Ngay từ khi ra mắt toàn cầu hồi đầu năm nay ở Thái Lan, bán tải hiệu năng cao Ford Ranger Raptor đã gây tiếng vang lớn trên thế giới và lập tức gây xôn xao làng xe bán tải Việt Nam – thị trường đang có nhu cầu tăng trưởng của dòng xe bán tải cỡ trung, đặc biệt là nơi mà Ford Ranger đã luôn khẳng định được vị thế dẫn đầu phân khúc trong thời gian dài những năm gần đây.
Ranger Raptor: “Vua” mới làng xe bán tải tại Việt Nam
Sau thời gian mong đợi, cuối tháng 10 vừa qua, tại Triển lãm ô tô Việt Nam 2018, Ford Ranger Raptor đã chính thức được Ford Việt Nam ra mắt khách hàng trong nước, với mức giá niêm yết 1,198 tỉ đồng. Đến nay, những chiếc Ranger Raptor đầu tiên đã đến tay khách hàng và bắt đầu lăn bánh trên các cung đường dải đất hình chữ S.
Cùng với 2 chủ nhân là 2 trong số những người sở hữu Ranger Raptor đầu tiên ở TP.Hồ Chí Minh, nhóm thử xe của Xedoisong.vn đã thực hiện hành trình trải nghiệm thực tế mẫu xe hấp dẫn này, trên cung đường tới Mũi Né, Phan Thiết – nơi có nhiều địa hình lý tưởng để thử thách Ranger Raptor, đặc biệt là đồi cát Bàu Trắng hay cung đường ra Mũi Yến hùng vĩ.
Kế thừa di sản của dòng bán tải Ranger cùng với bề dày kinh nghiệm tích lũy, các công nghệ của những dòng xe thể thao hiệu năng cao của Ford, Ranger Raptor do bộ phận Ford Performance phát triển đã xác lập nên những chuẩn mực mới về khả năng lái địa hình tốc độ cao trong phân khúc của mình. Trên toàn cầu, ngoại trừ thị trường Bắc Mỹ, Ford Ranger Raptor hiện không có đối thủ, tiên phong mở ra phân khúc bán tải hiệu năng cao cỡ trung, với khả năng vận hành off-road xuất sắc vượt trội.
Ranger Raptor khác gì Ranger Wildtrak 2.0 Biturbo 2018 mới?
Đây cũng là một thắc mắc được nhiều độc giả gửi về Ban biên tập của Xedoisong.vn. Trước khi trình làng Ranger Raptor, Ford Việt Nam cũng đã giới thiệu mẫu Ranger 2018 mới với nhiều nâng cấp cải tiến, trong đó phiên bản cao cấp nhất là Ranger Wildtrak 2.0 Biturbo (giá 918 triệu đồng) cũng có chung cấu hình động lực như Ranger Raptor: động cơ 2.0L Biturbo 213PS/500Nm và hộp số tự động 10 cấp mới, dẫn động 2 cầu 4x4. Hai mẫu xe này có giá bán chênh nhau 280 triệu đồng.
Mặc dù 2 mẫu xe có cùng trục cơ sở, song Ranger Raptor có chiều rộng cơ sở lớn hơn 150mm và trọng tâm xe cao hơn so với Ranger Wildtrak. Nhờ được nâng gầm, Ranger Raptor có khả năng lội nước tăng lên mức 850mm, trong khi của Ranger tiêu chuẩn là 800mm. Bên cạnh đó, Ranger Raptor có góc tới 32,5 độ và góc thoát 24 độ.
Nhằm nâng cao khả năng chịu các lực tác động ngang-dọc-thẳng đứng, chịu lực xoắn vặn, Raptor có khung gầm được thiết kế mới để đảm bảo sự vững chắc khi chạy địa hình tốc độ cao và chịu được những lực tác động cực mạnh nhờ được làm từ thép hợp kim cường lực HSLA. Nếu Ranger Wildtrak có treo sau dạng lá nhíp thì treo sau của Raptor là dạng đa liên kết và liên kết Watts trung tâm. Các thanh giằng vững chắc hơn cũng được đúc từ thép HSLA để hấp thụ xung lực khi va chạm ở tốc độ cao.
Khung gầm của Ranger Raptor được thiết kế, gia cường, được làm từ thép hợp kim cường lực HSLA
Đặc biệt phải nhắc đến các bộ giảm xóc FOX 2.5-inch được đối tác Fox Racing kết hợp Ford Performance phát triển dành riêng cho Raptor, tối ưu khả năng chịu tải khi off-road và đồng thời lại êm ái hơn trên đường on-road. Theo Ford, bộ giảm xóc Fox Racing này tăng 30% độ nhún so với giảm xóc trên các mẫu Ranger tiêu chuẩn khác. Ford trang bị tiêu chuẩn cho Ranger Raptor bộ lốp đa địa hình BFGoodrich Baja Champion All-Terrain T/A kích cỡ 285/70R17.
Hệ thống giảm xóc FOX trên Ranger Raptor do Ford Performance hợp tác Fox Racing phát triển
Thiết kế táo bạo, cơ bắp đẹp hút hồn
Sự khác biệt giữa Ranger Raptor và Ranger Wildtrak tiếp tục đến ở phần thiết kế nội ngoại thất. Vẫn giữ đường nét cơ bản của Ranger, nhưng Raptor đã toát lên vẻ đẹp hút hồn, vạm vỡ cơ bắp hơn nhờ chiều rộng cơ sở tăng lên kèm theo đồng bộ là thân xe widebody, mở rộng ở các hốc bánh xe cũng như ốp hông thân xe trước và sau.
Vẻ ngoài táo bạo của Raptor còn được thể hiện qua thiết kế logo “FORD” cỡ lớn nằm hiên ngang chiếm trọn bề rộng của lưới tản nhiệt. Thiết kế độc đáo này đang trở thành trào lưu, được người hâm mộ độ lại cho những chiếc Ranger tiêu chuẩn.
Phần cản trước của Raptor được tạo từ vật liệu composite bền bỉ tích hợp đèn sương mù công nghệ LED mới và các khe khí động học. Bản thân bộ lốp đa địa hình cỡ lớn cũng góp phần đem lại vẻ hùng dũng cho tổng thể chiếc bán tải hiệu năng cao. Chú ý thêm là dưới gầm trước Raptor được trang bị sẵn tấm ốp bảo vệ gầm bằng thép cứng dày 2,3mm – chi tiết cũng rất quan trọng khi chiếc xe vượt địa hình khó.
Ghế ngồi trước của Ranger Raptor thiết kế thể thao
Khi bước vào bên trong cabin của Ranger Raptor, bộ ghế ngồi trước kiểu xe đua tạo ấn tượng đẹp mắt đầu tiên và hiển nhiên nó cũng không có trên Ranger Wildtrak. Bộ ghế ngồi bọc chất liệu da kết hợp với nỉ được tạo điểm nhấn bằng các đường chỉ khâu màu xanh dương trong khi logo “RAPTOR” được thêu chỉ trắng ở phần lưng tựa 2 ghế trước.
Ghế trước ngồi rất êm và đặc biệt cơ thể người ngồi được “giữ” chắc chắn nhờ thiết kế ghế thể thao với các vùng đệm đỡ hai bên sườn. Các đường chỉ khâu màu xanh dương – màu đặc trưng của Ford – cũng xuất hiện ở bảng tap-lô, cửa xe, bệ tì tay trung tâm trước, ốp da tay nắm cần số, bọc cần phanh tay và cả trên vô-lăng. Tất cả tạo nên vẻ đẹp đồng bộ và tinh tế cho phiên bản.
Lẫy chuyển số vô-lăng của Raptor như xe đua chuyên nghiệp, bằng hợp kim ma-giê siêu nhẹ
Một chi tiết khác biệt nữa trên Raptor mà đem lại nhiều cảm xúc lái hơn chính là vô-lăng phong cách thể thao đi kèm lẫy chuyển số bằng hợp kim ma-giê siêu nhẹ. Lẫy chuyển số cũng có kích cỡ khá lớn, kiểu chuyên nghiệp chứ không như mấy lẫy số bằng nhựa bé xíu trên nhiều mẫu xe khác. Vô-lăng bọc da đục lỗ có các mấu để cầm nắm chắc chắn hơn. Điểm nhấn là vạch màu đỏ đánh dấu vị trí 12h như trên vô-lăng của nhiều mẫu xe đua thể thao, trong khi phía dưới có logo “Raptor”. Ngoài ra, trên bệ bước cửa xe còn có logo “Ford Performance” như một “chứng chỉ” xác nhận Ranger Raptor là một thành viên trong đại gia đình xe thể thao hiệu năng cao của Ford.
Vận hành đầy cảm xúc, lái on-road chẳng khác gì SUV cao cấp
Ford tạo ra Ranger Raptor để chinh phục mọi địa hình, thậm chí off-road tốc độ cao hoàn hảo hơn. Đối tượng khách hàng của Raptor được hướng đến là những người thích chơi off-road hoặc thích thực hiện những hành trình phiêu lưu khám phá trên những vùng đất địa hình khó, hoang dã, và Raptor trở thành “chuyên gia” off-road với những đặc tính tiêu chuẩn nhà sản xuất, nghĩa là người chơi chỉ việc mua xe về mà không cần phải độ chế gì thêm.
Các chuyên gia ở Ford Performance đã tính toán để trang bị cho Raptor những tính năng “chuyên trị” off-road, như khung gầm gia cường, hệ thống treo, giảm xóc, hệ động lực, lốp địa hình, khóa vi sai cầu sau và đặc biệt là hệ thống kiểm soát địa hình thích ứng TMS (Terrain Management System), thiết lập từng chế độ phù hợp theo điều kiện địa hình khác nhau. Có 6 chế độ của hệ thống TMS, bao gồm 2 chế độ on-road (Normal, Sport) và 4 chế độ off-road (Grass/Gravel/Snow; Mud/Sand; Rock và Baja).
6 chế độ của hệ thống kiểm soát địa hình TMS được hiển thị trên màn hình ở bảng đồng hồ
Nhưng ngay khi vừa nhấn nhá chân ga để chiếc Raptor lăn những vệt bánh đầu tiên, điều thực sự bất ngờ lại là khả năng khởi động tăng tốc của xe, mạnh mà êm mượt lạ thường ngay từ ga đầu, tua máy thấp. Cầm lái một chiếc xe bán tải mà chẳng khác gì một chiếc SUV cao cấp, thứ cảm giác tinh tế mà trước nay chưa một chiếc bán tải nào ở Việt Nam có được. Sau màn khởi động nhẹ như lông hồng, bất ngờ tiếp theo nhận ra ngay là độ êm ái và cách âm xuất sắc. Ford đã tối ưu các giải pháp để khoang cabin của Raptor được tĩnh lặng, mà một trong số đó có thể kể đến là công nghệ chống ồn chủ động ANC (Active Noise Cancellation).
Trong khi khoang cabin loại bỏ các thứ tạp âm bên ngoài thì lại có một thứ âm thanh thể thao “gầm gừ” đặc trưng, cảm nhận rõ hơn khi lái kiểu thể thao với chế độ S, đem lại hưng phấn cho người lái. Âm thanh này vừa đủ, không quá lớn đến độ gây nhức đầu như nhiều mẫu xe thể thao khác khi đi chế độ Sport quá lâu. Với một chiếc bán tải tiêu chuẩn nhà sản xuất, đây là lần đầu tiên có được cảm xúc hay như vậy.
Ngồi ở ghế lái của Raptor cho tầm quan sát bao quát, cảm nhận rõ về độ rộng và cao của chiếc xe cũng như sự bề thế oai phong trên đường. Do Raptor được tăng thêm về khoảng sáng gầm, nên các kỹ sư ở Ford buộc phải tăng thêm chiều ngang cơ sở để đảm bảo độ ổn định tương xứng. Chiếc Raptor vào cua vẫn chắc ở tốc độ 100km/h. Các hệ thống bổ trợ như Hệ thống Kiểm soát ổn định thân xe hay hệ thống kiểm soát chống lật xe với các cảm biến thông minh góp phần giữ chiếc xe cân bằng tốt. Hệ thống giảm xóc FOX cũng giúp xe trên đường on-road êm ái, vượt các gờ giảm tốc êm như ru.
Hệ thống lái của Ranger nói chung và Ranger Raptor nói riêng hiện cũng tốt nhất trong phân khúc, nhờ cảm giác lái nhẹ nhàng chính xác không khác gì các xe crossover. Nhấn mạnh đến độ nhẹ nhàng của vô-lăng đặc biệt tốt ngay từ những di chuyển lăn bánh ban đầu, tức chạy rất chậm hay chậm, như khi đi trong thành phố. Đa phần vô-lăng các xe bán tải khác bị nhược điểm là lực xoay vô-lăng nặng ở tốc độ chậm, ví dụ như khi quay đầu chậm. Hệ thống lái của Raptor loại trừ được nhược điểm này. Trên tốc độ cao, vô-lăng Raptor lại vẫn đầm chắc, do hệ thống lái trợ lực điện EPAS tiên tiến. Với cá nhân người viết, điểm chưa hài lòng là phần da bọc vô-lăng hơi mềm quá mức, khiến có cảm giác hơi bị lỏng tay.
Thử thách off-road “sa mạc” cát Bàu Trắng với chế độ Baja Mode
Trải nghiệm off-road ở đồi cát Bàu Trắng với Ranger Raptor thật sự đầy cảm xúc phấn khích. Raptor dường như được sinh ra để dành cho những thử thách “hạng nặng” kiểu này. Hiển nhiên, qua trải nghiệm cho thấy, một chiếc xe bán tải cỡ trung với đặc tính tiêu chuẩn nhà sản xuất, Ranger Raptor chạy đồi cát xuất sắc một cách chưa từng thấy, dễ dàng ngay cả với những người chưa từng chạy off-road bao giờ, như anh Đào Danh Hùng – chủ nhân chiếc Ranger Raptor cùng tham gia trải nghiệm trong hành trình.
Raptor đẹp dưới nắng chiều mũi Yến
Dù đang sở hữu một chiếc Ranger Wildtrak phục vụ cho công việc, tuy nhiên anh Hùng vẫn tiếp tục mua thêm chiếc Ranger Raptor mới để đi lại. Chia sẻ về lý do chọn Raptor, anh cho biết: “Raptor có thiết kế rất khỏe khoắn và phù hợp cho gia đình đi những chuyến du lịch dã ngoại xa, êm ái nên không bị mệt mỏi, trong khi cũng vẫn có thể chở được nhiều đồ đạc tiện dụng, như đồ cắm trại dã ngoại…”.
anh Lê Thượng Tiến (trái) và anh Đào Danh Hùng (phải) là 2 trong số những khách hàng đầu tiên sở hữu Ford Ranger Raptor ở TP.HCM
Anh Lê Thượng Tiến cũng có chia sẻ khá tương đồng: “Trước đây mình mua chiếc Ranger Wildtrak để đi chơi, đi công việc trong thành phố, nhưng treo sau dạng lá nhíp của chiếc Wildtrak cứng quá, bị cảm giác dằn xóc khi qua gờ giảm tốc hay ổ gà. Song khi chuyển sang chiếc Ranger Raptor thì mọi chuyện hoàn toàn khác, và đây chẳng khác gì một chiếc xe cho gia đình cả, vì ngoài chuyện có thể chở hàng ra thì nó còn rất êm ái và những người đi chung không cảm thấy khó chịu”.
Đồi cát Bàu Trắng vốn là một địa hình cát nhiều khó khăn, phức tạp, lên xuống dốc trùng điệp nhưng cũng rất ngoạn mục, kỳ vĩ. Lái xe vượt đồi cát Bàu Trắng đã quá quen thuộc với nhiều người chơi xe bán tải hay chơi off-road ở phía Nam, thậm chí được xem như một địa hình chuẩn mực để thử thách kiểu địa hình cát.
“Đối với mình, chưa bao giờ được chạy xe trên một địa hình rất là nhiều cảm xúc như vậy. Mình nghĩ là chiếc xe lên đây sẽ bị lún, có thể nó sẽ nghiêng ngả hay gặp khó khăn như thế nào đó, vì mình chưa có kinh nghiệm chạy off-road. Nhưng sau gần một giờ trải nghiệm, mình cảm thấy chiếc Raptor này quá tuyệt vời”, anh Hùng chia sẻ thêm sau khi quần hùng hả hê chiếc Ranger Raptor trên “tiểu sa mạc” Bàu Trắng.
Với Ranger Raptor khi vượt đồi cát, việc của người lái là chỉ cần chuyển sang chế độ được thiết lập sẵn qua bộ điều khiển kiểm soát địa hình TMS, có thể dùng cả chế độ Sand Mode (địa hình cát) hoặc bắt đầu quen hơn thì dùng chế độ đặc biệt Baja Mode để điều khiển chiếc xe chạy nhanh và mạnh hơn. Thông thường, những chiếc bán tải khi muốn vượt đồi cát Bàu Trắng cần phải được xả bớt hơi để lốp xe mềm hơn và tăng tiết diện bám. Với Raptor có bộ lốp địa hình bản rộng tiêu chuẩn, người lái chẳng cần phải làm gì… ngoài việc sẵn sàng “hưởng thụ”!
Được lấy cảm hứng từ giải đua sa mạc nổi tiếng cùng tên tại Mexico – Baja 1000, chế độ Baja Mode cho phép chiếc xe tăng độ nhạy chân ga cùng các thiết lập phù hợp với điều kiện chạy địa hình tốc độ cao. Bên cạnh đó hệ thống Kiểm soát Lực kéo sẽ được hạn chế nhằm mang đến trải nghiệm lái off-road “thật” nhất mà không bị can thiệp bởi các hệ thống chống trượt chủ động trên xe. Thao tác chuyển số cũng được tối ưu để đạt được hiệu năng cao nhất, nhờ vào việc kiểm soát lên số chậm hơn hoặc về số sớm hơn, qua đó tăng sức mạnh cho động cơ.
Ngoài ra, khả năng chinh phục địa hình cát dễ dàng đầy thuyết phục của Raptor còn nhờ động cơ đạt mô-men xoắn cao, chịu sức bền tốt khi chạy lâu trên cát, hộp số linh hoạt thông minh và cách phản ứng tối ưu của hệ thống phân bổ lực kéo. Động cơ và hộp số lại cũng là một bước đột phá về công nghệ. Động cơ diesel dung tích nhỏ, chỉ 1.996cc, nhưng nhờ tăng áp kép Bi-Turbo, nó đạt mức công suất 213PS tại 3.750v/ph và mô-men xoắn cực đại 500Nm ở tua thấp 1.750-2.000v/ph.
Kết hợp với đó là hộp số tự động 10 cấp tối ưu phản ứng linh hoạt trong các dải tốc độ, từ tăng tốc êm ái, chuyển số mượt mà đến thích ứng nhanh nhạy trên các địa hình thay đổi phức tạp và cũng góp phần giảm tiêu hao nhiên liệu. Chưa hết, hệ dẫn động 2 cầu 4x4 của Ranger Raptor còn có 3 chế độ gài cầu: 2H (một cầu nhanh), 4H (2 cầu nhanh) và 4L (2 cầu chậm).
Tại buổi ra mắt xe ở Triển lãm ô tô Việt Nam 2018, ông Damien Ross, Kỹ sư trưởng dự án Ranger Raptor từng cho biết: “Toàn bộ hệ truyền động đã được thiết kế để chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt nhất, cho phép động cơ của Raptor có khả năng vận hành liên tục ở cường độ cao. Nhờ đó mà những tay lái đam mê tốc độ sẽ có được những trải nghiệm trọn vẹn nhất cùng với Ranger Raptor trong chuyến hành trình chinh phục mọi cung đường khó khăn và thử thách nhất.”
Trên cung đường ra mũi Yến, với điều kiện địa hình đường mòn đất mềm pha lẫn sỏi đá gập ghềnh, Raptor đi êm như ru. Bộ lốp AT của BFGoodrich tiếp tục tối ưu về độ bám, trong khi hệ thống treo FOX đáng tiền tạo nên sự êm ái cùng với cơ cấu treo sau làm chiếc xe đi dễ dàng mà cứng vững. Trong hành trình trải nghiệm này, duy chỉ có chế độ Rock Mode là chúng tôi chưa thử nghiệm – chế độ cho phép chiếc xe có thể bò trên những địa hình có nhiều hòn đá lớn.
Khả năng off-road siêu việt, vận hành on-road êm ái nhưng sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến tiện nghi, bởi trên nền tảng của Ranger vốn đã đầy đủ trang bị tiện nghi hiện đại không thua kém các mẫu xe SUV/crossover hiện nay, Ranger Raptor cũng thực sự là một chiếc xe đáng tiền với những tính năng điển hình như khởi động bằng nút bấm, chìa khóa thông minh, đèn pha tự động, điều hòa tự động 2 vùng độc lập, ghế lái chỉnh điện 8 hướng, camera lùi kèm cảm biến đỗ xe, hệ thống âm thanh 6 loa, công nghệ thông tin giải trí SYNC 3, kiểm soát hành trình, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, hỗ trợ đổ đèo.
Với Ranger Raptor, bạn không cần phải là chuyên gia mới đi off-road được. Raptor tự bản thân nó đã trở thành chuyên gia off-road và ngay cả những người chưa nhiều kinh nghiệm đi off-road vẫn có thể thực hiện những hành trình việt dã, vượt địa hình một cách dễ dàng và nhiều cảm xúc. Rõ ràng, Ranger Raptor đang tạo ra một phân khúc mới, một lối đi tiên phong mà các đối thủ trong phân khúc bán tải hạng trung đang bị bỏ lại ở phía sau.
Ở Việt Nam, ví Ranger Raptor như “Vua bán tải” mới là đúng lắm! Toàn năng, đậm phong cách, đáng tiền, đáng khao khát!
lốp đa địa hình BFGoodrich Baja Champion All-Terrain T/A kích cỡ 285/70R17
Bệ bước với lớp phủ siêu bền và logo RAPTOR đẹp mắt
Treo trước với giảm xóc FOX
Treo sau đa điểm, liên kết trung tâm Watts-Link và giảm xóc FOX
Nguồn : http://xedoisong.vn/thu-xe/danh-gia-ford-ranger-raptor-toan-nang-dang-tien-dang-khao-khat-29144.html