Rồi, nói trước về tiền ảo. Mỗi khi nghe tới chữ này chúng ta hãy nghĩ về Bitcoin (BTC), một trong những đồng tiền số (cryptocurrency, có nơi gọi là tiền mã hóa, tiền ảo) đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Có nhiều lý do để Bitcoin nổi tiếng: người tạo ra nó tới giờ vẫn là một bí ẩn mà mọi người vẫn còn nhiều nghi ngờ, giá của Bitcoin tăng chóng mặt trong thời gian gần đây, hay những vụ 'sập sàn' giảm giá Bitcoin làm nhiều tay chơi của thị trường lao đao.
Nhưng ngoài Bitcoin ra, thị trường tiền ảo hiện tại đang có rất nhiều đồng khác. Nổi tiếng thứ hai sau Bitcoin chắc phải kể tới Ether (ETH), một đồng tiền được sinh ra để làm nền tảng cho nhiều loại đồng khác và hình thành nên một chuỗi giao dịch dùng trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính, địa ốc. Một trong số các công ty mình từng làm qua cũng sử dụng ETH như là nền tảng để xây dựng nên đồng tiền của riêng họ, giống như cách mà Android được làm ra dựa trên Linux vậy. Linux ở đây chính là ETH. Những đồng khác đang được nói tới nhiều hiện tại là Ripple, DASH, NEO, Litecoin...
Vì sao những đồng này được sinh ra? Tùy đồng. Bitcoin được làm ra để việc chuyển tiền ngang hàng trở nên dễ dàng hơn mà không cần thông qua bất kì ngân hàng hay đơn vị trung gian nào. ETH thì được làm ra bởi công ty Etherum để phục vụ cho smart contract - một tính năng đặc biệt đảm bảo rằng các điều kiện của hợp đồng số đã được đáp ứng bởi cả bên bán và bên mua. Smart contract có thể dùng để xác thực tài liệu, cải thiện chữ kí số, nâng cấp hệ thống quản lý tác quyền nhạc, ........ online, thậm chí cả game nữa. Tháng 12/2017, trò Cryptokitties đã khiến mạng lưới Ethereum trên toàn cầu bị chậm lại do có quá nhiều người chơi. Liên minh Etherum Alliance giờ có sự tham gia của Microsoft, Intel và nhiều công ty khác. Trong bài này mình không nói nhiều về smart contract, để dành sau nhé.
Người ta đang mua bán tiền ảo bằng cách nào? Chủ yếu việc giao diện tiền ảo diễn ra thông qua các sàn giao dịch (Exchange), giống như cách người ta bán ngoại tệ thông qua sàn Forex. Ở Forex, bạn có thể dùng USD để mua EUR, dùng USD để mua VND và ngược lại (ví dụ). Còn ở các sàn tiền ảo, bạn có thể dùng USB để mua BTC, dùng BTC để mua ETH hoặc các chiều ngược lại. Nói chung, bạn có thể dùng tiền thật mua tiền ảo, tiền ảo mua tiền thật, tiền ảo mua tiền ảo. Đây chỉ đơn giản là các hoạt động mua bán 'ngoại tệ' chứ không có gì đặc biệt hơn. Và khi giao dịch, bạn sẽ phải trả phí cho sàn, có sàn miễn một số loại phí cho một số cặp tiền tệ nhất định (cặp tiền thường được viết là BTC/USD, có nghĩa là dùng USD mua BTC).
Việc ICO là nhu cầu có thật và rất nhiều công ty đã, đang làm. Nó giống với việc đổ tiền vào các công ty startup, nhưng thay vì đổ trực tiếp và nhận lại cổ phần thì giờ bạn nhận lại một đồng tiền có giá trị. Đầu tư thì có rủi ro, có thể thành công, có thể thất bại và mất trắng, nhưng về cơ bản, nó vẫn là đầu tư. Như trong ảnh bên dưới, nó là tài liệu về công nghệ smart contract của startup QTUM, họ đã phát hành đồng tiền cùng tên để huy động vốn.
Và bắt đầu từ đây các vụ 'lừa đảo đa cấp' xuất hiện thông qua danh nghĩa 'ICO', ngay ở Việt Nam chúng ta cũng có. Có những công ty ma, công ty đưa ra sản phẩm không rõ ràng, mà vẫn ICO và phát hành một 'đồng tiền' của họ. Bạn nghĩ thử xem, một công ty không có sản phẩm cốt lõi thì làm sao mà sống, kinh doanh như thế nào, lợi nhuận ra sao? Tiền đâu phải tự nhiên sinh ra, đâu phải cứ kêu gọi mọi người góp vốn là có thể sống hoài?
Để thu được tiền, những người 'lãnh đạo' của các công ty này phải kiếm được người mua đồng coin. Nhưng họ đâu thể nào đi lừa các nhà đầu tư chuyên nghiệp, những người vốn đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, đầu tư. Thế nên họ quay ra dùng lời lẽ ngon ngọt để dụ những người không có kiến thức trong mảng crypto currency và giao dịch tiền tệ nói chung.
Họ hứa hẹn đủ điều, đa phần không nói về sản phẩm, tiềm năng, cách kiếm tiền mà đánh nhiều vào lòng tham: hãy mua 500 coin của chúng tôi đi, sau 1 năm bạn lãi 300%, sau 2 năm lãi 1000%, sau đó có tiền mua nhà, mua xe Lamborghini đi chơi nhé. Cái 'sản phẩm' mà họ đưa cho bạn chỉ là một website sơ sài, không đề cập tới sản phẩm cốt lõi của công ty hoặc của sàn giao dịch, chỉ có các cấp bậc thành viên, số tiền mỗi đồng, và nhiều lời hứa hẹn khác.
Chưa hết, một số hội 'đa cấp' còn khuyên 'thành viên' của mình dụ thêm nhiều người khác vào mạng lưới để 1. thu tiền hoa hồng hoặc 2. chiếm đoạt tiền trực tiếp. Khi đến hạn 'trả lãi', các 'lãnh đạo' của những công ty này thường dùng tiền của người sau trả cho người trước, đến mức không còn trả được thì 'xù độ' và bỏ trốn hoặc cố ý làm gián đoạn website để người khác không truy cập được hòng kéo dài thời gian để có thêm thời gian xây dựng mạng lưới và thu thêm tiền.
Ngoài núp bóng dự án ICO, nhiều công ty còn lừa đảo người khác bằng hình thức kêu gọi đầu tư để những người 'lãnh đạo' công ty đem đi mua bán, giao dịch trên các sàn. Phần tiền lời có được sẽ được chia ra cho những người đã tham gia góp tiền ban đầu. Tất nhiên, lời hứa có cánh, và trong đa số các trường hợp, người đầu tư không nhận được phần tiền của mình. Cũng có khi người 'lãnh đạo' đầu tư thua lỗ và không thể 'trả nợ' cho những người khác nên trốn mất, vậy là người đầu tư tiền 'lãnh đạn'.
Xin trích lại một số đoạn từ bài báo của Người Lao Động:
Theo tài liệu điều tra, Phương cùng 2 đồng phạm đã góp vốn thành lập Công ty CP Phương Thái An rồi thuê người lập trang web để huy động vốn, kêu gọi rất nhiều người đầu tư tiền vào hệ thống. Mỗi người tham gia phải đóng hơn 10 triệu đồng để được nhận 1 mã ID (mã tiền ảo). Nhóm này giới thiệu cho người tham gia mô hình thu lợi 'khủng' trong thời gian ngắn. Với 1 mã ID cứ 5 ngày sẽ được tiền lãi 2,2 triệu đồng nên nhiều người đã lao vào đầu tư. Nhóm Phương đã lấy tiền của người trước trả cho người sau, phần còn lại chia nhau, ước tính 140 tỉ đồng. Đến khi bị triệt phá, hệ thống đa cấp của nhóm này đã thu được 21.405 mã khách hàng.Bấm để mở rộng...
Công an tỉnh Gia Lai cũng vừa triệt phá một vụ lừa đảo tiền ảo Bitcoin. Chỉ trong thời gian ngắn, địa bàn tỉnh này có khoảng 1.900 ID, tức 1.900 Bitcoin tham gia mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp ngân hàng cộng đồng Bitcoin. Các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt trên 22 tỉ đồng của người dân trong vùng.Bấm để mở rộng...
Còn đây là của giám đốc FPT Ventures
Với ICO, nó thường bị thổi giá, bị đầu cơ một cách quá đáng nên được quan tâm. Nhiều doanh nghiệp bây giờ tạo ra các startup chỉ để ICO mà thôi, huy động xong tiền là họ có thể biến mất. Rất nhiều trường hợp như vậy đã xảy ra, huy động xong 3 triệu, 5 triệu, 10 triệu USD rồi đóng tài khoản của tôi lại, cuỗm tiền và đi mất', ông Đức kể.Bấm để mở rộng...
Nói tóm lại, hoạt động giao dịch tiền ảo là điều rất bình thường và tự nhiên, nó là một hoạt động tài chính đang diễn ra tấp nập. Người ta có thể mua bán các loại tiền ảo, người ta có phát hành những đồng tiền mới với mục đích gây quỹ cho công ty của mình, và ngay tại Việt Nam cũng đã có một số công ty bắt đầu phát triển phần mềm, nền tảng, dịch vụ dựa trên những sản phẩm của các công ty có phát hành tiền ảo. Tuy nhiên, tiền ảo ở Việt Nam lại đang bị lợi dụng để các mạng lưới đa cấp chiếm đoạt, lừa tiền của người khác. Bản thân tiền ảo thì chẳng có gì xấu cả. Những người lợi dụng đó để lừa người khác mới là những thứ đáng chê trách, và họ sẽ bị pháp luật trừng trị. Bản thân các bạn khi nghe ai đó mời chơi coin, mời đầu tư ICO hay mời đổ tiền vào 'hệ thống' nào đó thì cần biết rõ mình đang làm gì, nếu không rõ thì không tham gia.