[Review] Toy Odyssey - Tiếp bước 7554 mang tự hào người Việt

Chúng ta vẫn còn nhớ mình thấy tự hào thế nào khi một tựa game bắn súng mang đề tài lịch sử hào hùng của Việt Nam chào sân. Chúng ta vẫn còn nhớ mình chạnh lòng ra sao khi tựa game ấy bị thẳng tay phê bình bởi các trang game uy tín thế giới.
Chúng ta vẫn còn nhớ mình thấy cảm kích thế nào khi một game thủ Việt sinh sống ở nước ngoài vì không thể mua game ở Việt Nam mà phải chơi bản lậu, nhưng vẫn gửi tiền tới tận tay đội ngũ phát triển. Chúng ta vẫn còn nhớ mình thấy xấu hổ ra sao khi một ai đó nài nỉ nhóm cracker nước ngoài, muốn họ bẻ khóa một sản phẩm tâm huyết của bao người Việt trong đó.


Hẳn nhiên chúng ta vẫn còn nhớ những người đứng sau tựa game ấy từng thừa nhận đứa con của mình là một thất bại nặng nề về doanh thu, cho dù nó gánh trên vai niềm tự hào và tham vọng vô cùng lớn. Chúng ta vẫn còn nhớ những con người ấy đã quyết định bước sang một con đường mới dưới tên tuổi mới nhưng vẫn mang niềm tin cũ về một ngày sẽ thành công.
Chúng ta vẫn nhớ đó là Emobi với 7554, và chúng ta chắc chắn sẽ nhớ đây là Toy Odyssey của Hiker Games. Đơn giản vì đây là sản phẩm đầu tiên của người Việt nhưng sẵn sàng ngẩng cao đầu với những tựa game chất lượng của thế giới ngoài kia.

Hồn Việt mang tầm vóc thế giới
Quả thực khi nhìn thấy Toy Odyssey lần đầu tiên, suy nghĩ của người viết chỉ dừng lại ở hai chữ 'thú vị'. Chỉ thú vị thôi vì nó tạo nên cảm giác về một tựa game platform khá ổn so với sản phẩm của người Việt nhưng không mấy đặc biệt so với những tựa game trên thế giới. Cứ thế suy nghĩ ấy định hình trong tâm trí suốt 2 năm liền, cho đến khi người viết được đặt tay lên Toy Odyssey lần đầu tiên... và nhận ra mình đã sai lầm đến nhường nào.
Đứa con của Hiker Games là câu chuyện về những món đồ chơi tưởng chừng vô chi vô giác dưới ánh mắt con người, nhưng sống dậy mỗi tối để kiếm tìm số phận và cuộc hành trình của riêng mình. Câu chuyện bắt đầu khi cậu bé Felix cùng gia đình dọn đến sống tại tòa biệt thự bí ẩn, nơi cậu tìm thấy một món đồ chơi mà mình vô cùng yêu thích. Món đồ chơi ấy chính là Brand - một chàng hiệp sỹ nhỏ bé theo Felix bước vào giấc ngủ mỗi tối.

Nhưng khi Felix say giấc thì cũng là lúc Brand bừng sống dậy với những món đồ chơi khác, mang theo ý niệm và hành trình của riêng mình. Ở đó Brand phát hiện ra câu chuyện nằm sau căn biệt thự, biết rằng đang có một thế lực bóng đêm nào đó chiếm hữu các món đồ chơi vô chủ và biến chúng thành những thực thể tà ác. Chính tâm trí Felix dường như cũng bị thâu tóm bởi thế lực này, khiến cậu rơi vào những cơn ác mộng tăm tối mỗi đêm. Với trái tim quả cảm, Brand quyết định cùng với những người bạn của mình lên đường diệt trừ thế lực ma quái kia, cứu lấy những món đồ chơi lạc lối và chính tâm trí của Felix.
Toy Odyssey mang trong mình nhiều hơn một hình hài đơn giản, cho chúng ta dần dần bóc tách lớp vỏ có phần thô ráp bên ngoài để thấy được những gì đẹp đẽ bên trong. Bước những bước đầu tiên dưới hình hài của Brand, người chơi sẽ làm quen với một lối chơi platform điển hình. Từ những pha búng mình trên các bộ bàn ghế khổng lồ, leo trèo trên những kệ tủ chất đầy đồ đạc cho đến khám phá các kho báu ẩn chứa đâu đó trên gác xép... tất cả đều gợi nhớ mạnh mẽ về những Metroid hay Castlevania xa xưa.


Nhưng Toy Odyssey không chỉ biết đi trên con đường trải sẵn bởi những huyền thoại mà tựa game còn tạo nên ngã rẽ riêng cho bản thân mình. Ở đó thế giới của Toy Odyssey không chỉ bao hàm theo chiều ngang hay vài ba bước nhảy mà còn mở rộng lên những màn chơi ở trên cao. Tùy thuộc vào nhiệm vụ, Brand sẽ phải vươn đến các lỗ thông khí lắp đặt tít trên trần nhà, từ đó mở ra những màn chơi hoàn toàn mới. Để tới được những vị trí này bạn sẽ cần phải vượt qua khá nhiều kết cấu khác nhau, ví như miếng gỗ mối mọt chỉ chờ rơi xuống hay các bậc thang sắp đặt ở vị trí hiểm hóc đòi hỏi bạn phải đổi hướng ngay trong khi nhảy. Với việc mở rộng game theo cả trục dọc như vậy, nhà phát triển cho người chơi có cơ hội cảm nhận một thế giới có chiều sâu, một hành trình đưa đẩy sự khám phá vượt ra ngoài những hình ảnh 2D đơn thuần.


Nhưng đó chưa phải là điểm độc đáo nhất của Toy Odyssey. Mỗi khi bạn vô tình gục ngã trước những món đồ chơi ma quái, Brand sẽ tỉnh lại tại căn phòng ngủ của Felix trong đêm tiếp theo. Nhưng cái giá phải trả chính là con đường mà bạn đi hôm trước sẽ hoàn toàn biến mất, thay vào đó là những căn phòng lạ lẫm mà đôi khi mình mới thấy lần đầu. Chính vì điều này mà Toy Odyssey mang tới những thử thách không hề nhỏ cho người chơi vì chỉ sảy chân một bước mọi thứ sông đổ biển.
Quả thực trong thời gian đầu với Toy Odyssey, người viết cảm thấy khá khó khăn khi phải đối đầu với cơ chế này của game. Không thiếu những lần mà chỉ cần một bước nữa thôi là tới đích nhưng vì nhảy lỡ nhịp hay sơ sẩy trước kẻ thù mà phải làm lại từ đầu. Tuy nhiên độ khó của Toy Odyssey không cao đến mức gây ức chế vì mỗi lần thất bại chúng ta lại mang theo mình một thứ gì đó giúp bản thân mạnh mẽ hơn. Chính cảm giác tích góp dần dần, chậm mà chắc ấy đã cho người chơi như nhâm nhi một hương vị nào đó, một hương vị mà chỉ nếm thử một lần thôi là không bao giờ đủ.


Như đã nói, không phải tất cả đều bay biến theo bước chân quỵ ngã của Brand. Qua mỗi món đồ chơi ma quái bị hạ gục, mỗi hòm đổ được lật mở hay nhiệm vụ được hoàn thành, người chơi sẽ thu về một số lượng 'ốc vít' nhất định. Đây chính là những đơn vị tiền để bạn nâng cấp giáp trụ cho Brand, giúp cậu chàng có thể chống chọi với những kẻ thù mạnh mẽ hơn nếu vô tình thất thủ trong đêm hôm trước. Với người viết, hình ảnh đáng nhớ nhất khi đầu tư nâng cấp cho Brand chính là việc hình hài của cậu biến chuyển liên tục theo từng chi tiết. Ví như chiếc mũ theo phong cách trung đông có thể nhường lại cho mái tóc màu cam dựng đứng, hay lớp áo hơi hướm cổ trang dễ dàng thay thế bởi trang phục đầy vẻ quý tộc. Sự biến chuyển liên tục về mặt ngoại hình như thế luôn khiến người chơi cảm thấy thôi thúc để rồi đổ thêm một vài 'đồng ốc vít', cho Brand không chỉ mạnh hơn mà còn toát lên vẻ cá tính của riêng mình.


Ngoài những ốc vít cơ bản người chơi còn phải để tâm đến vô vàn nguyên liệu khác khi khám phá những căn phòng kế bên. Khác với ốc vít, những nguyên liệu như dây thun hay mảnh Lego vương vãi sẽ cho người chơi khả năng chế tạo nên các chủng loại vũ khí hoàn toàn mới. Đó có thể là thanh kiếm nhựa, dây xích, phi tiêu, gậy phép hay thậm chí là súng lục... bổ sung cho bạn khả năng chiến đấu với nhiều phong cách, tùy nghi mà lựa chọn đối đầu với 300 loại kẻ địch.
Tất cả những yếu tố ấy cho thấy Toy Odessey không chỉ hướng mình trở thành một tựa platform đơn thuần mà còn giúp người chơi nhấm nháp chút gì đó của thể loại nhập vai, cho họ cảm thấy gắn bó hơn với nhân vật của mình trên hành trình phát triển.


Nhưng nhập vai không phải là hương vị duy nhất mà Hiker Games thả vào Toy Odyssey vì tựa game Việt còn mang trong mình chút gì đó của thể loại quản lý công trình trong game chiến thuật. Ở đó mỗi khi Brand phiêu lưu trong căn biệt thự ngoài kia thì căn phòng ngủ của Felix lại phải đương đầu với sự đe dọa của thế lực đen tối. Chính vì thế Brand sẽ phải tổ chức phòng thủ cho nơi đây bằng cách xây dựng những công trình khác nhau.. Và cũng giống như hệ thống nâng cấp giáp trụ hay chế tạo vũ khí, việc này đòi hỏi khá nhiều nguyên vật liệu.
Tuy nhiên đó mới chỉ là phân nửa của đáp án vì những quân tốt mới giữ vai trò quan trọng nhất. Được thu thập suốt dọc đường đi, các chú tốt này sẽ hoạt động như những đơn vị mang nhiệm vụ chuyên biệt. Ví như nếu được điều về 'Phân xưởng', chúng sẽ trở thành các con xe lo toan việc xây cất công trình; trong khi quyết định chịu cảnh ca kíp nơi 'Trạm gác' thì chúng sẽ được phong hậu và trở thành các lực lượng bảo vệ chính. Cứ như thế người chơi sẽ tạo nên cho mình căn cứ riêng, cũng sống động chẳng kém gì doanh trại của các chú lính nhựa khi chúng ta còn bé.


Với việc bổ sung hệ thống xây dựng và phòng thủ như vậy, Toy Odyssey quả thực đã mở ra một chân trời hoàn toàn mới cho lối chơi của game. Đây sẽ là nơi cho game thủ gác lại những màn nhảy nhót đánh đấm ngoài kia để ngồi suy tính cho việc bảo vệ bạn bè và chính mái nhà của mình. Trên tất cả nó còn tái hiện mạnh mẽ hình ảnh những cậu bé mang trong đầu cả một thế giới riêng... một thế giới tạo nên bởi trí tưởng tượng với những món đồ chơi là bạn bè, là anh em, là người lính, là những vị anh hùng bảo vệ căn phòng bé nhỏ của mình. Đó quả thực là món quà vô giá cho mỗi người trong số chúng ta dù có xa cách tuổi thơ của mình bao lâu đi chăng nữa.

Cá tính hình ảnh - Chất lượng âm thanh
Toy Odyssey không dành cho những ai muốn khám phá một thế giới đồ họa với hiệu ứng 3D nhập nhằng.. hay đòi hỏi các công nghệ thời thượng vui tai vui mắt. Toy Odyssey là một tựa game mang nhiều hơn ý nghĩa của từ 'thủ công' nơi sự góc cạnh và cổ điển chen chân vào tính tỉ mẩn và chi tiết. Từ bức tường treo khung ảnh John Lennon cho tới bàn làm việc lẫn lộn mô hình, từ ông lão tên Pike có thân hình Samurai quá khổ cho đến những quân tốt bé nhỏ có khuôn mặt khó đăm đăm.. tất cả đều thổi sức sống và cá tính riêng cho thế giới của Toy Odyssey.
Về phần âm thanh, tựa game tuy không mang điểm gì quá nổi bật nhưng vẫn là một bước tiến xa với một tựa game Việt Nam. Ngay từ những giây phút đầu tiên chúng ta đã có thể hòa nhịp vào những bản nhạc nền đầy bí ẩn, tạo nên lớp sương phủ bao quanh câu chuyện về căn biệt thự đen tối và những món đồ chơi mang linh hồn riêng. Trên tất cả mỗi nhân vật trong game đều được lồng tiếng hoàn chỉnh, tuy vẫn chưa thể lột tả cảm xúc riêng của mỗi người nhưng vẫn thừa đủ tạo nên bầu không khí sống động cho câu chuyện của Toy Odyssey.

Đáng tự hào game của Việt Nam
Năm năm trước chúng ta mang niềm tự hào về một tựa game bắn súng đầu tiên của người Việt, một tựa game mang ý nghĩa hào hùng của lịch sử nước nhà. Nhưng chúng ta nhận ra rằng tựa game ấy với trách nhiệm tiên phong mở đường đã phải đương đầu với vô vàn thử thách và khó khăn.
Năm năm sau, những con người làm nên tựa game ấy đã mở ra một chương mới cho hành trình của mình, một chương mới với trang đầu tiên có tên Toy Odyssey. Không như người anh đi trước, Toy Odyssey khởi đầu trên những bước chân bé nhỏ, dễ thường chỉ khiến ánh mắt mọi người lướt qua mà không đọng lại gì nhiều. Nhưng nếu biết dừng lại và nhìn sâu vào game, bạn sẽ thấy một tầm vóc vươn xa hơn tất cả những gì mà chúng ta, những người Việt Nam yêu game... từng thấy trước đây.
Toy Odyssey sẽ phát hành chính thức vào ngày 21 tháng 9 tới đây trên Xbox One và hệ thống Steam của PC. GameHub thực sự khuyên bạn đọc hãy cố gắng ủng hộ tựa game thuần Việt của chúng ta bằng cách mua và chơi game bản quyền.
Cảm ơn Hiker Games đã tạo điều kiện cho GameHub có thể đánh giá sớm tựa game chất lượng này trước ngày ra mắt. Để biết thêm chi tiết hãy truy cập: http://store.steampowered.com/app/392410

TIN LIÊN QUAN

Game mobile bắn súng sinh tồn đến từ cha đẻ của 7554 sẽ ra mắt game thủ vào ngày 11/8

Arena Of Survivors là tựa game sinh tồn bắn súng được sản xuất bởi Hiker Games tiền thân là Emobi Games, cha đẻ của game Việt 7554

Báo nước ngoài nói gì về game Việt Toy Odyssey?

Cùng xem những website nói gì về Toy Odyssey: The Lost and Found - tựa game Việt phát triển bởi Hiker Games.

Game Việt Huyết Chiến Thiên Hạ mở tải, hẹn game thủ ngày ra mắt không còn xa

Huyết Chiến Thiên Hạ là tựa game mobile được gán mác “Made in Việt Nam” đến từ NPH SohaGame. Được giới thiệu là tựa game 100% sản xuất trong nước, Huyết Chiến Thiên Hạ bao gồm nhiều nhân vật được lấy cảm hứng từ sử sách, truyền thuyết Việt Nam lẫn

Toy Odyssey - Tuổi thơ dữ dội một thời của tôi

Thực sự rất khó để có thể bỏ qua, cũng như rời mắt khỏi màn hình khi dõi theo từng bước chân của Brand trong câu chuyện của Toy Odyssey.

Những tựa game của Việt Nam sản xuất từng gây bão trên thế giới

Cùng chúng tôi nhìn lại những tựa game được bàn tay và khối óc của con người Việt Nam nhưng có sức ảnh hưởng ra cả thế giới

Tổng hợp những game mobile đã định ngày ra mắt thị trường Việt trong nửa đầu tháng 8

Arena Of Survivors là tựa game sinh tồn bắn súng được sản xuất bởi Hiker Games tiền thân là Emobi Games, cha đẻ của game bắn súng Việt 7554 từng được nhiều người biết đến. Sự ảnh hưởng mạnh mẽ của thể loại game sinh tồn trong 1 năm gần đây là tiền

Game Jam 2016 - Gameloft đánh tiếng cuộc thi làm game tại Việt Nam

Gameloft đã chính thức đánh tiếng Game Jam 2016 - cuộc thi sáng tạo game trong vòng 48 tiếng với những tổng giá trị giải thưởng tới 8400 USD.

THỦ THUẬT HAY

Cách mở khóa Facebook vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng cực kỳ đơn giản

Bạn thức dậy sau một đêm dài thì thấy Facebook bị khóa 30 ngày hoặc bị khóa tạm thời do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook. Bạn đang tìm cách lấy lại nhưng chưa biết cách thực hiện. Bài viết dưới đây sẽ hướng

Hướng dẫn tắt hẳn Wifi và Bluetooth từ Control Center trên iOS 11.0 – iOS 11.1.2

Mới đây thì tweak chỉnh sửa giúp bạn tắt hẳn Wi-Fi hay Bluetooth từ Control Center đã chính thức được phát hành dành cho các bạn có máy iOS 11.0 – iOS 11.1.2 đã jailbreak bằng Electra.

3 cách chặn hình ảnh từ các trang web trên Google Chrome

Nếu Chrome chạy chậm vì mất quá nhiều thời gian để tải hình ảnh thì đây là cách để chặn hình ảnh trên trang web trong trình duyệt.

Tạo một Search Shortcut trên Desktop cho Windows 8.1

Để thực hiện nhiều tìm kiếm trong Windows Explorer một cách nhanh chóng và dễ dàng với hệ điều hành Windows 8.1. Chúng tôi sẽ hướng dẫn độc giả cách tạo ra một shortcut tùy chỉnh trên máy tính của mình khi bắt đầu một

7 thay đổi nổi bật của Microsoft Edge mới trên Windows 10 Fall Creators Update

Microsoft Edge được giới thiệu các tính năng bổ sung và một số tinh chỉnh nhỏ với Windows 10 Fall Creators Update và sau đây là những gì bạn cần biết.

ĐÁNH GIÁ NHANH

Đánh giá V-MODA Crossfade Wireless: tai không dây tuyệt vời cho fan Hip-hop, EDM

Đây có lẽ là chiếc tai nghe không dây tuyệt vời nhất dành cho các fan của Hip-hop và EDM vào lúc này.

Liệu Honda HR-V có thực sự hấp dẫn người tiêu dùng Việt với giá bán cắt cổ?

Thị trường xe Việt Nam là một thị trường rất đặc biệt, thường không tuân theo bất cứ quy luật nào trong khu vực hoặc trên bình diện toàn cầu. Trên thực tế, tôi gõ những dòng cuối cùng trong bài review này khi đang công

Đánh giá nhanh tai nghe không dây Samsung Gear IconX

Ra mắt trước Apple Airpod đến tận 2 tháng, Gear IconX thuộc dòng phụ kiện Gear của Samsung và là đối thủ ngang sức với thế hệ tai nghe không dây...