Ai trả lại danh tiếng cho Lụa Việt Nam? Ai đưa được lụa Việt Nam trở lại? (Ảnh: internet)
Ăn, ở, mặc… là những nhu cầu vật chất cơ bản nhất của con người. Ở Việt Nam có nhiều vị tổ nghề thủ công truyền thống, nhưng không ai không biết đến công chúa Thiều Hoa, người được tôn vinh là tổ nghề dệt lụa. Trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa đã có tự bao đời, nó đã trải qua những thăng trầm như thế nào? Vẻ đẹp riêng biệt của lụa Việt là gì?
Lụa Việt ra đời gắn liền với tên tuổi của một nàng công chúa xinh đẹp có tên Thiều Hoa, con gái của vua Hùng Vương, người thổi hồn cho từng tấc lụa.
Người Việt Nam từ ngàn xưa đến nay có câu “Người đẹp vì lụa…”, vải lụa là một sản phẩm văn hóa bản địa của Việt Nam có giá trị từ trong lịch sử đến ngày nay. Vải lụa đã đi vào ca dao Việt Nam:
Lụa này là lụa Cổ Đô
Chính tông lụa cống, các cô ưa dùng
Làng nghề lụa (Ảnh internet)
Cùng với sự ra đời của nhiều giá trị văn hoá khác trong lịch sử dân tộc, lụa Cổ Đô gắn với bà tổ nghề là Công chúa con Vua Hùng Vương thứ 6 – Công chúa Thiều Hoa. Các triều đại Vua Hùng gắn với buổi bình minh lập nước của lịch sử Đại Việt.
Nghề dệt lụa cũng có từ buổi ấy và gắn với truyền thuyết về một nàng công chúa xinh đẹp, một trong những vị tổ nghề quan trọng đặt nền tảng cho một giá trị văn hoá vật chất có sức sống lâu bền đến nay và là niềm tự hào của người Việt.
Truyện kể rằng công chúa là người hiền lành, xinh đẹp nhưng lại không chịu lấy chồng. Nàng từ chối ý định gả chồng của vua cha và sang sống ở trang trại khác.
Tơ tằm (Ảnh: internet)
Nàng có biệt tài nói chuyện với chim và bướm mỗi khi vào rừng chơi. Một lần nói chuyện với bướm nâu, biết bướm nâu chỉ ăn một thứ lá dâu để đẻ ra trứng rồi nở thành sâu, nhả ra sợi vàng. Bướm đưa Thiều Hoa ra bãi dâu ven sông thấy hàng ngàn con sâu đang làm kén.
Thiều Hoa xin bướm giống trứng và sâu ấy cũng như hỏi bướm cách kéo tơ rồi tìm cách đan chúng thành những mảnh, tấm nõn nà vàng tươi. Nàng đặt tên cho những tấm sợi ấy là lụa. Chính cái tên Thiều Hoa gọi bướm là ngài và giống sâu cho sợi ấy là tằm còn gọi đến ngày nay.
Con tằm nhả ra tơ mà công chúa Thiều Hoa đã mang về (Ảnh internet)
Sau kỳ tích ấy Thiều Hoa đem truyền dạy cho mọi người trồng dâu, chăn tằm, kéo sợi, dệt lụa. Tấm lụa đầu tiên nàng đem tặng Vua cha. Hùng Vương khen ngợi con gái yêu và truyền cho dân chúng theo đó mà dệt lụa. Dân làng Cổ Đô, Vân Sa…rất nổi tiếng về nghề dệt lụa và nhiều làng tôn Thiều Hoa làm tổ sư nghề dệt lụa, làm thành hoàng làng của mình.
Lụa Việt cùng biến cố thăng trầm của lịch sử
Sau khi được công chúa Thiều Hoa truyền lại, người dân trong các vùng đã bắt đầu khởi nghiệp, họ trồng những ruộng dâu xanh thẳm tới tận chân trời, tiếng cười ríu rít của những cô gái với bàn tay thoăn thoắt hái từng chiếc lá dâu, ngày hè là những chuỗi ngày tằm nhả tơ vàng rực cả bầu trời. rộn rã cả một vùng thôn quê là kéo chỉ tơ và phơi tơ.
Tiếng dệt cửi kẽo kẹt của mọi nhà như một khúc nhạc giao hưởng vang lên, từng tấm lụa được ra đời thấm đượm biết bao giọt mồ hôi. Lụa mềm mại dịu dàng như thiếu nữ, sắc màu của lụa như những cầu vồng trải dài bất tận.
Tiếng dệt cửi kẽo kẹt của mọi nhà như một khúc nhạc giao hưởng vang lên. (Ảnh internet)
Từ thời đó, vua quan trong triều đã thấy được giá trị của lụa. Lụa nhẹ nhàng như bông tuyết, nhưng lại rất mềm. Mùa đông thì ấm áp, mùa hè thì mát mẻ, nhà vua liền truyền lụa được dùng để may quần áo trong vương triều, cho hoàng hậu, vương phi và cung nữ. Ngày đó lụa chỉ được dùng cho tầng lớp vua chúa. Sau đó lụa được chọn là dâng tặng cho các nước chư hầu.
Thời Pháp thuộc, người phương tây truyền tay nhau những chiếc khăn lụa, những tà áo lụa, hay những vật phẩm từ lụa, được thêu thùa bằng tay, dệt hoàn toàn từ tơ chất liệu tự nhiên. Người Pháp đã mang Lụa Việt tới quảng bá ở Châu Âu, và nó nổi tiếng từ đó khắp các châu lục.
Lụa trở thành vật phẩm nổi tiếng khắp châu lục
Ngày nay, bạn sẽ chẳng còn nghe thấy tiếng dệt lụa nhịp nhàng của khung cửi, hay những sắc màu của từng tấm lụa lớn được phơi khô tô điểm cho bầu trời, làng lụa dần mai một.
Lụa Việt xưa nổi tiếng là bởi nét riêng biệt trên từng mảnh lụa nó là sản phẩm lao động của những chú tằm, của đôi bàn tay khéo léo và những giọt mồ hôi.
Để có một tấm lụa đẹp phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Đầu tiên người ta chọn những con tằm khỏe, nhả tơ đều màu. Sau đó được bắt riêng lên trên nong để thực hiện việc nhả tơ, giai đoạn tiếp theo là chọn kén, đây là giai đoạn sau khi tằm đã nhả hết tơ bọc lại mình trong 1 cái tổ kén, thì người ta lại phải chọn những kén to, đều, không có màu của tằm chết.
Sau đó tiến hành quay tơ, người thợ sẽ ngồi kéo từng sợi tơ bên bếp, hoàn toàn bằng tay. Thu được tơ rồi người ta sẽ phơi khô và mang đi dệt. Khung cửi bằng gỗ, người thợ ngồi dệt từng sợi từng sợi, tạo thành một miếng lụa lớn. Rồi muốn tạo hoa văn hay sắc mầu, người ta lại tỉ mỉ từng công đoạn.
Muốn tạo được hoa văn đẹp cho tấm lụa người thợ lại tỉ mỉ từng chút một (Ảnh internet)
Câu chuyện của cạnh tranh và kinh tế thị trường…
Tấm lụa hoàn toàn thủ công, có sự kiên trì, những giọt mồ hôi và có cả sự khéo léo trong đó. Chính vì thế mà lụa thủ công khác hẳn với những tấm lụa được sản xuất hàng loạt trên máy. Không có các sợi tổng hợp và nilon, nên lụa truyền thống Việt rất mềm mỏng, nhẹ nhàng, khi chạm vào từng tấm lụa là một cảm giác mát nhưng không lạnh.
Song, lụa được dệt nhuộm thủ công theo các phương pháp truyền thống nên lụa tơ tằm thường có những hoa văn truyền thống đơn giản hoặc trơn một màu.
Để có một tấm lụa có hoa văn mới thì đòi hỏi phải mất nhiều thời gian công sức và chi phí (Ảnh internet)
Để có một tấm lụa có hoa văn mới thì đòi hỏi phải mất nhiều chi phí, thời gian, công sức nên lụa truyền thống thường có những hoa văn truyền thống như: tùng, cúc, mai, rồng, phượng, các loại hoa văn tròn, vuông, các họa tiết đơn giản nhưng không kém phần thanh tao.
Hiện nay, còn làng lụa Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) có từ đầu thế kỷ XIV do Nhân Huệ Vương, đại tướng quân Trần Khánh Dư – vị tướng thời nhà Trần có công truyền lại. Hơn 700 năm trôi qua với đủ mọi thăng trầm sóng gió, làng nghề này vẫn còn giữ được và hiện ở Nha Xá đang có 150 hộ làm nghề dệt lụa và kinh doanh các mặt hàng tơ lụa. Tuy vậy, lượng ấy quá nhỏ so với nhu cầu thị trường.
Danh tiếng lụa Việt có được là sự gây dựng từ bao đời…
So với thị hiếu hiện nay và mẫu mã phong phú và đa dạng của những sản phẩm công nghiệp từ Trung Quốc, sức cạnh tranh của lụa dệt kiểu truyền thống rất thấp, khi chi phí để dệt được tấm lụa truyền thống là rất cao, vì vậy làng nghề đành mai một…có chăng chỉ đáp ứng cho một vài đơn đặt hàng lẻ…
Với danh tiếng lụa Việt, bất kì một khách du lịch nào cũng muốn mua khi tới Việt nam đó là một chiếc khăn lụa hay một sản phẩm bất kì từ lụa. Bởi danh tiếng mà Lụa Việt Nam có được là sự gây dựng bao đời.
Du khách nào tới Việt Nam cũng muốn mua một sản phẩm từ lụa bất kì (Ảnh internet)
Đâu rồi những bản nhạc du dương từ những khung cửi?
Nếu bạn một lần đặt chân tới các làng lụa truyền thống nổi tiếng, sẽ chẳng còn bản nhạc du dương từ những khung cửi dệt lụa, hình ảnh những cô thôn nữ bên ruộng dâu hay nụ cười tỏa nắng của những bà cụ đang chăm chút từng con kén, cọng tơ.
Tiếng cười ríu rít sau những tấm lụa sắc màu trải tới tận chân trời làm rực rỡ cả một khung trời êm đềm không còn nữa. Khung cửi nằm im lìm trong một lớp bụi và màng nhện dày đặc. Nó đã bị lãng quên trong thực tế và chỉ được dùng hình ảnh để PR…
Ảnh internet
Thay thế vào đó là những con phố buôn bán sầm uất đủ các loại sản phẩm gán mác Lụa Việt Nam. Vì thế mới tạo nên bi kịch dùng danh tiếng xưa của lụa Việt…
Khôi phục lại những làng nghề truyền thống trong đó có việc nâng cao công nghệ dệt lụa không chỉ là bảo tồn nét văn hóa có từ nghìn năm, mà còn là việc trả lại cho nông dân làng nghề một sức sống.
Tạo hóa tạo lên đất nước Việt như một dải lụa trải dài, tôn vinh giá trị lụa truyền thống chính là lưu giữ hình ảnh về một đất nước êm đềm, với những con người lao động miệt mài, tỉ mỉ mà vô cùng khéo léo.
Bây giờ chẳng còn đâu những khúc nhạc du dương của khung cửi chẳng còn tiếng cười đùa ríu rít của trẻ nhỏ bên những nong tằm (Ảnh internet)
Làm thế nào để lụa Việt thực sự “trở về”?
Khi tự bản thân mỗi người được trải nghiệm từng công đoạn của người dân làng dệt, để hiểu hơn về cuộc sống lao động của những người thợ dệt, thì kí ức về những tấm lụa mềm mại, nhẹ nhàng mà tinh tế sẽ khiến người ta bằng mọi giá muốn khôi phục lại.
Tuy nhiên ngày nay, với cái khó của chi phí và cạnh tranh, người ta đành chọn dùng hạ sách, là để ký ức lẫn lộn với hiện tại với mục đích làm giàu.
Làm thế nào để lụa Việt Nam thực sự “trở về”, thực sự được “khôi phục”, để không có những câu chuyện “tố gian lận” bẽ bàng như câu chuyện Khaisilk?
Làm thế nào để người Việt khôi phục lại nét đẹp văn hóa của làng lụa tơ tằm (Ảnh internet)
Nhiều dòng họ, nhiều gia đình, nhiều làng trên đất nước Việt Nam vẫn còn lưu giữ nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam này trong kỷ niệm, trong niềm tự hào vốn có của người dân hàng nghìn năm bên khung dệt lụa..gắn với một vị tổ nghề là một phụ nữ “Lá ngọc cành vàng”- Công chúa Thiều Hoa. Nếu chúng ta thực sự có tâm khôi phục, chắc chắn sẽ khôi phục được. “Đường tuy khó, nhưng vẫn có lối qua”
Tịnh Tâm – Hà Phương