Chúa đã tạo ra Ferrari, tại sao còn sinh thêm Lamborghini? Có lẽ Ngài muốn thấy sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai cái đầu lỗi lạc, giữa hai trong những cái tên nổi bật nhất trong làng siêu xe thế giới. Đúng vậy, Ngài đã tạo ra một trong những cuộc đối đầu thú vị nhất trong lịch sử xe hơi: Lamborghini và Ferrari.
Từ cuộc cãi vã về bộ côn trên chiếc Ferrari của Ferrucio Lamborghini dẫn đến sự ra đời của Automobili Lamborghini S.p.A, đến sự so kè từng milimét của những chiếc Lambo và Ferrari hiện đại. Mọi câu chuyện xoay quanh hai thương hiệu danh tiếng này đều thu hút sự quan tâm của người hâm mộ, và đều được fan cuồng thuộc lòng.
Thời đại của Ferrucio Lamborghini và Enzo Ferrari đã qua, nhưng cuộc đối đầu của hai hãng siêu xe mang tên hai huyền thoại này vẫn tiếp diễn, với đỉnh điểm là cuộc “so găng” giữa 2 mẫu flagship hàng đầu của họ: Lamborghini Aventador và Ferrari F12 Berlinetta (không tính các phiên bản nâng cấp và sản xuất giới hạn).
Khoan nói về các yếu tố hiệu năng và kỹ thuật, chỉ cần đậu xe gần nhà thờ Modena Cathedral, đại diện nhà Lamborghini ngay lập tức biến siêu xe nhà Ferrari trở thành một chiếc máy bay tàng hình giữa đám đông. Một chiếc Lamborghini cần phải là một cục nam châm thu hút sự chút ý. Aventador rõ ràng là một cục nam châm đích thực.
Dù bạn có cố hét lên giữa đám đông rằng Ferrari F12 cho trải nghiệm lái tốt hơn nhiều lần so với Lamborghini Aventador, họ cũng chẳng quan tâm đâu. Những “fan cuồng” đang bận selfie với Aventador và đăng lên Facebook, Instagram rồi!
Một siêu xe phải có ngoại hình mạnh mẽ và khác biệt. Trong thế giới siêu xe, vẻ đẹp bề ngoài cũng quan trọng không kém hiệu năng thực tế. Khả năng khiến người qua đường phải “mắt chữ A, mồm chữ O” cũng đáng giá như cảm xúc tột độ dành cho người lái ở vận tốc 350 km/h. Bạn phải chấp nhận điều đó dù có muốn hay không.
Ngắm nhìn thật kỹ 2 tuyệt tác cơ khí này giữa cái nóng mùa hè Italy, thật dễ để quên rằng khi Lamborghini bắt đầu sản xuất siêu xe thay vì máy cày hơn 50 năm trước, 'siêu xe' đầu tiên của họ gần như là một bản Ferrari-copy vội vã. Đúng, chiếc 350 GT dường như đã gào lên rằng: “Nhìn đây! Nhìn này Ferrari, tôi có trái tim V12 của xe đua, tôi có nhiều mã lực hơn ông, nhìn đi!”.
May mắn thay, nỗ lực đầu tiên của Ferrucio Lamborghini đã thành công và 120 khách hàng “dám” mua siêu xe của một công ty trước đó còn sản xuất máy cày thực sự đã cứu sống Automobili Lamborghini S.p.A. Đó là một khởi đầu đầy khó khăn và rủi ro nhưng nó đã thành công.
Sự thành công của 350 GT là tiền đề để 3 năm sau, Miura ra đời và “tái định nghĩa siêu xe” với thiết kế động cơ đặt giữa, ngay sau người lái. Và rồi, kể từ khi khối động cơ Boxer đặt giữa của Ferrari thay thế dòng Daytona với động cơ đặt trước vào năm 1973, trong 20 năm sau đó, cuộc ganh đua giữa Ferrari và Lamborghini trở thành cuộc chiến của những siêu xe có động-cơ-đặt-giữa.
Và rồi, một sự thay đổi lớn diễn ra với Ferrari trong những năm 90 của thế kỷ trước. Thời đó, Ferrari “như rắn mất đầu” sau sự ra đi của nhà sáng lập Enzo Ferrari. Họ rơi vào khủng hoảng và nợ nần trầm trọng. Vào đúng thời điểm hỗn loạn đó, Luca di Montezemolo tiếp quản Ferrari và chèo lái con thuyền gần đắm này vượt qua bão tố. Ferrari đã trở lại đà chiến thắng và tìm lại được ánh hào quang trên đường phố cũng như đường đua.
Luca di Montezemolo làm được điều đó bằng một quyết định đã tạo ra vô số tranh cãi: khiến mọi chiếc Ferrari trở nên dễ lái như… Honda Civic, và dòng xe chủ lực sẽ có động cơ đặt trước theo kiểu Grand Tourer. Quyết định đó thành công như thế nào thì ai cũng đã rõ, nhưng tại một nơi cách nhà máy Ferrari hơn 30 km về phía Bắc, các “sếp” của Lamborghini vẫn cười khẩy và tuyên bố: “Những người đàn ông đích thực sẽ cầm cương những siêu xe có động cơ đặt giữa”. Họ tiếp tục tạo ra Lamborghini Diablo, một siêu xe có động cơ đặt giữa và còn “điên” hơn cả đàn anh Countach.
Kể từ đây, phong cách đặc trưng của từng mẫu xe của hai hãng đã được xác lập: Ferrari có thể làm mọi thứ để mang lại cảm giác lái chân thực nhất và hiệu năng tột đỉnh cho các mẫu xe của họ, Lamborghini tiếp tục tạo ra những mẫu xe có bề ngoài như những phi thuyền đến từ tương lai và cực kỳ khó lái, khó đến nỗi người đương thời đã miêu tả việc cầm lái những chiếc Lamborghini thời kỳ này chẳng khác gì cầm cương những chú bò tót điên cuồng. Tuy nhiên, một chú bò tót càng hung hăng bao nhiêu thì lại càng có nhiều người muốn chinh phục nó.