Vậy là Uber đã chính thức nhường lại toàn bộ sân chơi ở thị trường 620 triệu dân Đông Nam Á cho Grab, đối thủ mà họ từng có những cuộc “so găng” quyết liệt giành thị phần. Với các “đại gia”, việc chia tách hay sáp nhập thì cuối cùng họ vẫn luôn có những toan tính sao cho lợi thuộc về mình. Chỉ có đối tác (giới lái xe) và khách hàng lúc này là đang ngồi trên chảo lửa.
Sẽ không còn sự so sánh
Uber bán cho Grab hay Uber sáp nhập vào Grab chỉ là cách gọi, về bản chất nó là một. Cái được của Uber khi rút khỏi thị trường Đông Nam Á là họ sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab và CEO Uber - Dara Khosrowshahi sẽ tham gia vào Hội đồng quản trị Grab. Ngay sau khi nghe “tin nóng” này, trụ sở của Uber - Văn phòng Greenlight Hub tại Vạn Phúc (Ba Đình, Hà Nội) đã tràn ngập giới lái xe tìm đến để hỏi cho ra nhẽ về chế độ, quyền lợi. Tuy nhiên, nơi đây đã cửa đóng then cài.
Ngày 5-4, anh Đỗ Văn Hùng (lái xe một hãng taxi truyền thống ở Hà Nội) đã chạy cuốc xe cuối cùng của mình với tư cách là đối tác của Uber trước khi chuyển sang chạy xe cho Grab. Mặc dù là taxi truyền thống có treo “mào” hẳn hoi, nhưng để tăng thêm lượng khách, anh Hùng vẫn lựa chọn để trở thành đối tác với Uber từ cách đây 2 năm. Anh bảo, taxi truyền thống đang dần trở nên thất thế trước taxi công nghệ.
Xe anh tháng nào cũng phải nộp cho hãng mẹ 2 triệu đồng “tiền đàm” (phí báo khách qua bộ đàm), nhưng số khách này rất ít và đa phần đều ở khoảng cách xa nên không thể nhận cuốc được. Vì vậy, chỉ có thể trông chờ vào khách vẫy. Tuy nhiên số lượng khách vẫy luôn không đảm bảo nên trở thành đối tác với Uber là một lựa chọn khôn ngoan.
Với tỷ lệ ăn chia là 20%, anh Hùng đã trung thành với Uber khá lâu. “So với tỷ lệ của Grab là 25% thì “chơi” với Uber tôi được lợi hơn. Hai hãng này cạnh tranh quyết liệt về đối tác cũng như khách hàng, cứ ở đâu thu nhập tốt thì mình hợp tác. Nhưng bây giờ thì buồn thật rồi” - anh Hùng nói.
Nỗi buồn của anh Hùng có lẽ cũng chính là tâm tư của hầu hết các lái xe hiện nay. Đó là, liệu các đối tác lái xe có được hãng quan tâm nhiều hơn? Có một sự thật hiển nhiên là, khi có đối thủ cạnh tranh thì các hãng sẽ phải thường xuyên hỗ trợ khách hàng và đối tác. Chất lượng phục vụ chắc chắn sẽ được duy trì thường xuyên. Nhưng giờ đây, khi mà Grab một mình một chợ, rất có thể chiết khấu và giá cả sẽ thay đổi theo hướng áp đặt. Lúc đó lái xe chỉ có thể lựa chọn: chấp nhận hoặc từ chối. Sẽ không còn sự so sánh như trước đây nữa.
Khách hàng cũng có thể thiệt thòi
Ngoài cánh lái xe - những người bị ảnh hưởng do đã vay trả góp ngân hàng để mua xe và hàng tháng phải trả một khoản lãi không hề nhỏ thì khách hàng sử dụng dịch vụ cũng không đứng ngoài cuộc. Chỉ có điều, hệ lụy của nó không đến ngay. Anh Nguyễn Tiến, một lái xe taxi có thâm niên cho biết: “Tôi đã từng chiến đấu cùng lúc trên “cả 2 mặt trận” Uber và Grab nên tôi nắm khá rõ. Khi Uber có mã khuyến mãi dành cho khách hàng thì gần như ngay sau đó Grab cũng sẽ có. Các chương trình khuyến mãi của 2 hãng luôn xuất hiện và kết thúc trong cùng ngày. Đó là sự cạnh tranh, bởi không hãng nào muốn mất đi lượng khách của mình vào tay đối thủ. Nhưng nếu giờ đây chỉ còn Grab, tôi khẳng định những mã khuyến mãi này sẽ không còn nữa. Đây là điều khách hàng sẽ bị thiệt thòi”.
Phỏng đoán của anh Tiến xem chừng rất có cơ sở khi chính ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Grab Việt Nam đã từng nói cách đây vài hôm rằng: “Một doanh nghiệp không thể khuyến mãi suốt đời”. Đối với khách hàng, điều này cũng tương tự như với các lái xe, khi Grab độc chiếm thị trường thì việc áp giá hoặc nâng giá vào giờ cao điểm sẽ do chính Grab quyết định. Chắc chắn khách hàng sử dụng dịch vụ sẽ phải chi trả khoản cước đắt đỏ hơn do người dùng cũ của Uber bây giờ đã “vào chung vào một rọ”.
Chị Hoàng Thị Mai, một khách hàng thường xuyên của Uber tiết lộ bí quyết khi đi taxi công nghệ: “Mình cài cùng một lúc cả App của Uber lẫn Grab trên điện thoại và thay đổi luân phiên. Cứ mỗi khi Grab có khuyến mãi thì mình sẽ đi Grab và ngược lại. Cũng giống như khi mình đặt xe Uber không được thì sẽ chuyển qua đặt xe Grab. Hay như mình sẽ mở cả 2 App để so sánh giá, cùng 1 cung đường nhưng lúc nào cũng sẽ có 1 hãng rẻ hơn hãng kia, như vậy là khách hàng luôn có sự so sánh để lựa chọn. Chắc chắn sự so sánh này sẽ khiến các hãng phải cải tiến để phục vụ khách hàng tốt nhất”.
Uber có bị lỗ như đồn thổi?
Theo nhận định của các chuyên gia, Uber đã “ném” vào thị trường Đông Nam Á 700 tỷ USD và sau khi sáp nhập với Grab, họ sẽ giữ 27,5% cổ phần. Việc này sẽ giúp Uber có thêm kinh phí để cạnh tranh ở những thị trường khác và họ hoàn toàn không bị lỗ như đồn thổi. Trong khi đó CEO Grab Việt Nam thì khẳng định, sau thương vụ này, Grab sẽ tập trung làm dịch vụ tốt hơn và tập trung mở rộng những dịch vụ có thể tạo ra giá trị cho khách hàng.
Tuy nhiên đó mới chỉ là những lời hứa. Và trong khi chờ đợi để kiểm chứng, khách hàng có thể lựa chọn cho mình những trải nghiệm dịch vụ taxi công nghệ mới bắt đầu hình thành ở Việt Nam như Mai Linh, TNET, VIVU, G-XO... Hoặc rất có thể vào ngày đẹp trời nào đó, một dịch vụ taxi công nghệ khác như Gojek 2, DiDi… nhảy vào giành lại “miếng bánh” thị phần từ “ông lớn” Grab để đa dạng hóa loại hình dịch vụ, mang lại lợi ích tốt nhất cho cả khách hàng và đối tác.
Nguyễn Long (ANTĐ)
Nguồn : http://xehay.vn/uber-grab-sap-nhap-ai-duoc-loi.html