Đời không như là mơ, Cyberpunk 2077 nói về thế giới tương lai nhưng lại cho người chơi cảm giác như xuyên không về thời điểm 10 năm trước. Nếu không phải là sản phẩm của CD Projekt RED, những ý kiến chỉ trích có khi sẽ còn nặng nề hơn gấp nhiều lần.
Cyberpunk 2077 tạo ra rất nhiều đồn đoán trong cộng đồng game thủ trong những năm vừa qua khi xung quanh nó luôn là những thông tin giật gân: Từ việc game ngày càng nặng, trì hoãn phát hành cho đến sự tham gia của Keanu Reeves – tài tử nổi tiếng của dòng phim Ma trận – The Matrix và John Wick. Đến nay, sau khi đã phát hành, tựa game nhập vai giả tưởng thế giới mở này lại đang châm ngòi cho hàng loạt các cuộc khẩu chiến không hồi kết trên các trang mạng xã hội.
Được phát triển bởi CD Projekt RED – cha đẻ của dòng game hành động nhập vai nổi tiếng The Witcher nên không có gì khó hiểu khi gamer toàn thế giới đặt kỳ vọng rất lớn vào Cyberpunk 2077. Sau khi phát hành vào ngày hôm nay 10/12/2020, nhiều người có vẻ đã hài lòng bởi đồ họa cùng khung cảnh của game được xây dựng rất tốt và các yếu tố nhập vai thu hút người chơi mặc dù còn vài lỗi vặt. Tuy nhiên số lượng những chỉ trích nhắm vào nó cũng khá kinh khủng khi cho rằng tựa game nhàm chán, rằng với một game có tựa đề là Cyberpunk, trò chơi không thể gọi là đột phá, nó giống như một món lẩu thập cẩm pha trộn từng yếu tố của từng thể loại game khác nhau trong quá khứ rồi “khâu vá” chúng vào để tạo nên.
Dưới đây là một vài đánh giá của các trang phê bình game uy tín:
1. Gamespot: 7/10
“Khá khó để hòa mình vào thế giới của Cyberpunk 2077. Có quá nhiều thứ được nhồi nhét trong game, các sự kiện diễn ra vừa cùng lúc vừa nhanh khiến bạn khó tập trung vào chủ đề chính, điều này làm mọi thứ trong game trở nên hời hợt thiếu gắn kết, thậm chí là khiến các sự kiện đó trở nên thừa thãi không cần thiết. Game cho bạn không gian để thưởng thức các yếu tố nhập vai cốt lõi khá thú vị, mặc dù vậy trải nghiệm của chúng tôi với tựa game là hơi thất vọng”.
2. IGN: 9/10
Cyberpunk 2077 lôi bạn vào một thế giới đẹp đẽ và một thành phố hào nhoáng với rất ít những rào cản. Game đem tới một lượng lớn sự lựa chọn để xây dựng nhân vật, làm nhiệm vụ, đối mặt kẻ thù, và những sự lựa chọn nhỏ của người chơi thực sự ảnh hưởng lên thế giới, câu truyện và con người sống trong thế giới của game. Những câu truyện có thể vui, buồn, nhiều cảm xúc, tối tăm, kích thích hoặc tất cả hòa quyện làm một. Mặc dù mạch truyện chính có hơi ngắn, nhưng với số lượng lớn câu truyện phụ bên lề ngay từ lúc bắt đầu chơi có thể tạo ra một hiệu ứng mạnh mẽ đối với những sự lựa chọn của người chơi. Cyberpunk 2077 thựa sự là một tựa game nhập vai đáng để chơi.
3. PC Gamer: 78/100
Là một tựa game cũng khá thú vị và đáng để thử. Tuy nhiên công bằng mà nói thì The Witcher 3 vẫn vui hơn, tính túy hơn với những đoạn hội thoại được xây dựng tốt hơn. Mặc dù vậy Cyberpunk 2077 cũng có những điểm hay nhưng lại dựa dẫm hơi nhiều vào các yếu tố khám phá và công nghệ, từ mấy tên đầu gấu cho đến mấy gã công an biến chất đều có những nâng cấp của riêng mình. Game trung thành với thể loại yếu tố làm nên tên tuổi của dòng cyberpunk … nó liên tục dụ dỗ bạn chơi tiếp kể cả khi phải đối mặt với lỗi vặt.
4. Polygon: Không chấm
Giống như thành phố mà game dựng lên, nếu nhìn qua Cyberpunk 2077 có thể đem đến ấn tượng từ xa rằng nó được xây dựng một cách tỷ mỷ qua năm tháng; nhưng khi người chơi trực tiếp cảm nhận nó, sự thực lại hoàn toàn khác. Một mặt, trò chơi khá trung thực với những gì nó giới thiệu quảng cáo tới người chơi. Mặt khác, game đem tới một cái nhìn khá cơ bản của tương lai, chả có gì là đột phá cả. Ngược lại, Cyberpunk 2077 là một tựa game mang hơi hướng “ăn mày dĩ vãng”.
5. The Verge: Không chấm
Cyberpunk 2077 chưng cất những yếu tố dễ nhận dạng nhất từ các đầu phim thể loại viễn tưởng nổi tiếng như Blade Runner hay Neuromancer rồi trộn chúng lại với nhau. Thể loại cyberpunk vốn được tạo ra để thay thế cho những giả định của con người về tương lai như “du hành vũ trụ” hay “trái đất hậu tận thế” nhưng có vẻ những viễn cảnh này đang ngày càng xa rời thực tế và trở nên quá lố.
6. VentureBeat: Không chấm
Cyberpunk 2077, thực tế là một tựa game nhập vai thế giới mở. Nhưng nó lại không phải là tương lai của ngành game, ngược lại là một sự tổng hợp của đủ các loại game từ thời kỳ Xbox 360 đến giờ: Thế giới mở của GTA, hacking của Watch Dog, hàng tá nhiệm vụ trên map của Assassin Creed, hệ thống chiến đấu và phát triển tuyến nhân vật của Fallout, hội thoại kiểu mù mờ của Mass Effect, cảnh phá án trong Batman: Arkham Knight …vv… Trò chơi ban đầu tạo cảm giác hoành tráng và đồ sộ, nhưng thực tế chỉ là gộp nhiều yếu tố của nhiều game vào một. Bởi vậy Cyberpunk 2077 chỉ cho chúng ta thấy nơi ta đang đứng thay vì những gì sắp đến ở tương lai.
Vừa rồi là một số bình luận về game, nghe qua thì tiêu cực nhưng cũng chỉ là đánh giá của của một vài biên tập viên của một vài tờ báo nước ngoài. Nếu muốn có trải nghiệm thực tế nhất, bạn hãy đặt mua Cyberpunk 2077 trên Steam với giá 990.000 VNĐ và tự đưa ra ý kiến của riêng mình.