Chiếc Xbox đầu tiên có kích thước khổng lồ. To, nặng và “xấu xí gây chú ý” đến mức Robbie Bach, người từng đứng đầu nhóm phát triển Xbox cũng phải nói rằng nó quá xấu. Quả thật, Robbie Bach tiết lộ rằng khi thiết kế nên cỗ máy chơi game đầu tiên của mình, Microsoft không bận tâm đến vẻ bề ngoài. Họ chọn các linh kiện bên trong trước, rồi làm phần vỏ sau. Kết quả là một cỗ máy ngoại cỡ, nhưng ít ra nó hoạt động bình thường.
“Tổ tiên” của họ nhà Xbox.
Vài năm sau đó, Microsoft muốn đưa ra một hệ console mới mạnh hơn và thời thượng hơn. “Nó phải được thiết kế theo góc nhìn của một nhà thiết kế,” – Microsoft quyết định. Và thế là họ làm ra cái vỏ trước, rồi chọn các linh kiện sẽ được nhét vào bên trong sau. Các kỹ sư của Microsoft đã phải làm hết sức mình để tạo ra một chiếc máy có thể chạy được bên trong lớp vỏ mới hào nhoáng.
Rồi Xbox 360 hỏng
Đầu tiên, chỉ có vài người phàn nàn rằng chiếc console mới của họ không còn hoạt động được. Khi mở máy, họ không gặp những ánh đèn xanh quen thuộc mà được chào hỏi bằng những tia sáng đỏ xấu xí. Nó báo hiệu rằng có vấn đề gì đó xảy ra với phần cứng, hoặc bộ nguồn. Người dùng chẳng thể làm gì trong tình huống này, và lỗi lan tràn trên khắp thế giới.
Red Ring of Death
Những tia sáng đỏ xuất hiện khắp nơi, và YouTube, các trang tin game -công nghệ tràn ngập tin tức về chiếc Xbox 360, mẹo xử lý và những thứ tương tự, còn Microsoft không thể kịp thời thay thế máy cho game thủ của mình. Dù Red Ring of Death (RROD) chỉ xuất hiện trên Xbox 360, nó đe dọa sẽ giết chết cả thương hiệu Xbox và “bôi tro trát trấu” lên mặt Microsoft nếu không được xử lý nhanh gọn.
Một trong những trường hợp Red Ring of Death đầu tiên.
Khi đó, dù vụ việc của Facebook và Cambridge Analytica chưa diễn ra, Microsoft biết thừa rằng một vấn đề khủng hoảng về truyền thông như vậy cần được khắc phục ngay lập tức, thay vì để nó “lên men”. Những người quan trọng nhất ở Microsoft: tổng giám đốc Steve Ballmer, chủ tịch mảng thiết bị và giải trí Robbie Bach, phó chủ tịch giải trí tương tác Peter Moore gặp nhau để tìm cách giải quyết vấn đề trong một cuộc họp vào năm 2007.
Peter Moore nhớ lại rằng khi mình ngồi trước Steve Ballmer, ông khá run sợ nhưng vẫn đưa ra một giải pháp nghe thật điên cuồng: chi 1,15 tỉ USD để thu hồi, sửa chữa và giao các máy Xbox 360 đến cho chủ nhân của chúng. “Nếu chúng ta không làm điều này, thương hiệu Xbox sẽ chết” . Nhưng trước sự ngạc nhiên của Peter Moore, Steve Ballmer không do dự lấy một giây và gật đầu ngay lập tức.
Peter Moore
“Tôi không bao giờ quên khoảnh khắc đó. Nếu bạn là một game thủ Xbox, bạn có thể cảm ơn Steve Ballmer đã không do dự. Nếu chúng tôi không quyết định vào lúc đó mà thử lấp liếm vấn đề, Xbox và Xbox One sẽ không tồn tại ngày hôm nay.”
Một lời xin lỗi chân thành
Trước khi bắt tay vào việc lấy lại lòng tin của game thủ Xbox 360, Peter Moore cảm thấy mình cần phải xin lỗi. Ông viết một lá thư gửi đến tất cả game thủ, xin lỗi và nói rằng “chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm và thay đổi để đảm bảo rằng mỗi chủ nhân Xbox 360 đều sẽ tiếp tục có những trải nghiệm tuyệt vời.”
Một dây chuyền đóng gói “bom hẹn giờ” cho Microsoft.
Đối với Microsoft, không chỉ những Xbox360 đã được bán ra, mà cả những máy đang nằm trên kệ cũng là “bom hẹn giờ”. Để lấy lại lòng tin của khách hàng, thời gian bảo hành của Xbox 360 được tăng từ 1 năm lên 3 năm, và sẽ thay thế máy nếu nó bị Red Ring of Death hoàn toàn miễn phí trong khoảng thời gian đó. Ngay cả những người đã bỏ tiền túi để sửa máy và chi phí vận chuyển máy cũng được thanh toán bởi Microsoft. Theo Peter Moore, 240 triệu USD đã được trả cho FedEx như một phần của chiến dịch này. “Cổ phiếu của họ chắc tăng thủng nóc trong 2 tuần sau đó,” ông đùa.
Trong lá thư xin lỗi của mình, Peter Moore nói rằng Microsoft đã thử nghiệm và tìm ra một vài nhân tố có thể gây ra Red Ring of Death vào thời điểm đó. Họ đã thực hiện một số biện pháp cải thiện vấn đề, nhưng không may là như thế vẫn chưa đủ. Đến tận năm 2009, 2 năm sau khi Microsoft tuyên bố mình đã tăng thời gian bảo hành và giải quyết được vấn đề, vẫn có những game thủ như Andy Phifer, với chiếc Xbox 360 gặp lỗi Red Ring of Death, được gửi đến Microsoft để sửa chữa và vẫn bị lỗi ngay khi vừa nhận lại 3 lần liên tiếp!
Microsoft nghĩ rằng họ cần phải xé nháp và làm lại từ đầu.
Xbox 360 S
Đến năm 2010, sau ba năm sửa chữa và đổi máy mới cho khách hàng, Microsoft hé lộ một thiết kế hoàn toàn mới: Xbox 360 S. Nó có rất nhiều thay đổi so với người tiền nhiệm, từ hỗ trợ Wi-Fi, Kinect, nút nguồn cảm ứng, và quan trọng nhất là một bộ “đồ lòng” được thiết kế lại hoàn toàn để loại trừ Red Ring of Death. Robbie Back nói rằng chỉ đến khi chiếc máy này ra mắt, RROD mới thực sự trở thành một vấn đề của quá khứ. Nhưng nhiều người vẫn đùa rằng Xbox 360 S không thể bị RROD là bởi vì Microsoft đã… gỡ bỏ khả năng hiển thị màu đỏ của các đèn LED viền quanh nút nguồn của cỗ máy này.
Nhưng Red Ring of Death là do đâu?
Mọt game rất tiếc phải nói với các bạn rằng đáp án chính thức của câu hỏi này chưa bao giờ được tiết lộ. Từ khi chiếc Xbox 360 đầu tiên bị Red Ring of Death cho đến khi Xbox 360 S ra đời, Microsoft chưa một lần hé miệng tiết lộ lỗi kỹ thuật nào gây ra sự cố này. Tất cả những gì họ chịu nói chỉ là “vấn đề thiết kế” (theo lời Robbie Bach), chấm hết.
Trước hiện tượng này, các nhà báo và chuyên gia phần cứng bắt đầu thử mổ xẻ Xbox 360. Một trong số những lời giải thích hợp lý nhất có lẽ là của Bryan Lewis, nói rằng Microsoft muốn sử dụng một bo mạch ASIC riêng do mình tự thiết kế thay vì mua từ một hãng khác để tiết kiệm hàng chục triệu USD. Chỉ có một rắc rối nhỏ: từ xưa đến nay, Microsoft vẫn luôn là một hãng phần mềm và game, chứ chẳng phải là một hãng phần cứng danh tiếng. ASIC của họ tỏa quá nhiều nhiệt và khiến những thành phần xung quanh nóng lên, khởi nguồn cho khoản chi khổng lồ 1,15 tỉ USD sau đó.
Paul Thurrott, một tác giả chuyên viết về công nghệ từng tham quan Microsoft đã kể lại rằng ông thấy họ sử dụng 3 máy PowerMac G5 kết nối với nhau để mô phỏng một Xbox 360, nhưng Xbox 360 lại chỉ là một chiếc hộp bé tí. Khi được hỏi làm thế nào mà Microsoft có thể nhồi sức mạnh xử lý của 3 PowerMac G5 vào bên trong lớp vỏ nhựa, đại diện của Microsoft trả lời rằng “chúng tôi có những người đã tìm ra cách làm thế,” và nhe răng cười như một tay bán xe hơi second hand.
Xbox 360 nhỏ bé xinh xinh
Dù đây chỉ là phán đoán của người ngoài, nó tỏ ra rất đáng tin cậy bởi trong Xbox 360 S, Microsoft đã nhờ đến sự hỗ trợ của một công ty bên ngoài để thiết kế một bo mạch ASIC hoàn toàn khác.
Bài học đắt giá
Với thế hệ Xbox One đầu tiên, nó là chiếc console lớn nhất về diện tích bề mặt mà Microsoft từng tung ra. Để bạn không phải tự Google, Mọt game đã giúp bạn làm điều đó: Xbox One có kích thước 333 x 274 x 79mm, còn Xbox là 320 x 260 x 100mm. Họ không muốn có một sự kiện tương tự Red Ring of Death, và vì thế đã làm mọi cách để các linh kiện bên trong Xbox One được “thở” thoải mái hết mức có thể. Có vẻ như họ thành công: Xbox One chưa hề gặp một vấn đề lớn nào như ông anh Xbox 360, dù về sau Microsoft đã thu nhỏ chiếc console này lại với Xbox One S và Xbox One X.
Xbox One.
Hiện tại, có lẽ Microsoft lẫn Sony đều đã tạm lùi kế hoạch tung ra một thế hệ console hoàn toàn mới, mà tập trung vào việc nâng cấp phiên bản đã có của những console đang vận hành. Chưa rõ bao giờ chúng ta sẽ có Xbox 2 (hay Xbox 9, Xbox 361, Xbox 720… Mọt game thua, không thể đoán được cách đếm số của các hãng công nghệ), nhưng một điều chắc chắn là nếu chiếc console mới này được đưa ra, Microsoft sẽ làm mọi cách để tránh đóng khoản “ngu phí” 1,15 tỉ USD một lần nữa.
Nguồn : https://motgame.vn/xbox-360-va-nhung-chuyen-chua-ke-ve-red-ring-death.game