Văn phòng Đối ngoại, Thịnh vượng chung và Phát triển của Vương quốc Anh được ủy quyền nghiên cứu bổ sung cho Chương trình thành phố tương lai toàn cầu (GFCP) vừa hoàn thiện, ban hành 'Sổ tay thành phố thông minh Việt Nam'. Đây tài liệu được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh, Bộ Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh định hướng phát triển dưới sự hỗ trợ của Bộ TT&TT.
Phát triển ĐTTM giúp chuẩn hóa kế hoạch triển khai để phù hợp với định hướng phát triển chung của quốc gia
Nhấn mạnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của tài liệu, ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam nhấn mạnh, Vương quốc Anh mong muốn được cung cấp thông tin về môi trường TPTM tại Việt Nam, đưa ra các khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan về các chuyên môn của Vương quốc Anh trong giải quyết các vấn đề đô thị thông qua chuyển đổi số (CĐS) và đổi mới sáng tạo. Tài liệu này được đúc kết từ nhiều ý kiến và chiến lược của các cơ quan đi đầu, quan chức chính phủ và các lãnh đạo cấp, ngành.
'Vương quốc Anh đã và đang phối hợp chặt chẽ với Việt Nam nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng và xây dựng các hệ thống kiên cường đi cùng tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh chóng của đô thị lớn ở Việt Nam', ông Gareth Ward khẳng định.
Cũng theo vị Đại sứ, tài liệu này có giá trị truyền cảm hứng trong việc xây dựng môi trường chính sách bền vững và mạnh mẽ phục vụ tăng trưởng đô thị. Đây là vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết. Trân trọng cám ơn tất cả những cá nhân đã đóng góp.
Đưa ra quan điểm dự báo, Đại sứ Gareth Ward cho rằng, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, khi nhiệt độ trái đất tăng 2oC sẽ khiến cho 40% diện tích khu vực đồng bằng sông Cửu Long chịu ngập và ảnh hưởng đến 17 triệu sinh kế, do đó về lâu, dài vai trò của quy hoạch đô thị, xây dựng thành phố bền vững là đặc biệt quan trọng, quyết định, đảm bảo tạo nên sự thành công, phát triển.
'Năm 2020, là năm cột mốc kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược về hợp tác song phương giữa hai nước, đồng thời, hai nước đã ký Hiệp định Thương mại tự do… đây sẽ là cơ sở, niềm tin vững bền cho sự phát triển, bao gồm các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, CĐS và phát triển cơ sở hạ tầng bền vững', Đại sứ Gareth Ward khẳng định.
Nhân sự kiện ra mắt tài liệu, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng hoan nghênh đại diện Chính phủ Vương quốc Anh tại Việt Nam và nhóm làm việc đã biên soạn, phát hành Sổ tay TPTM Việt Nam.
Năm 2021 là cột mốc mở đầu cho giai đoạn mới nhiều hứa hẹn nhưng cũng đầy thách thức. Tốc độ Đô thị hóa nhanh làm nảy sinh nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, đặc biệt là sự quá tải cơ sở hạ tầng và tác động tiêu cực đến môi trường.
Phát triển TPTM là một xu thế tất yếu nhưng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và các cơ quan khác nhau, cùng hướng tới sự phát triển bền vững và đồng bộ. Bên cạnh đó, Viêt Nam cũng rất chú trọng đến yếu tố bản sắc riêng trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tiễn.
Với vai trò dẫn dắt các địa phương trong phát triển ICT, Bộ TT&TT coi phát triển ĐTTM bền vững như một trong những nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia và cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã đồng hành với hơn 40 địa phương trong việc nghiên cứu và định hướng phát triển ĐTTM, giúp chuẩn hóa kế hoạch triển khai để phù hợp với định hướng phát triển chung của quốc gia.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng chính sách, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các dịch vụ ĐTTM, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường sự tham gia hợp tác của cộng đồng quốc tế và khối tư nhân, dành nhiều ưu đãi để thu hút hợp tác và đầu tư trong lĩnh vực này.
'Sổ tay TPTM Việt Nam không chỉ là tài liệu hữu ích cho Vương quốc Anh nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về TPTM tại Việt Nam và mở đường cho các cơ hội thương mại đầu tư tươi sáng giữa Vương quốc Anh và Việt Nam trong tương lai', Thứ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Chia sẻ 12 giải pháp để Việt Nam có thể áp dụng
Cụ thể, Tài liệu gồm 04 Chương với 197 trang: Chương I (Cơ hội cho các TPTM); Chương II (TPTM Việt Nam); Chương III (Dự án nổi bật); Chương IV (Các kinh nghiệm thực tiễn từ Vương quốc Anh).
Các thông tin, nội dung trong tài liệu được trình bày dễ đọc, dễ hiểu giúp các nhà lãnh đạo thành phố, các nhà lập kế hoạch trong việc ra quyết định về CĐS ở các thành phố; gúp các công ty tư nhân và các nhà cung cấp dịch vụ nó có thể xác định các cơ hội bằng cách dự đoán nhu cầu trong tương lai của người dùng thành phố; giúp các công dân chia sẻ mong muốn, định hình nhu cầu, truyền cảm hứng ý tưởng.
Đặc biệt, Sổ tay cung cấp cho người dân những thông tin cơ bản; hỗ trợ tư duy phản biện trong quá trình lập chiến lược và lập kế hoạch; xây dựng một lộ trình linh hoạt phù hợp, đáp ứng các nhu cầu của mỗi người…
TPTM/ĐTTM luôn cần các công nghệ số đột phá
Đồng thời, Sổ tay còn mang đến những kinh nghiệm thực tế, những thành công về phát triển các TPTM của Vương quốc Anh (London, Oxford, Manchester, Bristol, West Midlands) như kinh nghiệm quản trị kiểu mô hình và dữ liệu mở; sử dụng nguyên lý cách tiếp cận dựa trên kết quả để thực hiện đổi mới; mở rộng quy mô ứng dụng các TPTM dựa trên tích hợp và an ninh mạng, thử nghiệm 5G tiên tiến cho sản xuất, vận tải...
Không chỉ chia sẻ cụ thể về các mô hình đã thành công, Sổ tay còn nêu ra 12 giải pháp mà Việt Nam có thể lấy cảm hứng để thúc đẩy, áp dụng, phát triển TPTM như: Phát triển thêm các tiêu chuẩn kỹ thuật về TPTM; chuyển hướng đến chiến lược an ninh mạng tiếp cận toàn diện; quy trình công nghệ phối hợp; kết hợp chiến lược cấp quốc gia với việc thực hiện tại địa phương; nâng cấp khung pháp lý để bảo vệ và đơn giản hóa; dịch vụ giao hàng kỹ thuật số khu vực công tập trung và đơn giản hóa; đảm bảo cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số…
Ban biên soạn ấn phẩm cho biết: 'Sổ tay TPTM Việt Nam' sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự đóng góp quý báu từ các bên liên quan của Việt Nam và Vương Quốc Anh, bao gồm cả chính quyền địa phương và quốc gia, các tổ chức tư nhân, tổ chức giáo giục và các hiệp hội…'.