Khởi đầu từ một dự án cộng đồng, dòng Killing Floor đã có màn ra mắt chính thức vào năm 2009 và nhanh chóng tạo được tiếng vang. Ở thời điểm đó, cùng với Left 4 Dead, Killing Floor là một trong những tựa game bắn zombie được chơi nhiều nhất trên thế giới.
Sau thành công đầu tiên, nhà sản xuất Tripwire Interactive đã tiếp tục nghiên cứu và phát triển ra những phiên bản tiếp theo. Sau một thời gian ấp ủ và làm việc không biết mệt mỏi, cuối cùng Killing Floor 2 cũng đã được ra mắt vào ngày 20/11 vừa qua, tức là hơn 7 năm sau ngày ra mắt đầu tiên. Phát triển và kế thừa tinh hoa của người tiền nhiệm, Killing Floor 2 vẫn đem đến những cảm giác tuyệt vời cho các game thủ yêu thể loại bắn zombie.
Dù thời gian phát triển cách nhau đến gần 1 thập kỷ, tuy nhiên cốt truyện trong Killing Floor 2 vẫn bám sát theo phần đầu tiên. Câu truyện sẽ được bắt đầu khoảng 1 tháng sau kết thúc của phần một. Lần này người chơi sẽ được đặt chân đến châu Âu, nơi đang bị hủy hoại bởi những thí nghiệm thất bại của tập đoàn Horzine Biotech.
Các ổ dịch lan rộng và gần như không thể ngăn cản, chúng làm tê liệt chính phủ lâm thời của các nước tại châu Âu và khiến cho nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, còn người dân thì phải sơ tán.
Các sinh vật được tạo ra từ trong các ổ dịch được gọi là Zed, chúng cực kì nguy hiểm với rất nhiều hình dạng khác nhau và rất hiếu chiến. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng đã làm cho nhiều chính quyền sụp đổ, các phương tiện liên lạc mất kết nối, quân đội các nước trở nên thiếu nhân lực trầm trọng và lâm vào cảnh kiệt quệ.
Nhưng, hi vọng vẫn còn đó khi dân thường và lính đánh thuê quyết định họp sức cùng nhau, họ thành lập các khu vực “tự cung tự cấp” riêng rồi trực tiếp chiến đấu với bọn Zed trên khắp châu Âu. Từ đây, cuộc chơi bắt đầu.
Nếu được miêu tả gameplay của Killing Floor 2 bằng một từ thì chỉ có thể là “quá đã”. Đây là tựa game bắn súng được tạo ra để cho phép các game thủ thể hiện được sự mạnh mẽ và gan dạ. Yếu tố hành động và kinh dị trong game hình thành bởi ba yếu tố chính là đạn dược, khả năng chặt chém và đậm chất máu me.
Nói về phần đạn dược, hệ thống súng ống và cách sử dụng trong game được thiết kế rất chi tiết, tỉ mỉ. Tripwire đã dành rất nhiều thời gian vào việc thiết kế một kho vũ khí đồ sộ để người chơi có thể lựa chọn bắn giết zombie. Tất cả các khẩu súng trong game đều được áp dụng kỹ thuật motion-captured tân tiến từ việc bắn cho đến thay đạn.
Hệ thống cận chiến trong game có cơ chế rất đơn giản. Ấn chuột trái để thực hiện đòn tấn công thường và chuột phải để thực hiện đòn tấn công đặc biệt. Người chơi có thể kết hợp vừa di chuyển vừa tấn công để tạo ra các đòn combo đẹp mắt. Ngoài ra nó còn có thể được sử dụng như một lá chắn phòng thủ rất hữu hiệu đối với những con zombie cận chiến. Khi bạn đang trong tư thế phòng thủ và chúng tấn công, lũ zombie sẽ rơi vào trạng thái bị “đơ” tạm thời và đó chính là cơ hội để bạn tấn công nó.
Và phần quan trọng nhất trong game chính là cảnh máu me, có thế nói nếu không có tính chất này thì Killing Floor 2 sẽ chỉ giống như một tựa game bình thường. Tripware đã phát triển một hệ thống MEAT rất tuyệt vời nhưng cũng rất đỗi ghê rợn - người chơi có thể xẻ xác các con zombie theo những cách khác nhau. Các nhà phát triển cho rằng, đây là hệ thống thị giác quan trọng nhất của trò chơi.
Trong game có một thứ gọi là Zed Time – khiến thời gian chậm lại – sẽ tạo ra thời gian cho bạn né tránh hoặc thực hiện những cuộc tàn sát hiện ở trước mặt. Âm thanh chát chúa trong game sẽ khiến tim bạn có cảm giác như nhảy khỏi lồng ngực vậy. Game vẫn có một bản đồ phổ biến giống như bản gốc gọi là Biotics Lab, nó sẽ hiển thị vị trí của bạn và các quái vật để bạn có thể chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho cuộc giao tranh.
Tương tự như những trò chơi bắn Zombie khác, Killing Floor 2 cũng được tích hợp chế độ co-op với việc cho phép 6 người chơi cùng lúc. Đây được coi là một cải thiện so với phần một khi Killing Floor chỉ cho phép 4 người chơi cùng lúc.
Bố cục của mỗi màn chơi rất đơn giản và dễ nắm bắt, người chơi sẽ trở thành một nhóm gồm tối đa 6 người đứng trước các đợt tấn công của lũ Zed hung hãn. Mỗi khi giết được một tên, điểm kinh nghiệm và tiền sẽ được cộng lại.
Giữa mỗi đợt tấn công, người chơi sẽ được một khoảng nghỉ để mua vũ khí, đạn dược và những gì cần thiết cho đợt tấn công tiếp theo. Nếu lỡ “hy sinh” giữa chừng, đây cũng là lúc người chơi được hồi sinh và trở lại trước khi bắt đầu màn chơi mới.
Đợt tấn công cuối cùng sẽ là một con trùm khá dai máu và rất… hung hãn. Để hạ hắn không hề dễ dàng và dù có tới 6 người song việc “tử ẹo” cả đám cũng là chuyện thường xuyên xảy ra. Điều này đòi hỏi kĩ thuật và chiến thuật của riêng từng người chứ không chỉ là một nhóm với những cá thể rời rạc.
Hiện tại, Killing Floor 2 đang được bán trên Steam với giá 22,49$ (~ 500,000 VNĐ) cho bản tiêu chuẩn và 29,99 $ (~ 650.000 VNĐ) cho bản nâng cao. Với tỉ lệ đánh giá tích cực của người chơi lên đến 81%, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng vào chất lượng của tựa game này.
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn : Gamesao