Vài ngày qua, trên truyền thông liên tục xuất hiện hình ảnh những tay súng Taliban ngồi chen chúc trên thùng xe bán tải, trên tay lăm lăm các vũ khí quân sự. Những chiếc xe này thuộc về thương hiệu Toyota.
Từ rất lâu rồi, những xe bán tải của Toyota đã được dùng làm phương tiện chiến tranh, đặc biệt là tại Trung Đông. Không chỉ ở Afghanistan, các lãnh chúa Somali cũng sử dụng xe Toyota tại đất nước của họ cho mục đích chiến tranh.
Binh lính Chad trên xe Toyota
Thậm chí, các quan chức cứu trợ nhân đạo còn phải mua lại những chiếc xe Toyota đã được những kẻ khủng bố 'độ lại' để đảm bảo hàng viện trợ của họ được đưa tới đích.
Vào cuối những năm 1980, giai đoạn cuối của cuộc xung đột vũ trang Chad-Libya, còn từng xảy ra một cuộc Chiến tranh Toyota. Sở dĩ cuộc chiến này được mang tên Toyota là do quân đội Chad đã dùng hàng loạt xe bán tải của hãng như Hilux và Land Cruiser để vận chuyển binh lính. Nhờ xe Toyota, quân đội Chad cực kỳ cơ động và đã giành chiến thắng.
Vậy tại sao những chiếc xe Toyota lại được ưa chuộng trên chiến trường?
Trên tạp chí War Is Boring, tác giả Kyle Mizokami từng ví những chiếc xe bán tải Toyota giống như chiến xa của Hy Lạp thời xưa. 'Bạn có thể mua 266 chiếc xe Toyota với cùng số tiền bỏ ra để mua một chiếc xe tăng. Hơn nữa, những chiếc xe Toyota còn đáng tin cậy và dễ bảo trì hơn xe tăng', Mizokami viết.
Như vậy, có thể thấy lý do đầu tiên khiến xe bán tải Toyota được chọn làm 'chiến xa' chính là mức giá rẻ. Lý do tiếp theo là sự bền bỉ và dễ bảo trì. Thêm nữa, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe Toyota cũng khá khiêm tốn.
Trong bối cảnh chiến tranh khi mọi thứ đều khan hiếm thì khả năng tiếp cận linh kiện sửa chữa dễ dàng, tuổi thọ cao và dùng ít nhiên liệu khiến xe bán tải Toyota trở thành lựa chọn hàng đầu.
Những chiếc xe Toyota Tacoma từng được Lực lượng Đặc biệt của Mỹ độ thêm nhiều trang bị phục vụ chiến tranh như lồng chống lật, bệ gắn súng máy, gắn ăng-ten, đèn pha hồng ngoại...
Tương tự vậy, ở Trung Đông, các tổ chức khủng bố và lực lượng phiến quân cũng độ xe bán tải Toyota với bệ gắn súng máy, súng phòng không, pháo xoay, vũ khí chống tăng, súng chống tăng, tên lửa chống tăng (ATGM), súng cối, bệ phóng rocket, súng trường không giật cùng nhiều loại vũ khí khác.
Những vị khách mà Toyota không hề mong muốn
Năm 2015, theo hãng tin ABC, các quan chức chống khủng bố của Mỹ đã yêu cầu Toyota giúp họ điều tra xem làm cách nào mà tổ chức khủng bố ISIS có thể mua những chiếc SUV, bán tải Toyota để phục vụ các chiến dịch khủng bố ở Iraq, Syria và Libya. Toyota cũng đã bị nghi ngờ là cung cấp ô tô cho các lực lượng khủng bố.
Tất nhiên, Toyota đã phản bác điều này. Công ty Nhật Bản cho biết họ đã ban hành một chính sách nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn những khách hàng mua xe của họ để chế lại hoặc độ rồi phục vụ cho các hoạt động bán quân sự hay khủng bố.
Tuy nhiên, Toyota không thể giám sát những chiếc xe bị đánh cắp và những chiếc xe được mua bán qua trung gian.
Đây cũng là một phần lý do vì sao hãng Toyota yêu cầu khách hàng Nhật Bản ký cam kết không bán lại xe Land Cruiser 2022 của mình trong thời gian 1 năm. 'Land Cruiser là mẫu xe rất được ưa chuộng tại thị trường nước ngoài. Chúng tôi lo ngại rằng những chiếc Land Cruiser sẽ bị tuồn từ Nhật Bản ra nước ngoài ngay sau khi xe được bày bán cũng như khả năng chúng bị xuất khẩu sang một số khu vực - nơi các quy định về an ninh đã được thiết lập', Toyota giải thích về yêu cầu này với báo chí.
Đỗ Kỷ