Bước chân vào thị trường game với sản phẩm đầu tay, Redbeet không ngờ rằng họ lại gặt hái được nhiều thành công như vậy. Phát hành vào ngày 23 tháng 5 năm 2018, chưa đầy một tháng nhưng Raft đã thu hút được gần 20 ngàn người chơi. Nổi bật nhất là số lượt view trên Twitch tăng vọt trong những ngày gần đây. Thành tích 8000 là con số lớn nhất được ghi nhận bởi Steam Stats.
Điều gì khiến Raft trở nên hấp dẫn như vậy? Cùng Motgame tìm câu trả lời.
Raft mang nghĩa tương đương là “thám hiểm bằng bè” và đúng như cái tên của mình, tựa game này đưa người chơi và đồng đội vào một thế giới đại dương rộng lớn. Ở đó họ sẽ thu thập các nguyên liệu từ cơ bản tới phức tạp để chế tác, xây dựng và sinh tồn giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Cá mập sẽ là kẻ thù đồng hành trên mọi nẻo đường. Nhảy xuống nước, chú ấy sẽ xuất hiện, không có vũ khí cần thiết thì cái giá phải trả là rất đắt.
Lối chơi của Raft khá giống Minecraft, để sinh tồn bạn phải tìm kiếm thức ăn, nước uống. Khi lênh đênh trên biển cả, vấn đề đó thực sự khó hơn trên cạn rất nhiều. Khởi đầu game người chơi sẽ được cấp cho một chiếc bè nhỏ làm bằng ván gỗ và nhựa, cùng chiếc móc câu để có thể lượm đồ. Muốn nhanh hơn có thể lao xuống biển xanh để lượm rồi quay lại bè nhưng cẩn thận cá mập và lạc đường. Một khi đã quay mòng mòng dưới biển thì việc hiến tặng thân xác cho cá mập là điều hiển nhiên.
Giữa biển, cá có thể câu được, lâu lâu có một hòn đảo xuất hiện, đồ ăn, trái cây cũng có thể lượm được. Nhưng “nước” là một phạm trù hoàn toàn khác. Chế tác ra cái li, cứ thế múc nước biển uống thì càng nhanh chết. Như khoa học đã nói có thể nhịn ăn nhiều tuần nhưng nước thì không. Vì thế các game thủ nên để ý tới việc craft máy thô sơ để nấu nước biển thành nước uống. Hoặc craft rìu để chặt cây dừa, dừa vừa bổ sung nước và chống đói.
Việc sống còn chỉ là khởi đầu trong game, chiến đấu chống lại thiên nhiên và khám phá thế giới mới thực sự là những điều thú vị. Khi đã ổn định với lò nấu đồ ăn, và máy lọc nước trên bè, việc tiếp theo là cho chú cá mập một bài học. Đùa giỡn đủ lâu rồi, tới lúc chính chúng ta phải vùng lên, trước khi mọi việc đi quá xa. Tức là ngoài cắn người, cá mập còn cắn bè của bạn, không may thay cắn vô chỗ bạn để đồ quan trọng thì công sức đổ sông đổ biển hết. Hãy cẩn thận với chúng.
Điểm nhấn của game nằm ở chế độ chơi cùng đồng đội, khi đó công việc được chia ra, một đội cùng làm việc sẽ nhẹ gánh hơn và thỏa sức tìm kiếm các chân trời mới còn chơi một mình thì lâu lắm. Làm ra được bộ đồ bơi, lặn xuống biển sâu kiếm đồ hay lục lọi trong các chiếc bè bị bỏ rơi của một nạn nhân xấu số nào đó. Có khi còn có cả một công trình to lớn bị bỏ hoang trên biển.
Đến khi craft được đến radar, đặt chúng ở vị trí hợp lí thì “Sân chơi này là của anh”. Tất nhiên phải biến chiếc bè gỗ cùi dừa kia thành tàu bự đã, rồi hãy nghĩ tới lắp full công nghệ nhé. Radar phối hợp cùng cánh buồm, bánh lái thuyền sẽ giúp người chơi tiếp cận nhanh, chính xác hơn với các công trình hiện đại. Nơi có thể mang đến vô số những vật phẩm quí báu.
Hơn nữa, Radar được coi là món đồ dẫn tới kết thúc trong game. Vì nó sẽ hướng dẫn bạn tới hòn đảo Utopia, nơi có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, sóng vô tuyến, bãi đỗ trực thăng,… Nhân vật chính sẽ được cứu, chấm dứt những ngày tháng lênh đênh trên biển. Tất nhiên sẽ vẫn tiếp tục chơi và sáng tạo thỏa thích nhưng đó là điểm kết thúc theo cốt truyện của game. Tương tự như khi bạn tiêu diệt rồng Ender trong Minecraft.
Thoạt nhìn Raft có vẻ đơn giản, cứ như game dành cho thiếu nhi nhưng nếu trẻ con mà chơi thì xóa game ngay sau 5 phút. Vì thế không nên đánh giá bề ngoài, thực sự thì game khá khó, đòi hỏi kiên nhẫn và óc sáng tạo cực cao. Tính đồng đội cũng rất quan trọng trong game, nếu có một ngày tệ hại, hãy kiếm một đám bạn vô Raft chơi chắc chắn bạn sẽ tìm được những phút giây thoải mái.
Raft được đánh giá khá cao bởi một yếu tố cộng thêm đó là đề cập tới vấn nạn xả rác trên biển. Lượng chai nhựa, mảnh vỡ kim loại là hằng hà sa số.
Âm nhạc trong game cũng khá hay, chân thực. Mỗi khi bị cá mập cắn là hiểu cảnh, máu mất đã khó chịu, nhân vật còn la oai oái. Chuyện giật mình trong game thường như cơm bữa. Tiếng sóng biển, chim kêu, sóng đánh, mưa gió rất sống động. Thiết nghĩ game nên thêm dòng “Best with headphone” để game thủ đón đầu trước, tranh thủ trải nghiệm.
Nhạc nền cũng rất hay, đâu đó gần 5 bản nhạc nền, bạn có thể dễ dàng tìm chúng trên youtube. Các đạon nhạc mang cảm giác phiêu lưu nhưng cũng rất yên bình và thư giãn. Không chơi game, lên youtube nghe nhạc của game cho thư thái, rồi chơi tiếp. Chỉ có điều khi sắp chết nhạc hay phát lên, kiểu như chuẩn bị đưa chúng ta đi xa, lúc đấy thì nhạc nền thành nhạc troll.
Hiện Raft đang là bản Early Access, còn tồn tại một số lỗi, hi vọng Redbeet sẽ để tâm và nâng cấp nhiều hơn về gameplay, tạo độ kịch tính hơn cho game. Game đang có giá 180.000 VNĐ trên Steam.
Bạn có thể tải game theo link sau: https://store.steampowered.com/app/648800/Raft/
Cấu hình tối thiểu:
-
CPU: 2.6 GHz Dual Core or similar
-
RAM : 4 GB RAM
-
VGA: GeForce GTX 500 series or similar
-
Ổ cứng : 3 GB trống
Nguồn : https://motgame.vn/danh-gia-raft-cuoc-sinh-ton-thu-vi-giua-bien-ca.game