Trải qua bao thăng trầm, sóng gió Nokia đã về tay HMD và bắt đầu ra mắt những sản phẩm đầu tiên chạy Android và cả một chiếc điện thoại “đập đá” 3310. Những sản phẩm này đều được người dùng rất quan tâm, nhưng liệu con đường đi đến thành công của Nokia có phải màu hồng?
“Người thì còn đó nhưng hồn về đâu…”
Nhắc đến Nokia người ta nghĩ đến một huyền thoại, một cây đại thụ trong làng điện thoại mà tại thời điểm chục năm về trước chẳng ai dám nghĩ chỉ trong vài năm cái tên Nokia lại lu mờ nhanh đến như vậy. Nói đến Nokia người ta còn nghĩ đến một hãng điện thoại đầy sáng tạo với hàng loạt sản phẩm đột phá và đặc biệt là camera vô cùng sắc nét.
Thời điểm mà Nokia về tay Microsoft mặc dù cũng chẳng còn nhiều sáng tạo nhưng vẫn giữ cho mình được một chiếc camera mà cả thế giới đều phải thán phục. Từ những sản phẩm Lumia phổ thông, tầm trung cho đến cao cấp đều sở hữu một chiếc camera vượt trội cả về chất lượng lẫn tính năng.
Thế nhưng giờ đây khi về tay HMD, vẫn là cái tên Nokia nhưng bên trong thì chạy Android của Google, thiết kế tất nhiêu không xấu nhưng cũng chẳng còn sáng tạo. Camera tuy chất lượng vẫn ở mức khá nhưng không còn hồn Nokia, hay cả những tính năng chỉnh tay vọc vạch như thời Lumia cũng biến mất.
Phải chăng giờ đây, Nokia chỉ còn đọng lại trong người dùng những hoài niệm xưa. Còn những chiếc Nokia 3, 5 hay 6 giờ đây chỉ còn là tên gọi, chỉ là một chiếc điện thoại bình thường, không còn hồn của Nokia nữa.
Quá nhiều đối thủ cạnh tranh
Bộ ba smartphone mới của Nokia bao gồm Nokia 3, 5 và 6 với mức giá giao động trong khoảng 3 – 6 triệu đồng. Có thể nói đây là phân khúc sôi động nhất ở thị trường Việt Nam. Đặc biệt là tầm giá 5 – 6 triệu đồng của Nokia 6. Trong phân khúc này đếm sơ sơ cũng vài chục sản phẩm góp mặt đến từ rất nhiều hãng điện thoại khác nhau. Trong đó nổi bật nhất là Samsung và OPPO với loạt sản phẩm đang “phá đảo” thị trường.
Sẽ chẳng dễ dàng gì cho Nokia để chen chân vào phân khúc này bởi những sản phẩm mới của Nokia không có cấu hình vượt trội, không còn camera siêu tốt, thiết kế cũng thuộc hạng “thường thường bậc trung”. Vậy nên vũ khí duy nhất Nokia có thể trông chờ chính là thương hiệu, nhưng tiếc thay, như đã nói ở trên thì Nokia thực sự không còn sức ảnh hưởng như trước nữa. Không nhiều người dùng chỉ dựa vào mỗi chữ Nokia để đưa ra quyết định mua sản phẩm.
Nói như vậy cũng không có nghĩa là Nokia không bán được những sản phẩm của mình, chỉ là không cạnh tranh được với hai ông lớn Samsung và OPPO mà thôi. Còn với những thương hiệu khác, Nokia vẫn có chỗ đứng nhất định.
Để thành công Nokia còn muôn vàn thử thách
Vẫn còn quá sớm để khẳng định Nokia liệu có thể thành công hay không nhưng chắc chắn con đường phía trước còn rất nhiều khó khăn. Ngoài sản phẩm chưa đủ ấn tượng, thương hiệu không còn nhiều sức ảnh hưởng thì còn rất nhiều yếu tố khác. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là khả năng tài chính. Mặc dù chưa biết khả năng tài chính của HMD đến đâu nhưng có thể dễ nhận thấy khó mà vượt qua được Samsung và OPPO trong cuộc chiến tầm trung. Khi đánh vào phân khúc còn phải đương đầu với đại gia Apple.
Trong cái thời buổi mà đồng tiền quyết định gần như mọi thứ thì tài chính không đủ khó mà vươn lên. Chỉ cần nhìn cách mà Samsung hay OPPO bỏ ra cả núi tiền để làm quảng cáo, nuôi hàng loạt sao để làm đại sứ thương hiệu thì dễ thấy không phải chỉ Nokia mà tất cả những hãng điện thoại khác khó mà với đến. Còn những hãng điện thoại đến từ Trung Quốc khác thì luôn lấy cấu hình cùng giá bán làm lợi thế, những sản phẩm của Nokia khó mà cạnh tranh.
Xét cho cùng thì nhờ thương hiệu đình đám một thời mà ngay khi ra mắt bất kỳ sản phẩm nào Nokia cũng được giới truyền thông cũng như người yêu công nghệ để mắt tới. Đó là một lợi thế mà đáng ra những hãng smartphone bước đầu đặt chân vào thị trường mất rất nhiều thời gian công sức tiền bạc mới có được. Thế nhưng để thành công, để chiếm lĩnh thị trường, thậm chí là lọt top 5 cũng là một bài toán đau đầu mà HMD đang đi tìm lời giải.
Con đường phía trước của Nokia giống như đang đi ngang một bụi hồng gặp hạn, hoa thì đã tàn chỉ còn lại chông gai!