'Khoảnh khắc quyết định'
Henri Cartier-Bresson vốn là một người say mê hội hoạ, nhưng rồi lại là một trong những nhà nhiếp ảnh lừng danh nhất của thể kỷ 20. Công trình hình ảnh của ông chi phối biết bao người chụp ảnh. Chính ông đã biến hành động bấm máy đơn giản trở thành một nghệ thuật tinh luyện. Khái niệm 'khoảnh khắc quyết định' chính là lý thuyết do ông hoàn thiện làm nền móng cho nhiếp ảnh hiện đại. Ông cũng là một trong bốn người thành lập Magnum Agence Photography. Đọc lại một số quan điểm về ảnh phóng sự của Henri Cartier-Bresson cũng vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay.
Người chụp ảnh phải quyết định, sự lựa chọn nào cũng có thể dẫn đến điều hối tiếc. Không bao giờ ta có thể làm cho cảnh tượng tái diễn để chụp lại lần nữa. Và, Henri Bresson nói rằng, trong mọi phương tiện thể hiện, nhiếp ảnh là phương tiện duy nhất có thể giữ chặt vĩnh viễn cái khoảnh khắc phù du nhưng đặc biệt của cuộc sống con người.
Khoảnh khắc quyết định là một khoảnh khắc không thể khôi phục lại được, một khi đã trôi qua. Giả như thế hệ nhiếp ảnh hiện nay cho rằng chụp khoảnh khắc quyết định chỉ là ‘fps’ (frame per second - khung hình trên giây), thì tôi xin lỗi. Một loạt fps được chụp như máy dệt đôi khi có thể hữu ích, nhưng sự hào hứng mà bạn nhận được khi chụp một khoảnh khắc, tính toán nhịp độ của nó, dựa vào bản năng của bạn, mong cho có được một sự kịch tính mà lúc nào bạn cũng muốn có, là vô giá. Vô giá! Chiếc máy ảnh với ta là một công cụ và nó phải giúp ta tạo ra những bức ảnh như ý ta muốn, không phải là một món đồ chơi cơ khí xinh xắn. Có dự tính trước và trầm ngâm, phân tích cảnh chụp trên mọi góc độ, thì bước tiếp theo của bạn trở nên đơn giản.
Chúng ta cố gắng tìm hiểu & giải thích một số điểm cơ bản về việc chụp Khoảnh Khắc Quyết Định, cách mà các bậc thầy thường làm.
Ảnh Henri Cartier-Bresson/ Magnum Photo
Đúng Nhịp
Giống như một khuôn nhạc, có những ô nhịp, và mỗi ô nhịp có số lượng nốt nhạc theo một quy định theo một nhịp điệu. Mọi chuyện xảy ra chung quanh chúng ta đều có một khuôn nhịp riêng nơi chúng. Cần phải có tuần tự để thực hiện những việc nhất định, biết rõ về chúng và bắt đúng nhịp điệu của chúng chính là cách thực hiện tốt nhất của người chụp ảnh. Hãy luôn làm như vậy. Đây là bước khởi đầu, và tập luyện khả năng quan sát tinh nhạy. Nhịp điệu diễn ra khắp nơi, chọn đúng nhịp thì dứt khoát sẽ đưa bạn đến với những bức ảnh hấp dẫn. Người ta nói nhiều đến góc máy, nhưng góc vững chắc duy nhất có thực là góc độ về hình học của bố cục, chứ không phải là những điều được bịa đặt ra bởi các thợ chụp làm màu như uốn ẹo, nằm dài xuống đất làm hề khi chụp.
Ảnh Mohammad Moniruzzanam
Ảnh Donato Buccella
Bản năng
Vấn đề luôn được đặt ra là khi nào thì nên bấm máy, làm sao chúng ta biết được lúc nào?
Cái ấn tượng đầu tiên toả ra từ một gương mặt nào đó thường là ấn tượng đúng. Đúng vào thời điểm bạn quyết định nhấn nút chụp, có một mệnh lệnh mạnh mẽ chuyển từ não bộ của bạn đến ngón tay trỏ, và rồi bạn nhấn nút. Nhưng ngay khi bạn làm như vậy, có thể khoảnh khắc quyết định vừa trôi qua và sẽ không tái diễn lần nữa. Vậy thì nên làm gì ? Cứ giữ thinh lặng, chỉ còn bạn là người chụp ảnh và các chủ thể đang có mặt trong cảnh chụp. Hãy gạt sang một bên tất cả những gì ngáng đường bạn. Hãy nhìn thật gần, tin tôi đi, bạn sẽ đoán trước được nhất cử nhất động của các chủ thể chỉ trong vòng 2 giây. Như vậy, khi có thể chụp ở tốc độ 1/250 giây, bạn có đến 8 khoảnh khắc quyết định để chụp trong khoảng thời gian đó. Bản năng chính là chiếc chìa khóa.
Ảnh Ruffeloo
Chờ khoảnh khắc kịch tính
Tiếp tục chờ, cứ chờ, và có thể chẳng có gì xảy đến. Nhưng đừng đánh mất hy vọng, trông chờ một điều gì đó độc đáo, bản năng của bạn sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Khoảnh khắc kịch tính sẽ từ từ mở ra trước mắt bạn, và phải biết lúc nào thì bấm máy. Đó là tiếng gọi sáng tạo nơi bạn. Tất cả những gì người ta muốn, chính là một khoảnh khắc đầy kịch tính để làm cho khung hình trở nên hấp dẫn hơn.
Ảnh Saud A Faisal
Trầm tĩnh
Sự may mắn là một yếu tố quan trọng trong nhiếp ảnh. Chụp được khoảnh khắc quyết định thì đúng là may mắn không thể tranh cãi. Bạn có thể được đãi ngộ, nhưng cần phải cảnh giác đủ để bấm máy đúng lúc may mắn mỉm cười với bạn. Để biết được đó chính là khoảnh khắc bạn đang chờ, khoảnh khắc mà bạn có thể chụp được một bức ảnh tuyệt vời, và trước đó chưa có ai bắt gặp, thì cần phải ở trong trạng thái gần như xuất thần. Trầm ngâm trên một đường phố nghe có vẻ không bình thường, nhưng cứ hỏi các bậc thầy đã từng làm như vậy đi, bạn cũng sẽ có lúc làm như vậy một cách vô thức. Đó là tiềm năng, là học hỏi thêm, làm cho các phản xạ của bạn nhạy bén hơn và có khả năng hành động một cách nhanh chóng. Luôn có một sự thinh lặng giữa những xô bồ náo nhiệt chung quanh bạn. Khi sự thinh lặng kích thích bạn, hãy tin tôi đi, đấy là lúc bạn trầm ngâm. Và khoảnh khắc quyết định chỉ nằm quanh quẩn đâu đó thôi.
Ảnh Poras Chaudhary
Ảnh Mattt Hansen
Phân tích
Thành công hơn người khác sẽ luôn là một khó khăn và điều này thì đúng trong thời kỳ đồ đá. Cứ giả sử thùy não phải của chúng ta đưa ra tiếng gọi sáng tạo và thùy trái thì hướng đến thực hiện hơn. Cần hòa trộn cả hai, một nhúm đường sáng tạo và một nhúm muối thực hiện vào với nhau, để bắt dính một khoảnh khắc quyết định.
Ảnh: Luca Napoli
Nhà văn có thể hồi tưởng và xé đi viết lại, còn với nhiếp ảnh, những gì trôi đi là trôi đi mãi mãi. Người chụp ảnh phải cảm nhận hiện thực, gần như cùng lúc với việc ghi lại hiện thực ấy. Trong bất kỳ phóng sự ảnh nào, chúng ta xuất hiện như kẻ đột nhập, kín đáo tiếp cận chủ đề, dù đó là tĩnh vật, chen lấn xô đẩy chả có ích lợi gì. Thậm chí không chụp với sự trợ giúp của đèn flash, đó là sự sỉ nhục với ánh sáng thực tế. Henri Bresson rất nghiêm ngặt với chính mình như thế!
Nguồn ảnh & tham khảo: Magnumphotos