Yêu cầu thay đổi để theo kịp sự phát triển của thời đại
Đại dịch COVID-19 và CMCN 4.0 được coi là 'cú sốc kép' đối với thị trường lao động toàn cầu, gây đứt gãy thị trường lao động, gia tăng thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội, nhất là đối với lực lượng lao động trẻ.
Mặt khác, hai cú sốc này đã và đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc làm và kỹ năng nhằm thích ứng với những điều chỉnh mang tính cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu. Việc làm bị mất đi trong những ngành công nghiệp cũ đã lạc hậu dự báo sẽ được thay thế bằng việc làm mới trong những ngành kinh tế xanh, công nghiệp sáng tạo đang ngày càng phát triển.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số.
Robot hóa và tự động hóa sẽ thay đổi thị trường việc làm. (Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)
Dịch chuyển xu hướng trong nhu cầu việc làm cũng như kỹ năng số mà các nhà tuyển dụng kỳ vọng đối với các lực lượng lao động trẻ trong tương lai đã dẫn đến thay đổi trong nhu cầu về đào tạo các kỹ năng cho người lao động và đặc biệt là các bạn trẻ.
Theo đánh giá về thiếu hụt kỹ năng nghề của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nghiên cứu cùng với Viện Nghiên cứu phát triển Mê Kông năm 2020 cho thấy các bạn trẻ còn khá mơ hồ về các kỹ năng cần thiết trong thời kỳ cách mạng số, CĐS. Khi được hỏi về khái niệm kỹ năng số thì các bạn mới chỉ đưa ra được một số kỹ năng cơ bản như kỹ năng kết nối Internet, mạng xã hội, kỹ năng máy tính cơ bản.
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nếu lực lượng lao động trẻ không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như trang bị cho mình những kỹ năng số cần thiết thì sẽ rất khó khăn trong việc gia nhập lực lượng lao động 4.0.
Hiểu được điều này, mới đây, VCCI cùng UNICEF Việt Nam và các đối tác đã thực hiện đối thoại 'Chung tay nâng cao kỹ năng số cho các bạn trẻ trong tương lai'. Trong đối thoại này, khi chia sẻ về vấn đề làm thế nào để chúng ta có thể thu hẹp thiếu hụt trong kỹ năng nghề nghiệp cho giới trẻ, ông Vincenzo Vinci, Trưởng phòng Chính sách và Quản trị xã hội - UNICEF Việt Nam cho biết, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên được dẫn đầu bởi những công nghệ mới nhất. Công nghệ có thể thay đổi thế giới, do đó chúng ta cần phải có những kỹ năng phù hợp để có thể đáp ứng được với một thế giới luôn luôn thay đổi nhanh chóng đó.
Phát triển kỹ năng số để đáp ứng nhu cầu công việc trong tương lai
Hòa chung xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ của thời đại số, các DN ngày càng kỳ vọng nhiều hơn về kỹ năng chuyển đổi của lực lượng lao động trẻ trong tương lai. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 cũng cho thấy sự cần thiết phải phát triển các kỹ năng số để xây dựng khả năng chống chịu với những cú sốc và cả những thay đổi trong cuộc sống cũng như là kinh tế giúp họ vững vàng và có tính cạnh tranh hơn trong thế giới hậu COVID-19.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Phan Thị Hoài Phương, Ban Công nghệ - Tập đoàn VNPT cho biết, ở Việt Nam, kỹ năng số mới được bạn trẻ hiểu ở mức là kỹ năng kết nối Internet, sử dụng mạng xã hội hay kỹ năng sử dụng máy tính. Thực ra, nếu như trong bối cảnh ở Việt Nam thì suy nghĩ này cũng không sai nhưng quan trọng là các em kết nối mạng, sử dụng mạng xã hội, sử dụng máy tính để làm gì? Mục tiêu và cách thức sử dụng chúng ra sao?
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, nếu các bạn trẻ không trang bị cho mình những kỹ năng số cần thiết thì sẽ rất khó khăn trong việc gia nhập lực lượng lao động 4.0. (Ảnh minh họa: Internet)
Trên thực tế, xã hội cần những kỹ năng số nào thì DN cũng cần những kỹ năng số đó. Cụ thể, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) có đưa 5 kỹ năng số cơ bản mà nhân viên cần có để có thể tồn tại và phát triển trong thị trường lao động.
Kỹ năng giao tiếp (như tạo hòm thư, gửi thư hoặc tham gia các mạng xã hội…): Đây là những kỹ năng phổ biến với thế hệ Z ở Việt Nam. Các em có thể dùng thành thạo, cùng một lúc sở hữu rất nhiều tài khoản của các nền tảng khác nhau như Google, Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok… Tuy nhiên, vấn đề chính đặt ra ở đây là nếu để các em soạn một bức thư nghiêm túc và đầy đủ thông tin thì có lẽ không phải bạn nào cũng có thể làm được. Đây là một kỹ năng tuy đơn giản nhưng đâu đó vẫn chưa hoàn thiện.
Khả năng nhận thức về độ tin cậy trên mạng: Internet là một kho dữ liệu khổng lồ và chúng ta có thể tìm thấy mọi thứ trên đó. Thông tin trên môi trường mạng là vô tận nhưng không phải mọi thứ chúng ta tìm được đều có độ tin cậy nhất định. Do đó, các bạn trẻ ngày nay cần phải tự rèn luyện kỹ năng đâu là nguồn thông tin chính thống, đâu là nguồn thông tin có thể tin cậy được. Kỹ năng này phải rèn luyện hằng ngày và chính các em phải được rèn luyện từ rất sớm để có thể tự tin tìm được nguồn thông tin chính thống cho mình.
Kỹ năng giao dịch trên mạng: Như chúng ta đã thấy, với đại dịch COVID-19, tất cả mọi thứ đều được chuyển sang giao dịch trên mạng. Việc mua sắm, sử dụng dịch vụ, khai báo các mẫu điện tử hay là thanh toán qua mạng đã gia tăng nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, kỹ năng giao dịch trên mạng là một trong những kỹ năng quan trọng mà chúng ta cần phải hoàn thiện. Bởi vì khi giao dịch trên mạng có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra.
Kỹ năng tìm kiếm các giải pháp trên mạng: Các bạn trẻ sử dụng Internet và mạng xã hội rất nhiều nhưng việc các em đã biết cách tự chủ động tìm kiếm các cách giải quyết vấn đề hay chưa lại là một câu chuyện khác. Điều quan trọng, các em phải có sự thay đổi trong suy nghĩ cũng như phương thức hành động của mình đó là phải có niềm tin vào bản thân có thể giải quyết được vấn đề. Từ đó tìm những tài liệu, những phương thức trên mạng để tham khảo và tìm ra những giải pháp hợp lý cho mình.
Kỹ năng an toàn là một trong những kỹ năng cực kỳ quan trọng trong xã hội số. Câu hỏi được đặt ra là chúng ta phải làm gì để an toàn trên không gian mạng? Ngoài việc biết lưu trữ những thông tin một cách an toàn thì chúng ta còn phải tìm hiểu các quy định để có thể ngăn ngừa việc người khác xâm phạm các thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, là một công dân thì chúng ta cũng cần nắm được và tuân thủ đúng các quy định về luật an toàn không gian mạng.
Đây là 5 kỹ năng cơ bản nhất mà các bạn trẻ đều cần phải có trong một xã hội số phát triển. Còn đối với các kỹ năng số nâng cao, theo bà Hoài Phương, nếu các bạn trẻ có thể trang bị được cho mình một trong những kỹ năng số nâng cao thì các DN sẽ tự chủ động tìm đến, chứ các bạn không cần tìm đến công việc.
(Ảnh minh họa: Dantri.com.vn)
Đặc biệt, chia sẻ về những kỹ năng số nâng cao này, ông Lâm Việt Tùng, chuyên gia CNTT - Viễn thông cho Vodafone Ziggo (Hà Lan) cho biết, luôn tìm hiểu, học hỏi về công nghệ số mới là những kỹ năng quan trọng mà người lao động cần có trong thời đại luôn luôn thay đổi nhanh chóng. 'Những điều chúng ta nói hôm nay có thể ngày mai đã trở thành lạc hậu. Do đó, người lao động cũng cần phải thích ứng và luôn suy nghĩ theo hướng sáng tạo để có thể tạo ra những sáng kiến tốt hơn'.
Bên cạnh những 'kỹ năng số mềm' thì người lao động cũng cần trang bị cho mình những 'kỹ năng số cứng' về các công nghệ như IoT, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn… vì khả năng ứng dụng rộng rãi của những công nghệ này trong quá trình CĐS.
Chẳng hạn như blockchain có thể được sử dụng trong nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc. Với AI, ML, khi có nhiều dữ liệu thì chúng ta có thể phân tích các phương trình, thử nghiệm các sản phẩm… Hay như lĩnh vực lập trình vẫn cần nhiều lập trình viên web, lập trình viên trên ứng dụng (app). Thực tế cho thấy ở các công ty lớn thì có đến 85% vẫn là lập trình web, điều đó có nghĩa là kỹ năng web cũng là một trong những kỹ năng cần thiết mà các DN cần.
Trên thực tế, rất nhiều công nghệ được các DN ứng dụng mạnh mẽ trong quá trình sản xuất, quản lý dự án, quản lý sản phẩm, quản lý quy trình kinh doanh, tiếp thị số, phân tích và khai thác dữ liệu… nhằm giúp cho mọi quá trình hoạt động nhanh và hiệu quả hơn. Điều này, đòi hỏi người lao động cần phải có những kỹ năng nhất định về các lĩnh vực này để có thể đáp ứng được các yêu cầu của thời đại.
Thu thập dữ liệu kịp thời từ mạng lưới hơn 660 triệu chuyên gia và hơn 20 triệu việc làm, Linkedin cũng đã đưa ra một số kỹ năng được các DN yêu cầu nhiều nhất năm 2020. Cụ thể với kỹ năng mềm bao gồm: sáng tạo, thuyết phục, hợp tác, hhả năng thích ứng và trí tuệ cảm xúc.
Các kỹ năng cứng bao gồm: Blockchain, điện toán đám mây, phân tích lý luận, trí tuệ nhân tạo, thiết kế UX, phân tích kinh doanh, quảng cáo liên kết, bán hàng, tin học khoa học, sản xuất video.
Theo ông Lâm Việt Tùng, điều quan trọng là từ công việc cụ thể của bản thân, người lao động phải xem xét kỹ năng số nào là phù hợp nhất với khả năng của mình, từ đó tập trung phát triển những kỹ năng đó để phục vụ tốt cho công việc của mình.
Nhấn mạnh vai trò của tiếng Anh trong việc phát triển và nâng cao kỹ năng số, ông Lâm Việt Tùng cho biết, để có thể học hỏi và cập nhật các công nghệ mới nhất từ Internet thì việc đầu tiên các bạn trẻ cần cải thiện đó chính là khả năng tiếng Anh. Đây có thể coi là điều kiện cơ bản để các bạn trẻ có thể tiếp cận và nâng cao các kỹ năng số mới của bản thân.
Nền tảng hỗ trợ nâng cao kỹ năng số
Thời gian vừa qua, nhằm nâng cao kỹ năng số cho người lao động, đặc biệt hướng đến đối tượng là lao động nữ di cư, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã phối hợp với Tập đoàn Microsoft triển khai Dự án tăng cường cơ hội tiếp cận cho lao động trẻ Việt Nam từ 16 - 35 tuổi với các khóa học trực tuyến trên nền tảng www.congdanso.edu.vn thuộc dự án 'Tăng cường cơ hội tiếp cận đào tạo kỹ năng số cho lao động trẻ tại Việt Nam' giai đoạn 2020 – 2021.
Trong giai đoạn thí điểm, nền tảng hướng đến 3.000 lao động di cư và sinh viên học nghề tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, với nhu cầu được đào tạo kỹ năng số trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường lao động trong kỷ nguyên CMCN 4.0. Đây là những tỉnh có khu công nghiệp tập trung lớn ở Việt Nam và có số lượng lao động di cư làm công nhân trong các khu công nghiệp này chiếm phần lớn, với 60 - 70% người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp ở 3 tỉnh này là đến từ các tỉnh thành khác.
Theo bà Lê Thị Bình - cán bộ chương trình quốc gia, IOM Việt Nam, nền tảng congdanso.edu.vn đã xác định, định danh người sử dụng và học trên nền tảng là những người có khả năng về công nghệ số ít nhất trong xã hội. Do vậy nền tảng được thiết kế để người học dễ dàng truy cập, dễ dàng thao tác và dễ dàng học tập nhất.
IOM đã bắt đầu triển khai khóa học đầu tiên là Chương trình Kỹ năng số cơ bản (Digital Literacy) do Microsoft hỗ trợ. Đây là khóa phổ cập kỹ năng số cơ bản nhất cho tất cả mọi người bao gồm 6 khóa học thành phần, cung cấp kiến thức về máy tính cơ bản, cách sử dụng Internet và các ứng dụng trên máy tính, cách an toàn và bảo mật trực tuyến.
Khi hoàn thành hóa học, người học sẽ có những kỹ năng cần thiết để có thể bắt đầu sử dụng máy tính một cách tự tin, hiệu quả và an toàn trực tuyến, đồng thời sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học sau khi học xong các học phần và vượt qua bài kiểm tra kiến thức. Chứng nhận hoàn thành khóa học do Microsoft Việt Nam và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp công nhận.
Theo bà Lê Thị Bình, mặc dù đây là nền tảng dành cho tất cả mọi người nhưng IOM mong muốn dự án có thể hướng tới được đông đảo đội ngũ lao động để nhằm mục đích nâng cao kỹ năng số cơ bản nhất giúp họ có thể tận hưởng tối đa lợi ích của công cuộc CĐS quốc gia.
Đặc biệt, là một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng số, bà Hoài Phương cũng chia sẻ mong muốn: 'Trong tương lai, hy vọng với kinh nghiệm của mình, chúng tôi sẽ có thể tham gia nhiều hơn vào các chương trình hỗ trợ cho các bạn trẻ nâng cao kỹ năng CĐS và nâng cao từ sớm'./.