiên. Song, nhìn rộng ra, vụ việc lại một lần nữa khiến chúng ta phải suy nghĩ thêm về vấn nạn hành hung, bạo lực với phụ nữ.
Ngạn ngữ có câu 'Đừng đánh phụ nữ dù chỉ bằng một cành hoa'. Phụ nữ chân yếu tay mềm, làm sao đủ sức khỏe để phản kháng cân xứng với sức mạnh cơ bắp của đàn ông?
Thế nên, đã được gọi là 'phái mạnh' thì đàn ông phải biết sử dụng sức mạnh ấy để làm những việc chân chính, để bảo vệ cho phái yếu, chứ không phải hễ nóng giận là vung tay, vung chân, “xử” những người phụ nữ chân yếu tay mềm bằng cái bạt tay hay nắm đấm.
Khách hàng Đ. dìu nhân viên bơm xăng đi vào bên trong cửa hàng
Mâu thuẫn có thể phát sinh trong mọi tình huống của cuộc sống, giữa đàn ông với đàn ông, giữa đàn ông với phụ nữ và chúng ta không có quyền lựa chọn nhưng chúng ta lại có quyền lựa chọn cách hành xử với nhau, chọn cách tử tế, văn minh hoặc dùng vũ lực. Quát mắng phụ nữ đã khó coi, đánh đập họ càng không thể chấp nhận, nhất là ở một xã hội văn minh.
Bên cạnh đó, vụ việc cũng là một bài học về cách hành xử cho những người được cho là có tiền bạc, địa vị trong xã hội. Hiện nay, có không ít người quan niệm sai lầm rằng “có tiền là có quyền” nên cứ có chút tiền bạc trong tay là họ lên mặt với đời, tự cho mình là ông “vua con”, hành xử lỗ mãng, côn đồ với người khác.
Từng có vụ khách ngồi ghế máy bay khoang VIP nhưng thẳng tay tát nữ tiếp viên vì ngủ dậy không tìm thấy điện thoại (sau đó chiếc điện thoại được tìm thấy ở dưới ghế của vị này). Rồi biết bao vụ việc khác được đăng tải trên báo chí phản ánh chuyện những người ăn mặc lịch sự, đi xe sang, xài hàng hiệu nhưng lại cư xử không đúng mực ở nơi công cộng khiến dư luận bất bình.
Anh giàu, anh có thể bỏ tiền ra để được sử dụng những dịch vụ cao cấp, được chăm sóc kỹ càng hơn những người thu nhập thấp, được yêu cầu nọ kia phù hợp với mong muốn của mình. Nhưng anh giàu không có nghĩa anh có quyền đè đầu cưỡi cổ người khác hay mạt sát, xúc phạm người lao động rồi quẳng tiền chuộc lỗi với nạn nhân hoặc nộp phạt là xong.
Giàu tiền mà cư xử tử tế, văn minh thì được ngưỡng mộ, tôn trọng, chứ giàu tiền mà nghèo văn hóa thì chỉ bị bêu xấu, lên án mà thôi!
Quý Bình (Tuoitrethudo)