Quy trình xác thực kiểm tra y tế với thiết bị CLi-SmartEyes
Thiết bị do PGS.TS Phạm Hồng Quang, nguyên Giám đốc Trung tâm Tin học và Tính toán, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng cộng sự nghiên cứu, chế tạo.Hệ thống kiểm soát y tế thông minh CLi-SmartEyes được lắp đặt tại chợ Hàng Da (Hà Nội)Việc kiểm tra y tế được ghi nhận với thông tin khai báo y tế và hình ảnh
Theo chia sẻ của PGS.TS Phạm Hồng Quang, nhóm nghiên cứu thiết kế và sản xuất CLi-SmartEyes bao gồm hơn 20 kỹ sư công nghệ thông tin có kinh nghiệm lâu năm và nhiều sản phẩm đã triển khai trong các lĩnh vực quản lý thành phố thông minh và giao thông thông minh.
Từ cuối năm 2020, khi nhận thức được đại dịch ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội của người dân, phát huy thế mạnh sẵn có, nhóm đã bắt đầu thiết kế phần cứng, viết phần mềm và sản xuất thử nghiệm thiết bị CLi-SmartEyes - một thiết bị chuyên dụng tự động kiểm tra thân nhiệt và quét mã QR khai báo y tế. Qua nhiều lần thử nghiệm, nâng cấp, đến giữa tháng 8/2021, sản phẩm đã hoàn thiện để ứng dụng.
Thay người trực chốt
Theo PGS.TS Phạm Hồng Quang, để mở cửa phát triển kinh tế, sống chung với dịch COVID-19, việc kiểm soát chặt chẽ các điểm công cộng là cần thiết. Tính toán sơ bộ của Bộ Y tế cho thấy có khoảng 6,5 triệu cơ sở dự kiến triển khai kiểm tra đầu đọc mã y tế cá nhân khi tiến hành mở cửa, bao gồm các cơ quan Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, tòa án, các cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện, xã, các doanh nghiệp, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, bến tàu xe, khu chung cư… Nếu sử dụng nhân lực để kiểm soát thì sẽ cần tương ứng ít nhất 6,5 triệu lao động.
Các giải pháp ứng dụng kiểm tra mã QR bằng máy tính, thiết bị đọc mã QR cầm tay, máy đo nhiệt độ trán thủ công, màn hình hiển thị thông tin khai báo cá nhân đã được triển khai tại các chốt phòng, chống dịch khắp trên cả nước. Tuy các giải pháp này đã thể hiện được tính hiệu quả để góp phần đẩy lùi đại dịch nhưng cũng đang tồn tại hàng loạt các bất cập do tốc độ kiểm tra chậm dẫn đến ùn tắc; kiểm tra thủ công đòi hỏi nhiều người đứng ở chốt, gây ra nguy cơ lây nhiễm chéo…
Những bài toán này sẽ được giải quyết bằng “Mắt thông minh”. Thay vì phải có người trực chốt, đo thân nhiệt, quét mã QR… thì CLi-SmartEyes không cần người vận hành. Thiết bị khá nhỏ gọn, như một chiếc hộp, bên trong tích hợp nhiều tính năng, từ cảm biến đo thân nhiệt, quét mã QR khai báo y tế tự động, kết nối wifi, nhận dạng khuôn mặt, màn hình, âm thanh… đến cảm biến đo nồng độ oxy trong máu.
Theo đó, người thực hiện quét kiểm tra y tế chỉ cần đứng cách cảm biến 3 cm để đo nhiệt độ, sau đó, cung cấp mã QR cá nhân hoặc chụp mã QR địa điểm là thiết bị sẽ tự động báo thân nhiệt, cấp độ nguy cơ dịch (trên cơ sở dữ liệu khai báo y tế, lịch sử dịch tễ, tiêm vaccine, xét nghiệm)… của người dân từ cổng dữ liệu qr.tokhaiyte.vn hiển thị trên màn hình. Người không đủ điều kiện qua cửa sẽ có chuông báo, màn hình sẽ báo lý do (sốt, cấp độ nguy cơ dịch cao…).
Theo PGS.TS Phạm Hồng Quang, gần đây, việc chồng chéo các ứng dụng chống dịch COVID-19 là vấn đề được quan tâm. CLi-SmartEyes cũng có thể giải quyết vấn đề này bởi hệ thống được kết nối với cổng kiểm tra y tế điện tử qr.tokhaiyte.vn. Thông tin dịch tễ của người dân sẽ được thể hiện trên màn hình khi thực hiện khai báo y tế, không phát sinh ứng dụng mới. Với hệ thống này, mỗi người chỉ mất tối đa 10 giây để khai báo y tế. Các thông tin kiểm tra người đến địa điểm được đưa về Bộ Y tế để phục vụ truy vết sau này.
Đặc biệt, để bảo đảm xác thực của khai báo y tế qua mã QR cá nhân, CLi-SmartEyes còn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện khuôn mặt nhằm phát hiện các trường hợp không trung thực, sử dụng mã QR của người khác để lưu thông.
Ngoài ra, thiết bị còn được gắn thêm cảm biến đo nồng độ oxy trong máu. Với những trường hợp cần kiểm tra lượng oxy trong máu, chỉ cần đặt ngón tay lên cảm biến của thiết bị thì chỉ vài chục giây sau, các dữ liệu về nhịp tim, nhịp thở, lượng SpO2 sẽ được hiển thị.
Thiết bị cũng được thiết kế tích hợp quét token điện tử chứa mã QR tốc độ cao để giảm thiểu thời gian kiểm soát ở những nơi có lưu lượng vào ra lớn như: Khu công nghiệp, công xưởng, nhà máy, các điểm kiểm tra y tế trên đường…
Theo PGS.TS Phạm Hồng Quang, do được sản xuất trong nước, tự chủ công nghệ nên giá thành sản phẩm khá rẻ so với sản phẩm nhập ngoại. Tùy thuộc vào thiết kế từng tính năng mà sản phẩm có giá dao động khác nhau, nhưng không quá 5 triệu đồng/thiết bị. Hiện nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Công ty Châu Long sản xuất khoảng vài trăm thiết bị ứng dụng tại nhiều địa điểm khác nhau. Nếu được thương mại hóa, sản phẩm sẽ có giá thấp hơn nữa.
Hiện nay, hệ thống đã được lắp đặt ở trụ sở UBND phường Cửa Đông (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chợ Hàng Da, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam… để kiểm soát y tế với người ra vào.
Nguồn: baochinhphu.vn