[Mới] Bật mí số may mắn 12 con giáp năm 2025 để tăng tài lộc
Cần nâng cao hiệu quả của chính phủ điện tử trong quản lý hành chính
Từ những năm đầu thế kỷ 21, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, coi trọng ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý Nhà nước, xác định đây là động lực quan trọng cho phát triển và đổi mới. Bài viết này, đề cập đến nội hàm của Chính phủ điện tử cũng như vai trò của Chính phủ điện tử trong quản lý hành chính hiện nay.
Chính phủ điện tử
Định nghĩa Chính phủ điện tử
Chính phủ điện tử (e-Government) đề cập đến việc triển khai CNTT và truyền thông như Internet.
Có nhiều định nghĩa về Chính phủ điện tử, theo Liên Hợp Quốc “Chính phủ điện tử được định nghĩa là việc sử dụng Internet và mạng toàn cầu (world-wide-web) để cung cấp thông tin và các dịch vụ của chính phủ tới công dân”[1], [2].
Theo định nghĩa của Tổ chức Ngân hàng thế giới (World Bank): “Chính phủ điện tử là việc các cơ quan Chính phủ sử dụng một cách có hệ thống CNTT-TT để thực hiện quan hệ với công dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội”[1].
Trung tâm đào tạo phát triển CNTT&TT châu Á - Thái Bình Dương (APCICT) định nghĩa: “Chính phủ điện tử được định nghĩa rộng rãi là những ứng dụng CNTT và viễn thông (ICTs) để tăng cường việc thực thi các chức năng và dịch vụ hành chính truyền thống của chính phủ”[3].
Ở góc độ pháp lý, định nghĩa Chính phủ điện tử được đề cập đến trong Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Phiên bản 1.0 năm 2015 (2): “Chính phủ điện tử là Chính phủ ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp”[4].
Một cách dễ hiểu thì Chính phủ điện tử là một giải pháp tổng thể trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý Nhà nước nhằm cung cấp hiệu quả hơn các dịch vụ hành chính cho người dân. Chính phủ điện tử thay đổi căn bản cách thức vận hành và quy trình của hoạt động hành chính thông qua việc sử dụng công nghệ; qua đó thúc đẩy sự chuyển đổi sâu sắc trong các cơ quan Nhà nước.
Vai trò của Chính phủ điện tử trong quản lý hành chính
Ở góc độ hành chính, dễ nhìn thấy nhất, trước hết là vai trò của Chính phủ điện tử trong việc tự động hóa, tin học hóa các thủ tục hành chính (TTHC), thông qua các phương tiện điện tử như máy tính, điện thoại và các phương tiện điện tử có kết nối Internet để thực hiện các TTHC. Giờ đây, người dân không bị phụ thuộc vào giờ làm việc hành chính mà có thể thực hiện các TTHC 24/7, có thể sử dụng dịch vụ công ở bất cứ đâu mà không phải trực tiếp đến các cơ quan hành chính. Chính phủ điện tử cho phép xử lý các thủ tục nhanh gọn, đơn giản hơn rất nhiều. Thông tin được cung cấp cho người dân qua Chính phủ điện tử chính xác và dễ dàng, người dân cũng đỡ mất nhiều chi phí để thu thập các thông tin này [5]. Chính phủ điện tử xóa bỏ khoảng cách giữa Chính phủ và người dân, đưa Chính phủ tới gần dân và đưa dân tới gần Chính phủ [6].
Chính phủ điện tử tạo môi trường pháp lý minh bạch cho nền hành chính. Môi trường pháp lý được cải thiện trước hết thể hiện ở việc xây dựng trục liên thông văn bản quốc gia đã giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương rút ngắn thời gian gửi, nhận văn bản, tiết kiệm chi phí và thời gian tiêu hao so với việc gửi văn bản thủ công trước đây của nền hành chính (thời gian gửi, nhận văn bản từ 3 ngày xuống còn 3 phút; tiết kiệm 1.200 tỷ đồng chi phí mỗi năm; hàng chục triệu giờ công) [7], [8]. Ngoài ra, nhờ việc minh bạch hóa hoạt động của chính phủ góp phần chống tham nhũng, quan liêu hay việc lạm dụng quyền lực tại các cơ quan hành chính Nhà nước, tăng lòng tin giữa chính quyền và người dân do nó làm tăng sự tương tác trực tiếp giữa người dân và cán bộ, công chức hành chính.
Một vai trò không thể không nhắc đến của Chính phủ điện tử đó là năng lực đảm bảo thông tin cần thiết và đúng lúc cho việc ra quyết định nhờ sử dụng các tính năng của CNTT. Nhờ đó, Chính phủ hoat động có hiệu quả hơn trong quản lý và phục vụ người dân, giúp cho thông tin được phổ biến và luôn có sẵn. Ngoài ra, việc tập trung cơ sở dữ liệu thông tin cũng giúp cho thông tin được cung cấp cho người dân qua Chính phủ điện tử chính xác và dễ dàng, người dân cũng đỡ mất nhiều chi phí để thu thập các thông tin này.
Trung tâm điều hành và giám sát thông minh tại các tỉnh đang hỗ trợ đẩy nhanh quá trình Chính phủ điện tử. (Ảnh: CTV)
Thực trạng Chính phủ điện tử Việt Nam
Quá trình xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam
Việt Nam đã triển khai xây dựng Chính phủ điện tử từ những năm 2000, tuy nhiên kết quả đạt được còn khiêm tốn. Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với quan điểm “Ứng dụng, phát triển CNTT trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…”. Nghị quyết đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 “triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực”.
Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về chính phủ điện tử nhằm “Đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng”. Và cũng trong năm 2020, Bộ TT&TT đã có văn bản số 1178/BTTTT-THH ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (Phiên bản 1.0); đến 2019 đã có Quyết định 2323 ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ký ban hành ngày 31/12/2019.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1072/ QĐ-TTg ngày 28/8/2018 thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, theo đó, Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.
Thực tế, xây dựng chính phủ điện tử thời gian qua đã đem lại một số kết quả nhất định: Năm 2018, theo xếp hạng về Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc năm 2018, Việt Nam đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 6/11 khu vực Đông Nam Á. Và đến năm 2020, Việt Nam có vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, tăng hai bậc so với năm 2018. Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014 - 2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86.
Một số hạn chế, bất cập còn tồn tại
Hạn chế về năng lực CNTT trong quản lý hành chính
Vấn đề hạ tầng về CNTT để triển khai chính phủ điện tử còn nhiều hạn chế. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính Nhà nước cũng như quy định về cơ chế tích hợp, chia sẻ dữ liệu còn thiếu; thói quen cát cứ dữ liệu còn tồn tại ở nhiều cơ quan [6]. Cùng với đó, thói quen giao dịch bằng giấy tờ của người dân chưa ngay lập tức thay đổi được, nhiều người dân gặp khó khăn khi sử dụng hệ thống giao dịch điện tử, dẫn đến việc xây dựng Chính phủ điện tử chưa đạt được thành công như kỳ vọng.
Chưa gắn kết đầy đủ giữa thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử với cải cách TTHC
Thực tế vận hành Chính phủ điện tử trong thời gian qua cho thấy, số lượng dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến còn ít. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Người dân, doanh nghiệp vẫn còn phàn nàn, kêu ca về sự quan liêu, nhũng nhiễu, lợi ích nhóm của một số cán bộ, công chức khi thi hành công vụ. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa áp dụng đầy đủ chữ ký số cá nhân trong xử lý văn bản điện tử, làm phát sinh công việc cho đội ngũ văn thư khi phải thực hiện thêm các bước scan văn bản ký trực tiếp, đưa vào hệ thống, sau đó mới thực hiện ký số tổ chức và phát hành.
Việc ứng dụng CNTT tại nhiều địa phương hiện vẫn còn một số hạn chế như: Nhận thức của một số đơn vị, cán bộ công chức về việc triển khai ứng dụng CNTT chưa cao, nhân lực CNTT còn thiếu và yếu. Thêm vào đó việc tích hợp, trao đổi thông tin giữa hệ thống dịch vụ công trực tuyến của địa phương với các bộ, ngành cũng chưa theo một chuẩn thống nhất [9].
Thiếu khung pháp lý đồng bộ về Chính phủ điện tử
Dù hành lang pháp lý trong ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử đã dần được thiết lập; một số cơ sở dữ liệu mang tính chất nền tảng đã dần đi vào hoạt động (cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, dân cư,…); nhiều TTHC đã được vận hành trong quản lý hành chính tại cả Trung ương và địa phương, tuy nhiên, nhận định một cách tổng quan thì việc triển khai Chính phủ điện tử chưa đạt được kỳ vọng như mong muốn. Khung pháp lý về Chính phủ điện tử còn thiếu, mà cụ thể ở đây là thiếu quy định cụ thể về xác thực cá nhân, tổ chức trong các giao dịch điện tử cũng như các quy định pháp lý về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong giao dịch hành chính và thanh toán [6].
Một số khuyến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hành chính
Cần gắn kết với cải cách TTHC
Chính phủ điện tử được coi là phương tiện quan trọng để đạt được mục tiêu của cải cách hành chính ở Việt Nam [10]. Gắn kết việc xây dựng Chính phủ điện tử với cải cách TTHC thì mới có thể nâng cao hiệu quả quản lý hành chính. Việc gắn kết thể hiện ở việc phải đồng bộ nâng cao cơ sở hạ tầng thông tin, năng lực CNTT của cán bộ, công chức và cải tiến TTHC phù hợp với giao dịch điện tử. Cơ sở hạ tầng thông tin không chỉ dừng ở thiết bị, máy móc mà còn là việc liên thông, quản lý các cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo tương thích và thông suốt với tổ chức. Hiện nay, khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 được ký ban hành ngày 31/12/2019, đây là cơ sở quan trọng để đồng bộ hóa giữa cơ sở hạ tầng thông tin, tiêu chuẩn công nghệ thông tin của cán bộ vận hành và xây dựng quy trình thủ tục phù hợp.
Gắn kết với cải cách TTHC còn thể hiện ở việc đẩy nhanh việc số hóa các TTHC, cung cấp các dịch vụ công, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường số giữa Chính phủ với các doanh nghiệp và người dân.
(Ảnh minh họa: Internet)
Nâng cao năng lực trong hoạt động quản lý hành chính của cán bộ, công chức
Trong bất cứ một hệ thống nào, thì con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định hiệu quả của hệ thống. Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (3) chỉ rõ, điều quan trọng hàng đầu là nhận thức của tất cả mọi người, thường là phải vượt qua tâm lý ngại dùng công nghệ hiện đại sẽ làm mất quyền kiểm soát bộ máy, công việc. Cái ngại nữa là một bộ phận ngại công khai, minh bạch, nếu ứng dụng CNTT vào điều hành, sẽ làm mình bị giám sát. Đối với bộ phận kỹ thuật, theo Phó Thủ tướng, cần khắc phục tâm lý cục bộ, không chịu liên thông, chia sẻ dữ liệu; cũng như tâm lý muốn tự mình làm hết, từ mua máy tính đến phần mềm khi triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, Chính phủ cần thường xuyên tổ chức các khóa học về hành chính công hiện đại để họ có được sự thành thục các kỹ năng làm việc trong Chính phủ điện tử. Sau khi được đào tạo, bồi dưỡng, họ phải cam kết thay đổi cách thức làm việc theo quy chuẩn mà Chính phủ điện tử yêu cầu.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý về Chính phủ điện tử
Vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin luôn là vấn đề quan trọng trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử. Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn còn khoảng trống đối với những quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của cơ quan Nhà nước; còn thiếu các chuẩn đánh giá cụ thể đối với Chính phủ điện tử trong từng lĩnh vực quản lý; thiếu cơ chế tài chính và đầu tư phù hợp; thiếu quy định cụ thể về định danh, xác thực cá nhân, tổ chức trong giao dịch điện tử [2];… Hay nói cách khác, Chính phủ điện tử làm phát sinh nhiều quan hệ xã hội mới mà chưa được pháp luật điều chỉnh. Do đó, cần sớm ban hành các nghị định về chia sẻ dữ liệu; bảo vệ dữ liệu cá nhân; xác thực điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân; chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính Nhà nước. Cần nhanh chóng đề xuất và xây dựng Luật Chính phủ điện tử và các văn bản hướng dẫn, đảm bảo hành lang pháp lý cho Chính phủ điện tử.
Việc hoàn thiện hành lang pháp lý để triển khai Chính phủ điện tử hiệu quả, tăng cường sự cởi mở, tính minh bạch và độ tin cậy của chính phủ, ngày càng có nhiều thông tin được cung cấp cho người dân, người dân ngày càng có thể tham gia nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách tổng thể. Đây còn là sự thể hiện của dân chủ số.
Tài liệu tham khảo:
[1] “Chính phủ điện tử (Electronic government) là gì?,” vietnambiz.vn, 2019. https:// vietnambiz.vn/chinh-phu-dien-tu-electronic-government-la-gi-20191211093654154.htm (accessed Apr. 07, 2021).
[2] P. B. Đằng, “Phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0,” Tạp chí Tài chính, 2020, Accessed: Apr. 07, 2021. [Online]. Available: https:// tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/phat-trien-chinh-phu-dien-tu-o-viet-nam-trong-boicanh-cach-mang-cong-nghiep-40-329075.html.
[3] N. Y. Lee, “Ứng dụng Chính phủ điện tử,” in Bộ giáo trình những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông cho lãnh đạo trong cơ quan nhà nước, APCICT, pp. 1–106.
[4] B. TT&TT, Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, vol. 0. 2015.
[5] N. V. Thành, “Vai trò của Chính phủ điện tử trong quá trình xây dựng nền kinh tế số Việt Nam,” Tạp chí Công Thương, 2020, Accessed: Apr. 07, 2021. [Online]. Available: http:// tapchicongthuong.vn/bai-viet/vai-tro-cua-chinh-phu-dien-tu-trong-qua-trinh-xay-dungnen-kinh-te-so-viet-nam-74778.htm.
[6] N. T. Can, “Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới hoạt động quản lý nhà nước minh bạch, hiệu lực, hiệu quả,” tcnn.vn, 2019. https://tcnn.vn/news/detail/42915/Phat-trien-chinhphu-dien-tu-huong-toi-hoat-dong-quan-ly-nha-nuoc-minh-bach-hieu-luc-hieu-qua.html (accessed Apr. 07, 2021).
[7] H. Thắng, “Đẩy mạnh số hoá quản lý điều hành theo Chính phủ điện tử trong DNNN,” baochinhphu.vn, 2019. http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Day-manh-so-hoaquan-ly-dieu-hanh-theo-Chinh-phu-dien-tu-trong-DNNN/372698.vgp (accessed Apr. 07, 2021).
[8] N. M. Phong, “Lợi ích từ cải cách hành chính và Chính phủ điện tử ” baokiemtoannhanuoc. vn, 2020. http://baokiemtoannhanuoc.vn/goc-nhin-chuyen-gia/loi-ich-tu-cai-cach-hanhchinh-va-chinh-phu-dien-tu-146016 (accessed Apr. 07, 2021).
[9] L. Hà, “Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử,” nhandan.com.vn, 2017. https:// nhandan.com.vn/an-ninh-xa-hoi/xay-dung-va-phat-trien-chinh-phu-dien-tu-302682/ (accessed Apr. 07, 2021).
[10] T. T. M. Tuyết, “Xây dựng Chính phủ điện tử - Bước phát triển tất yếu trong quá trình cải cách hành chính,” tcnn.vn, 2018. https://tcnn.vn/news/detail/40699/Xay_dung_chinh_ phu_dien_tu_Buoc_phat_trien_tat_yeu_trong_qua_trinh_cai_cach_hanh_chinhall.html (accessed Apr. 07, 2021).
[11]. Khảo sát về Chính phủ Điện tử của Liên Hợp Quốc hoặc tải xuống các bản sao của cuộc khảo sát hàng năm (2004, 2005, 2008, 2010, 2012, 2014, 2016, 2018 và 2020
[12]. Ban hành kèm theo Văn bản số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông
[13]. https://cloudoffice.com.vn/tin-tuc-su-kien/chi-so-phat-trien-chinh-phu-dien-tu-cua-viet-nam-con-nhieu-han-che
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2021)
TIN LIÊN QUAN
Mở trung tâm hợp tác CNTT Việt Nam-Hàn Quốc tại Hà Nội
Ngày 13-11, Cục Xúc tiến thương mại và Thông tin truyền thông Hàn Quốc đã mở Trung tâm hợp tác công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam-Hàn Quốc tại tầng 25 tòa nhà Landmark, 72 Phạm Hùng, Hà Nội.
Ngành Thuế đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT
Tính đến hết tháng 4/2021, ngành Thuế đã có 32 thủ tục hành chính TTHC đạt mức 3 và 150 TTHC đạt mức 4. Trong đó, tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đều có giải pháp xác thực điện tử bằng hình thức chữ ký số trên hồ sơ khai thuế, nộp
Tăng cường các giải pháp CNTT đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử
Hóa đơn điện tử HĐĐT được coi là một giải pháp số mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp DN, cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời, phù hợp trong xu hướng phát triển tất yếu của hệ thống thương mại điện tử ngày nay.
Tiền Giang: Cải cách hành chính và ứng dụng CNTT để phục vụ người dân tốt hơn
Trong những năm trở lại đây, Tiền Giang là một trong những tỉnh nằm trong tốp 10 của cả nước về chỉ số Sẵn sàng ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông ICT Index. Tiền Giang đã và đang từng bước hoàn thiện nền tảng xây
Tên miền quốc gia ".vn" đồng hành cùng Thái Nguyên phát triển kinh tế số
Cổng đăng ký tên miền .vn tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ https//tnict.vn vừa chính thức hoạt động từ ngày 1/9/2021.
Sự sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở mức thấp
Mỗi báo cáo sẽ nhìn nhận con đường chuyển đổi số Việt Nam dưới một góc nhìn khác nhau. Nhưng các con đường rồi cũng sẽ dẫn đến một điểm chung, đó là một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Nhân lực công nghệ thông tin: Bao giờ hết “giật gấu vá vai”
Thừa Thiên Huế hiện đang rất cần nguồn nhân lực công nghệ thông tin CNTT chất lượng cao để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng thực tế, cung - cầu trong đào tạo nhân lực chưa gặp nhau và sự phát triển nhân lực CNTT không như kỳ
Trên nền tảng CNTT, quyết tâm triển khai hỗ trợ người lao động, DN bị ảnh hưởng COVID-19 trong 1,5 tháng
Gói hỗ trợ này tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới đời sống của người lao động NLĐ đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, thể hiện rõ tính nhân văn, nhân đạo của chính sách bảo hiểm thất nghiệp BHTN.
THỦ THUẬT HAY
Hướng dẫn lưu toàn bộ trang web về iPhone theo định dạng PDF
Thủ thuật này thực hiện hoàn toàn trên hệ điều hành iOS mà không cần đến ứng dụng bên thứ 3 nào. Kể từ iOS 11, Apple đã cung cấp cho hệ điều hành iOS ứng dụng quản lý tệp có tên “Files”. Nhờ ứng dụng này mà chúng ta có
Hướng dẫn dùng Photoshop CS6(Phần 1): Tạo ảnh kỹ thuật số
Bài viết này sẽ hướng dẫn các bạn các bước để chuyển một bức ảnh thường thành một bức ảnh thời trang bắt mắt sử dụng hiệu ứng ánh sáng và hiệu chỉnh màu sắc trong Adobe Photoshop CS6.
Hướng dẫn cách kích hoạt USB Restricted Mode trên iPhone, iPad
iOS 11.4.1 vừa mới ra mắt cách đây vài ngày đã khắc phục nhiều lỗi nhỏ và có cải tiến đáng kể về bảo mật. Nổi bật trong đó chính là chế độ hạn chế quyền truy cập USB.
Cách tắt thông báo Update Link trên Excel
Khi file Excel lấy từ nhiều nguồn khác nhau bạn sẽ thường gặp thông báo yêu cầu update link khá khó chịu.
Cách sửa lỗi “You do not have sufficient access to uninstall”, lỗi gỡ bỏ phần mềm
Đã bao giờ khi gỡ bỏ phần mềm, ứng dụng bất kỳ trên máy tính Windows, bạn nhận được thông báo lỗi “You do not have sufficient access to uninstall”. Nếu có thì bạn đã tìm đúng chìa khóa rồi đó. Dưới đây là 4 cách sửa
ĐÁNH GIÁ NHANH
Dell Vostro 15 3578 (I7-8550U): Sự lựa chọn tốt nhất cho doanh nhân và doanh nghiệp nhỏ
Dell Vostro 15 3578 sử dụng chất liệu nhựa tổng hợp màu đen. Logo “Dell” được đặt trên lớp phủ ngoài không lóa có bề mặt được đánh bóng. Thiết kế này làm nổi bật logo nhà sản xuất, làm cho nó trông phong cách hơn. Nhìn
Đánh giá Galaxy S7 chính hãng: Vẫn là lựa chọn đáng tiền hiện nay
Galaxy S7 chính hãng sở hữu ngôn ngữ thiết kế vừa quen vừa lạ. Quen ở đây là tương tự với các dòng điện thoại trước, nhưng được thêm một số điểm khác giúp hoàn thiện hơn – đó là lạ. Cụ thể ở mặt trước, mặt kính đi kèm
Đánh giá camera Xiaomi Redmi 5 Plus: bước tiến lớn so với những thế hệ trước
Chỉ riêng với thiết kế màn hình tràn viền, hiệu năng tốt và viên pin dung lượng “khủng” thì Xiaomi Redmi 5 Plus đã được rất nhiều người dùng yêu thích rồi.