Quả vải đã làm nên kỳ tích trong đại dịch

Có được thành tích này là nhờ sự nỗ lực đầy trách nhiệm, cùng sự phối hợp chặt chẽ từ chính quyền các cấp, cơ quan đoàn thể, các doanh nghiệp, nhà vườn ở địa phương. Đặc biệt, khi đại dịch hoành hành, quả vải cùng nhiều loại nông sản khác đã được giới thiệu, quảng bá một cách bài bản trên 'chợ' online. Điều này cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, sự nhanh nhạy chuyển hướng sản xuất kinh doanh và tận dụng công nghệ số đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sự tồn tại và tìm được hướng phát triển mới.

Và trên thực tế, thương mại điện tử chính là một trong những yếu tố giúp quả vải Bắc Giang vượt qua được những khó khăn do dịch bệnh gây ra để làm nên kỳ tích lịch sử.

Quả vải đã làm nên kỳ tích trong đại dịch

Viettel Post đặt mục tiêu sản phẩm vải Bắc Giang sẽ đến tay khách hàng trên toàn quốc chỉ từ 6- 48 giờ sau thu hoạch.

Đưa quả vải lên sàn thương mại điện tử

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cùng với 06 sàn thương mại điện tử lớn bao gồm: Sendo (FPT), Voso (Viettel Post), Tiki-BigC/GO, Shopee, Lazada và Postmart (VnPost) đã phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng vải thiều Bắc Giang. Lần đầu tiên, vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối một cách bài bản, có hệ thống trên đồng loạt cả 06 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.

Ngay từ tháng 4/2021, sàn thương mại điện tử Shopee đã triển khai dự án hỗ trợ bà con nông dân đưa nông sản, đặc sản từ khắp các tỉnh thành Việt Nam tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Shopee. Shopee đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp của địa phương quảng bá và tiêu thụ mặt hàng vải thiều Bắc Giang trên nền tảng của mình. Đồng thời, tổ chức các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ các chi phí vận hành kho và chi phí vận chuyển sản phẩm vải thiều Bắc Giang tới tay người tiêu dùng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Cùng với các đối tác của mình, Shopee cũng đã triển khai các hoạt động tới người nông dân như đào tạo kinh doanh trực tuyến, vận hành và đóng gói hàng hóa, các kĩ năng về quảng bá giới thiệu sản phẩm…

Tập đoàn Central Retail cũng đã triển khai hàng loạt chương trình kích cầu tiêu thụ vải thiều. Từ đầu tháng 6/2021, khi mùa vụ vải bước vào chính vụ, Central Retail đã dành những vị trí đẹp nhất trong tất cả các siêu thị GO!/ Big C trên toàn quốc, trưng bày vải Lục Ngạn - Bắc Giang và vải Thanh Hà - Hải Dương sao cho thật sự bắt mắt. Lần đầu tiên hệ thống đại siêu thị GO!/Big C (Thành viên của Tập đoàn Central Retail) đã tổ chức kích cầu tiêu thụ quả vải trên kênh online với đối tác là sàn thương mại điện tử Tiki. Phạm vi bán hàng trên toàn quốc, trên nền tảng thương mại điện tử, thông qua các kênh của hệ thống siêu thị và đại siêu thị như: App GO! & Big C, Zalo, Facebook Big C; và đặc biệt là chương trình bán hàng online khi hợp tác với TikiNgon.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết: 'Đội ngũ mua hàng chúng tôi đã đến thăm vườn vải của các hộ nông dân và Hợp tác xã tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang và huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương để cùng lên kế hoạch thu mua và phân phối… Mặc dù chịu tác động bởi dịch bệnh COVID-19, song các cửa hàng của chúng tôi tập trung với nỗ lực cao nhất có thể để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống các siêu thị, đại siêu thị GO!/Big C'.

'Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thì sự nhanh nhạy chuyển hướng sản xuất kinh doanh và tận dụng công nghệ số đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sự tồn tại và tìm được hướng phát triển mới'


Cùng với đó, sàn thương mại điện tử Lazada cũng tích cực phối hợp đối tác Foodmap chuyên phân phối hàng nông sản gấp rút triển khai chương trình phân phối vải thiều Bắc Giang trên Lazada ở khu vực Hà Nội và các tỉnh miền Nam, các thành phố lớn thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các khâu truyền thông, quảng bá sản phẩm vải thiều Bắc Giang trên sàn thương mại điện tử Lazada, hay qua các kênh truyền thông, mạng xã hội cho chương trình này cũng như một phần chi phí chuyển phát được Lazada cùng với Foodmap hỗ trợ.

Postmart - sàn thương mại điện tử trực thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VnPost) cũng đã tổ chức xây dựng chương trình 'Gian hàng Việt trực tuyến' trên sàn thương mại điện tử Postmart. Thông qua hệ thống chuyển phát của VnPost, một lượng lớn vải thiều đã được đặt hàng và chuyển phát tới tay người tiêu dùng khu vực các tỉnh thành ở miền Bắc, đặc biệt là miền Trung và miền Nam. Trước đó, VnPost cũng chủ động xây dựng phương án, sẵn sàng tiếp nhận và bán các sản phẩm nông sản tại các điểm giao dịch của Bưu điện hoặc thiết lập các điểm bán hàng lưu động, nhằm giúp người dân Bắc Giang tiêu thụ đặc sản vải thiều tại địa phương đảm bảo nhanh chóng và hiệu quả…

Voso - sàn thương mại điện tử của Viettel Post cũng đã sớm đưa sản phẩm vải đặc sản Bắc Giang lên sàn với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày, tương đương khoảng 3.000 tấn trong vụ vải thiều lần này thông qua kết hợp online và offline ở các Bưu cục khắp cả nước.

Nhằm giải bài toán đầu ra cho khoảng 100 tấn vải thiều Lục Ngạn - đặc sản Bắc Giang trong đợt bán đầu tiên, sàn thương mại điện tử Sendo đã phối hợp cùng các cơ quan và địa phương lựa chọn các nhà vườn, hợp tác xã có sản phẩm vải thiều chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh để tổ chức phân phối trên sàn. Đây được xem là cuộc chuyển giao 'công nghệ bán hàng' đặc biệt và thần tốc nhất từ trước đến nay. Sendo trực tiếp mang những kinh nghiệm và sáng kiến mới cho chuyển đổi số nông nghiệp đến các hợp tác xã tại Bắc Giang. Đồng thời, trực tiếp hướng dẫn bà con vận hành thương mại điện tử cũng như tổ chức tuyên truyền, quảng bá cho chương trình…

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sendo chia sẻ: 'Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng tôi mong muốn góp một phần công sức để hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận với cái mới, thực hành những phương pháp tân tiến và tự tay tạo ra một tương lai vững chắc hơn cho nghề nông'.

Bằng nhiều hình thức khác nhau, các sàn thương mại điện tử đã tổ chức quảng bá, phân phối đưa vải thiều Bắc Giang từ tay người sản xuất đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, thuận tiện và bài bản nhất. Các nền tảng công nghệ số đã hỗ trợ đắc lực và hiệu quả trong suốt quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh hoành hành.

Để đưa quả vải lên các sàn giao dịch trực tuyến lớn, ngoài sự hỗ trợ mạnh mẽ của các bộ như: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Thông tin và Truyền thông…, người dân Bắc Giang cũng chủ động tận dụng các hình thức giao dịch qua các nền tảng như: Facebook, Zalo, YouTube… để quảng bá đặc sản vải thiều của mình.

Lô hàng vải thiều đầu tiên của Thanh Hà, Hải Dương lần đầu được xuất sang EU

Chinh phục thị trường Nhật Bản

Nhật Bản vốn nổi tiếng là thị trường có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt, người tiêu dùng đòi hỏi rất cao về chất lượng thực phẩm, nhất là đối với các sản phẩm nhập khẩu. Trong khi đó, Việt Nam đang có thế mạnh và có khả năng cung ứng cho thị trường Nhật Bản những sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao. Trong đó, vải thiều là một trong những nông sản đầy tiềm năng và hứa hẹn.

Quả vải thiều Việt Nam trải qua hơn 5 năm đàm phán, nỗ lực đáp ứng các quy định khắt khe mới được phép nhập khẩu vào Nhật Bản. Lần đầu tiên ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON (Nhật Bản) vào tháng 6/2020, quả vải thiều của Việt Nam đã được người tiêu dùng Nhật Bản vô cùng ưa chuộng, tin dùng cũng như được đông đảo cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật đón nhận.

Nối tiếp những thành công đó, năm 2021, tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã chỉ đạo gia tăng diện tích vùng sản xuất vải thiều cũng như số lượng mã số vùng trồng được phép xuất khẩu sang Nhật Bản, trong khi các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu cũng tăng cường đầu tư các chi phí xử lý, bảo quản quả vải cần thiết để đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản.

Ngày 23/5/2021, những lô quả vải đầu tiên của Việt Nam do Công ty Sunrise Farm Nhật Bản ký kết với Công ty Cổ phẩn Ameii Việt Nam đã cập cảng hàng không tại Nhật Bản. Đây là kết quả của những nỗ lực mà nhiều đơn vị, doanh nghiệp ở Việt Nam và Nhật Bản cùng dốc sức.

Trước đó, vào năm 2020, ngay từ buổi đầu ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON, quả vải thiều Việt Nam đã gây được tiếng vang khi 2 tạ vải bày bán tại AEON đã được tiêu thụ hết trong 1 ngày. Khách tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất tốt về sản phẩm và dành nhiều lời khen cho sự tươi ngon của quả vải Việt Nam cũng như bày tỏ mong muốn sản phẩm này trở thành quà biếu, tặng cho gia đình, người thân. Và giờ đây, 'Câu chuyện về quả vải tươi của Việt Nam được nhiều người dân Nhật Bản trao đổi thường xuyên và trở thành 'câu chuyện làm quà' trước khi trao đổi công việc chính', đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ.

Có thể thấy, quả vải thiều Việt Nam sau những chặng đường gian truân, đầy khó khăn, thử thách, đáp ứng các quy định khắt khe… đã chinh phục được thị trường Nhật Bản, khẳng định được thương hiệu của mình. Vải thiều Bắc Giang đã được Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là nông sản đầu tiên của Việt Nam được Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Không những thế, vải thiều Bắc Giang cũng đã định vị được giá trị tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, được người tiêu dùng tại các nước đón nhận và đánh giá cao…

Mùa bội thu

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, song doanh thu và sản lượng vải thiều Bắc Giang vẫn đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang (ngày 9/7/2021) cho biết, năm 2021, vải thiều Bắc Giang được đánh giá có chất lượng tốt nhất và có sản lượng lớn nhất trong những năm gần đây. Tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt 215.852 tấn (tăng trên 50.850 tấn, tương đương tăng 30,8% sản lượng so với năm 2020). Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỉ đồng, tương đương với năm có doanh thu cao nhất. Trong đó, doanh thu từ vải thiều ước đạt 4.274 tỉ đồng và từ các hoạt động, dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 2.547 tỉ đồng.

Tổng sản lượng tiêu thụ nội địa đạt 126.552 tấn (chiếm khoảng 58,6% tổng sản lượng tiêu thụ). Tổng sản lượng xuất khẩu đạt 89.300 tấn (chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ). Vải thiều được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông, … trong đó thị trường Nhật Bản, EU (Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan…) đã xuất khẩu với sản lượng gấp hàng chục lần so với năm 2020; khu vực Đông Nam Á cũng được mở rộng xuất khẩu với sản lượng lớn nhất từ trước đến nay với gần 5.000 tấn.

Đánh giá kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, vải thiều Bắc Giang đạt '3 cái nhất' trong năm nay. Đó là sản lượng đạt lớn nhất từ trước tới nay (với 215.000 tấn - cao hơn dự kiến ban đầu là 180.000 tấn); chất lượng tốt nhất (với 55% sản lượng và diện tích trồng theo VietGAP và GlobalGAP), xuất khẩu chính ngạch được vàonhững thị trường khó tính như Nhật, Pháp, Đức…; với nhiều thị trường xuất khẩu mới…

Những kết quả về sản xuất và tiêu thụ vải thiều đã góp phần để Bắc Giang đạt kết quả tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2021, đồng thời góp phần vào mức tăng trưởng tới 3,82% của ngành nông nghiệp cả nước - cao nhất trong 10 năm qua.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương tỉnh Bắc Giang tiêu thụ được hơn 200.000 tấn vải thiều trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp. Bắc Giang và một số địa phương khác tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng vẫn đạt kết quả cao về tăng trưởng, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công…

Câu chuyện về quả vải thiều Bắc Giang một lần nữa khẳng định, sự nhanh nhạy chuyển hướng sản xuất kinh doanh và tận dụng công nghệ số trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tìm được hướng phát triển mới. Và hơn thế nữa, giờ đây thương mại điện tử trở thành vấn đề toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong thành công của bất kỳ doanh nghiệp hay quốc gia nào nếu biết tận dụng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh.

Bài học cho các vùng nông sản khác

Mặc dù phải chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đúng vào thời điểm chính vụ thu hoạch nhưng vải thiều Bắc Giang vẫn đạt được giá trị cao, để lại những bài học vô cùng giá trị về sản xuất, tiêu thụ nông sản đối với các địa phương khác trên cả nước.

Yếu tố đầu tiên phải kể đến đó là sự chung sức đồng lòng từ chính quyền các cấp, cơ quan đoàn thể, các doanh nghiệp, nhà vườn ở địa phương. Trước những khó khăn, thử thách các cấp, các ngành và địa phương đã rất linh hoạt, nhạy bén tìm ra phương hướng thích hợp nhằm đưa quả vải đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất.

Một trong những điểm có tính quyết định đến sự thành công của quả vải đó là sự chung tay của Nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân. Ngoài các sàn thương mại điện tử tập trung hỗ trợ mạnh mẽ tiêu thụ sản phẩm vải thiều Bắc Giang, các siêu thị online thì còn có sự sẻ chia, lan toả của cộng đồng. Trên thực tế, thương mại điện tử chính là một trong những yếu tố giúp quả vải Bắc Giang vượt qua được những khó khăn do dịch bệnh để đạt kết quả vô cùng lớn.

Ngoài sự hỗ trợ các bộ, ngành, các doanh nghiệp để đưa quả vải lên các sàn giao dịch trực tuyến lớn, người dân Bắc Giang cũng chủ động hơn nhiều để tận dụng các hình thức giao dịch qua mạng. Nhiều đơn hàng đã được chốt từ những status của người nông dân và thương lái thời đại 4.0 trên các fanpage: 'Em cần một tấn vải chuyển vào TP.Hồ Chí Minh, nhà vườn nào còn không ạ?; Nhận giao từ 1 - 3 tấn vải ở các tỉnh phía Bắc, Sỉ lẻ vải thiều sấy khô đặc sản Bắc Giang...', quy mô mỗi giao dịch có thể chưa lớn nhưng rất nhiều giao dịch đã được thực hiện góp phần tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn quả đặc sản của Bắc Giang.

Box: 'Và hơn thế nữa, giờ đây thương mại điện tử trở thành vấn đề toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong thành công của bất kỳ doanh nghiệp hay quốc gia nào nếu biết tận dụng'

Và đặc biệt cuối tháng 6, những tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đã được xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại cảng sân bay Frankfurt (CHLB Đức) khi đáp ứng đầy đủ tiêu chí về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhờ chiến lược quảng bá và xây dựng thương hiệu bài bản, quả vải thiều Bắc Giang đã đi đến khắp các địa phương trong nước, chinh phục các thị trường quốc tế như Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông, các nước EU (Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan…), đặc biệt là những thị trường khó tính như Nhật, Pháp, Đức…

Đợt bùng phát dịch COVID-19 rơi đúng vào thời điểm chính vụ nhưng vải thiều Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận khi sản lượng lớn nhất từ trước tới nay với 215.000 tấn; 55% sản lượng và diện tích trồng theo VietGAP và GlobalGAP đã xuất khẩu chính ngạch được vào những thị trường khó tính như Nhật, Pháp, Đức,... và nhiều thị trường xuất khẩu mới.Ngay cả thị trường trong nước cũng được mở rộng chiếm tới 65% tổng sản lượng.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái nhấn mạnh: 'Cách tiếp cận mới của tỉnh là không nói 'giải cứu' vải thiều ngay từ đầu vụ, bởi như vậy sẽ khiến giá trị quả vải bị hạ thấp xuống và sẽ không xuất khẩu, không bán được. Thay vào đó là cần sự chung tay, giúp sức lan tỏa giá trị của quả vải. Đây là bài học với vải thiều nói riêng và nông sản nói chung...'.

Dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp tại các tỉnh thành phía Nam, nhất là nhiều địa phương đang bước vào thời điểm 'thu hoạch rộ' các mặt hàng nông sản như hiện nay vừa là cơ hội, vừa là thách thức để đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, nâng cao giá trị, đồng thời góp phần khơi thông luồng tiêu thụ nông sản.

Trong mọi kịch bản diễn biến dịch COVID-19, yêu cầu phải giữ vững mặt trận sản xuất, khơi thông luồng vận chuyển, tiêu thụ nông sản nhằm đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu là vô cùng cần thiết và quan trọng. Câu chuyện về sự thành công của quả vải thiều Bắc Giang còn là bài học về mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài tiêu thụ tại thị trường truyền thống, nông sản cần được đẩy mạnh trên các sàn thương mại điện tử, chợ online,...để giảm bớt khó khăn khi xảy ra tình trạng được mùa mất giá hoặc vướng mắc do dịch bệnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để tiêu thụ nông sản vượt qua được khó khăn không xảy ra tình trạng được mùa mất giá hoặc vướng mắc do dịch bệnh thì chúng ta phải đẩy mạnh tiêu thụ, đặc biệt là tiêu thụ thông qua hệ thống online. Và để thực hiện tiêu thụ online, phải giải quyết được vấn đề đảm bảo sự tin cậy về chất lượng sản phẩm.

Vì vậy, sản xuất phải thật sự bài bản, đảm bảo chặt chẽ quy trình, đảm bảo uy tín, chất lượng nhằm tạo ra sản phẩm có thương hiệu. Khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo được niềm tin của người tiêu dùng. Về mặt tổ chức thương mại cần có sự tham gia vào cuộc của các ngành, các cấp và của chính quyền để tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hóa được ưu tiên như nông sản chính vụ được lưu thông một cách dễ dàng nhất không qua các khâu kiểm soát, kiểm tra gây ách tắc sản phẩm. Nếu thực hiện kết nối được thì sẽ giải quyết quyết được các khâu tiêu thụ nông sản ở thời điểm chính vụ như hiện nay.

Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, sự nỗ lực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, phải kể tới sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương. UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đã sớm xây dựng kế hoạch sản xuất vải an toàn 'không COVID-19', xây dựng vùng trồng vải an toàn; tập trung chỉ đạo khâu sản xuất, nâng cao chất lượng, xây dựng mã vùng trồng cụ thể và hướng đến sản phẩm có chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Tỉnh cũng sớm xây dựng kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều ngay từ đầu vụ với từng kịch bản, phương án tiêu thụ cụ thể, điều hành hết sức linh hoạt các kịch bản đó. Lần đầu tiên, tỉnh thành lập các tổ hỗ trợ tiêu thụ vải thiều tại Lào Cai, Lạng Sơn; lập đường dây nóng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thông thương nhanh chóng…

Có thể nói, Bắc Giang đã có sự chủ động rất cao đối với vụ vải năm nay, đưa ra ngay giải pháp tháo gỡ trong từng tình huống cụ thể để có được những kết quả vượt kỳ sự kỳ vọng và mục tiêu đề ra.

Những nỗ lực nói trên đã góp phần vào thành tựu quan trọng của Bắc Giang trong 6 tháng đầu năm, với tốc độ tăng GRDP ước đạt 10,2%, cao gấp 1,6 lần cùng kỳ năm 2020 và đứng thứ 8/63 cả nước. Thu ngân sách cũng tăng 63%, thu hút FDI đứng thứ 8 cả nước, giải ngân vốn đạt xấp xỉ 35%, nhiều chỉ tiêu khác cũng tăng cao. Các chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đều tăng 12 đến 13 bậc so với trước đó./.

Bài viết được đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT Kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 -2/9/2021)

TIN LIÊN QUAN

Viettel Post sẽ tiêu thụ 350 tấn bưởi Phúc Trạch qua sàn TMĐT Vỏ Sò

Sàn thương mại điện tử TMĐT Vỏ Sò của Viettel Post hiện đang làm việc với 120 hộ nông dân tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh để đưa sản phẩm bưởi Phúc Trạch lên chợ điện tử. Trong vụ mùa năm nay, Vỏ Sò dự kiến sẽ tiêu thụ 350 tấn bưởi qua sàn TMĐT.

Đưa công nghệ vào mô hình vận hành mới, Viettel Post đảm bảo thông suốt hàng hoá trong dịch COVID-19

Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã tạo ra những vùng đỏ với nguy cơ lây nhiễm cao tại nhiều tỉnh, thành lớn nhỏ trên cả nước. Tuy nhiên, nhờ đưa công nghệ vào mô hình vận hành mới, Viettel Post đã đảm bảo thông suốt hàng hoá, vận chuyển nhu yếu phẩm

Cần các biện pháp sản xuất kinh doanh an toàn

Dịch bệnh kéo dài khiến chi phí vận hành doanh nghiệp tăng cao, làm xuất hiện nhiều khoản phát sinh như chi phí xét nghiệm, chi phí mua trang thiết bị bảo hộ, chi phí đầu vào tăng do vận chuyển làm nhiều chặng

Bưu điện đẩy nhanh tiến độ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT

Những ngày qua, vấn đề kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân đã có sự cải thiện đáng kể, nhưng để đảm bảo không ứ đọng nông sản vẫn là một thách thức.

Đã đến lúc thay đổi để thích nghi với đại dịch

Đại dịch Covid-19 tạo ra những xáo trộn lớn chưa từng có, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội trên thế giới và trong nước. Bên cạnh những giải pháp của toàn hệ thống chính trị, đã đến lúc bản thân các doanh nghiệp cũng

Sàn TMĐT Vỏ Sò sẵn sàng triển khai dịch vụ “đi chợ hộ” trên toàn quốc

Với kinh nghiệm triển khai cung ứng hơn 15.000 tấn hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh thành thực hiện giãn cách từ đầu tháng 7 tới nay, sàn TMĐT Vỏ Sò và Viettel Post cho biết, hiện đơn vị có thể đáp ứng nhu cầu hàng hóa lên tới 500 - 600 tấn/ngày cho

Doanh nghiệp đồng lòng vượt COVID: Mệnh lệnh từ trái tim

Trong những bước ngoặt của đất nước, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân luôn là một lực lượng quan trọng góp phần vào sự bứt phá của nền kinh tế với tinh thần dân tộc, quyết tâm vì một Việt Nam hùng cường. Tinh thần ấy đã được phát

Doanh nghiệp Bắc Giang đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống tài chính - kế toán

Đại dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, kinh tế - xã hội. Các hoạt động kinh doanh, trao đổi thông tin hầu hết đều diễn ra trên không gian mạng. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp DN phải thích nghi và tìm cho mình giải pháp số

THỦ THUẬT HAY

5 thủ thuật khi xài iOS và iPhone rất hữu ích trong quá trình sử dụng

Với việc loại bỏ phím home vốn đã quen thuộc từ lâu thì có lẽ nhiều người mới dùng iPhone X sẽ bỡ ngỡ. Nhưng chúng ta có thể khắc phục điều này bằng một tính năng trên iOS 11.

5 thói quen học tập hiệu quả cần bắt đầu ngay hôm nay

Những thói quen học tập dưới đây sẽ giúp mọi thứ trở nên đơn giản hơn và loại bỏ stress khỏi cuộc sống của bạn. Cho dù là cần cải thiện kết quả học tập, giảm căng thăng hay chỉ đơn giản là muốn có vài ý tưởng mới, hãy

Instagram ra mắt tính năng chụp ảnh ma quái dịp Halloween

Instagram vừa tung ra phiên bản mới nhất 20.0 cho Android và iOS, ở phiên bản này người dùng có thể trải nghiệm tính năng mới nhất SuperZoom khi click vào biểu tượng máy ảnh ở góc trái trên cùng màn hình.

Cách kích hoạt tính năng “Dark Mode” trên YouTube trên các thiết bị iOS

Giao diện Dark Mode vừa được YouTube cập nhật trên ứng dụng, giúp bạn có trải nghiệm xem video tốt hơn vào buổi tối. Sau đây là cách kích hoạt tính năng này!

Thiết kế website du học chuyên nghiệp, chuẩn SEO tại Bizfly Website

Du học luôn là ước mơ của nhiều bạn trẻ và là mong muốn của nhiều phụ huynh bởi mở ra nhiều cơ hội trong tương lai. Bởi quá trình đăng ký du học cần nhiều thủ tục và phức tạp nên việc thiết kế website du học chuyên

ĐÁNH GIÁ NHANH

Đánh giá pin Coolpad Fancy E561: Hơn 7h onscreen

Có dung lượng pin chỉ 1800mAh nhưng Coolpad Fancy E561 thể hiện một bộ mặt vô cùng khác khi đạt thời lượng sử dụng pin cực kì ấn tượng

Đánh giá thời lượng pin Asus Zenfone 3 Laser: gần 18 tiếng sử dụng hỗn hợp

Dù chỉ sở hữu viên pin dung lượng 3000mAh nhưng thử nghiệm thực tế cho thấy thời lượng pin Asus Zenfone 3 Laser rất ấn tượng.

Đánh giá bộ đôi smartphone giá rẻ Moto C Plus và E4 Plus từ Lenovo

Moto C Plus và E4 Plus là hai trong ba mẫu smartphone giá rẻ mới nhất của Lenovo tại thị trường Việt Nam. So với những dòng sản phẩm cùng phân khúc thì hai thiết bị này sở hữu khá nhiều tính năng vượt trội.