Trang AndroidPIT cho biết, sau khi bị Ủy ban châu Âu phạt 5 tỷ USD về việc vi phạm luật chống độc quyền, Google sẽ thay đổi mô hình kinh doanh bằng cách tính phí một số ứng dụng cài đặt sẵn trên hệ điều hành Android khi thiết bị được bán ra tại châu Âu.
Trước kia, Google cung cấp miễn phí Android cho các nhà sản xuất (OEM) như một giải pháp để phổ biến rộng rãi hệ điều hành. Ngược lại, các hãng buộc phải cài đặt sẵn tổng cộng 11 ứng dụng trên thiết bị nếu muốn được cấp phép Play Store – chi tiết khiến Google bị cho là cạnh tranh không công bằng và phải nhận án phạt.
Sắp tới, Google sẽ tính phí cấp phép những ứng dụng như YouTube, Maps, Gmail nếu các OEM muốn bán sản phẩm cài sẵn nhóm ứng dụng trên ở châu Âu. Thêm vào đó, giấy phép cho các công cụ Search hay Chrome cũng được tách riêng biệt. Như vậy, các OEM có thể bán điện thoại Android tại châu Âu mà không cần cài đặt trước Google Search hay Chrome.
Khi ấy, Android vẫn sẽ là hệ điều hành mã nguồn mở và các nhà sản xuất vẫn được quyền tùy biến giao diện theo ý muốn, nhưng họ sẽ phải trả phí nếu như muốn cài đặt nhóm ứng dụng phổ biến của Google.
Có rất nhiều ứng dụng trên Google Play Store và một vài trong số đó luôn được cài đặt sẵn trên smartphone Android
Dự kiến, mô hình cấp phép mới sẽ có hiệu lực từ ngày 29/10/2018. Tuy nhiên, mọi thứ hoàn toàn có thể thay đổi vì Google vẫn đang kháng cáo về án phạt mà họ cho là không hợp lý.
“Chúng tôi tin rằng Android đã tạo ra nhiều lựa chọn hơn. Đó là lý do tại sao tuần trước chúng tôi đã đệ đơn khiếu nại về quyết định của Ủy ban', Hiroshi Lockheimer - Phó chủ tịch Nền tảng và Hệ sinh thái Google chia sẻ.
Bạn nghĩ gì về sự thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh của Google đối với hệ điều hành Android? Cùng chia sẻ thông qua phần bình luận ở phía dưới nhé.
Nguồn : http://xdavn.com/tin-tuc/google-se-tinh-phi-cac-nha-san-xuat-ung-dung-android-sau-an-phat-5-ty--1687.html