Fluent Design:
Trên Windows 10 Fall Creators thì Microsoft bắt đầu áp dụng ngôn ngữ thiết kế giao diện mới dành cho cả hệ thống lẫn ứng dụng UWP có tên Fluent. Ngôn ngữ thiết kế này bao gồm 5 yếu tố cốt lõi gồm ánh sáng (Light), chiều sâu (Depth), chuyển động (Motion), chất liệu (Material) và tỉ lệ (Scale). Những yếu tố này được phản ánh cụ thể trên từng thành phần giao diện mà chúng ta sẽ từng bước nhận ra khi sử dụng Windows 10 Fall Creators.
Để tiện so sánh mình sử dụng 2 chiếc máy tính, 1 chiếc chạy bản cập nhật 1709 (Fall Creators), chiếc còn lại chạy bản 1703 (Creators). Sự khác biệt chính giữa thiết kế Fluent và thiết kế cũ mà chúng ta có thể nhìn thấy ngay là hiệu ứng trong mờ của giao diện, vẫn những yếu tố đồ họa cũ nhưng cảm giác hiện đại hơn.
Điểm mới trên thanh Taskbar: ít trong suốt hơn, có thêm People
Đây là Desktop của 2 chiếc máy mình so sánh, bên trái là Fall Creators, bên phải là Creators. Nhìn qua thì không nhiều khác biệt lắm nhưng trên thanh Taskbar của Fall Creators, chúng ta có thể thấy nó ít trong suốt hơn và có thêm People Bar.
Trên Fall Creators anh em sẽ có thể ghim danh bạ lên thanh Taskbar và ứng dụng People huyền thoại trở nên lợi hại hơn bao giờ hết. Như trong hình mình đã pin một vài người bạn hay liên lạc vào thanh Taskbar. Với những ai có số điện thoại, email, tài khoản Skype thì ứng dụng tương ứng sẽ hiển thị cho phép chúng ta thực hiện nhanh thao tác như gọi điện, gởi email, gọi video call qua Skype. Ngay cạnh những người đã pin là nút People cho phép mở nhanh danh sách những người hay liên lạc. Điều đáng chú ý là Taskbar chỉ hỗ trợ hiển thị bên ngoài 3 người cùng lúc, nếu bạn pin thêm thì sẽ nằm trong nút People. Mình sẽ có một bài khác giới thiệu về People và mẹo sử dụng.
Action Center mới: trực quan hơn, logo ứng dụng lớn dễ nắm bắt thông tin:
Action Center trên Windows 10 Fall Creators đẹp hơn và trực quan hơn. Các thông báo vẫn được hiển thị theo ứng dụng, chúng ta có thể xóa theo nhóm, xóa từng cái hoặc xóa toàn bộ nhưng điểm nhấn thẩm mỹ vẫn là độ trong mờ của Action Center, nó không trong suốt như phiên bản cũ khiến mọi thứ như văn bản, khung thông báo, biểu tượng nổi bật hơn. Đặc biệt là biểu tượng ứng dụng to rõ bắt mắt khiến mình dùng Action Center nhiều hơn trên Fall Creators. Trong khi đó với phiên bản Creators cũ thì biểu tượng ứng dụng nhỏ và gần như chìm hẳn vào chữ thông báo khiến mình dễ bỏ qua.
Start Menu: thêm hiệu ứng viền sáng quanh chủ thể được chọn
Start Menu nhìn qua không có nhiều thay đổi, những tính năng tùy biến với Live Tiles vẫn như cũ nhưng có những thay đổi nhỏ theo triết lý thiết kế Fluent khiến Start Menu trông đẹp hơn. Đầu tiên là độ mờ như đã nói ở các phần Taskbar và Action Center, anh em có thể thấy rất rõ trong ảnh trên, bên trái ảnh nền Desktop không lộ như bên phải.
Tiếp theo là thanh cuộn (Scroll bar) được làm mỏng lại theo mặc định, khi đưa trỏ chuột vào tự động mở rộng ra để chúng ta nhấn giữ và kéo xuống. Thay đổi này tuy nhỏ nhưng khiến giao diện trông thanh thoát hơn.
Tiếp theo là yếu tố ánh sáng trong ngôn ngữ Fluent, khi rê trỏ chuột đến một thành phần nào đó trong giao diện, thành phần này sẽ được làm nổi bằng các vệt sáng mảnh, tạo sự tách bạch khi lựa chọn và thao tác. Như hình trên, mình rê chuột đến các ứng dụng trong App List, nếu đưa trỏ chuột đến một Live Tile thì quanh Live Tile cũng sẽ sáng nổi lên so với các Live Tile xung quanh.
Các biểu tượng trong Context Menu (Menu chuột phải) đã đầy đủ hơn.
Vẫn chưa có Windows Timeline:
Trước đó tại hội nghị BUILD 2017 thì Microsoft từng nhắc đến tính năng Windows Timeline - một tính năng cho phép chúng ta xem lại những gì đã mở trong một khoảng thời gian trước đó 2 giờ cho đến 2 tháng trước. Từ đó chúng ta sẽ có thể tìm lại những tập tin, ứng dụng, trang web đã xem qua. Tuy nhiên Microsoft cho biết Windows Timeline sẽ có trên phiên bản 1803
Còn tiếp …