6 nhà sản xuất ô tô đã ký cam kết tại sự kiện này là Volvo, Ford, General Motors, Mercedes-Benz, Jaguar Land Rover và China’s BYD. Tuy nhiên, nhiều hãng xe khác, bao gồm cả hai 'ông lớn' hàng đầu thế giới là Toyota và Volkswagen, cũng như Stellantis, Honda, Nissan, BMW và Hyundai đều không tham gia thỏa thuận, nêu rõ những thách thức vẫn còn trong việc chuyển sang một tương lai không phát thải.
Điều này cũng đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của cam kết. Được biết, sự vắng mặt của Trung Quốc, Mỹ và Đức là lý do chính khiến nhiều nhà sản xuất ô tô từ chối cam kết. Một nguồn tin trong ngành chia sẻ nhiều nhà sản xuất ô tô đang thận trọng với việc ký kết, vì nó buộc họ sẽ chuyển đổi công nghệ tốn kém; nhưng thiếu cam kết tương tự từ các chính phủ để đảm bảo sự phát triển của cơ sở hạ tầng lưới điện và trạm sạc cần thiết để hỗ trợ xe điện.
Các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết Volkswagen và Toyota không ký kết do sự miễn cưỡng của Chính phủ các nước trong việc tham gia thỏa thuận. Trong khi đó, BMW xác nhận họ cũng sẽ không ký cam kết. Nhà sản xuất ô tô cho biết: “Hiện vẫn còn chưa có sự chắc chắn đáng kể về việc phát triển của cơ sở hạ tầng toàn cầu để hỗ trợ sự chuyển đổi hoàn toàn sang phương tiện không phát thải, với sự chênh lệch lớn giữa các thị trường”.
Việc các chính phủ tham gia vào việc chuyển đổi sang những loại nhiên liệu thay thế là chìa khóa để giành được sự ủng hộ của các công ty ô tô - những hãng đang bắt đầu đầu tư mạnh vào xe chạy bằng điện hoặc hydro. Các nguồn tin cho biết thêm rằng không có nhà sản xuất ô tô nào chống lại việc loại bỏ dần lượng khí thải, nhưng mỗi hãng xe đều đưa ra phản đối cụ thể đối với thỏa thuận.
Quang Nam
(Theo Nghe nhìn Việt Nam)