Ảnh minh họa
Ở một nghiên cứu khác của 1.600 nhà quản lý và chuyên gia, Giáo sư Leslia Perlow đến từ Trường Kinh Doanh Harvard nhận thấy 70% người dùng kiểm tra smartphone trong vòng 1 giờ sau khi thức dậy.
Theo WebMD, mặc dù hành vi trên chưa được gọi là nghiện, các chuyên gia tin rằng việc thúc ép bản thân kiểm tra điện thoại mà không có lý do hoặc cảm thấy lo lắng, bồn chồn khi không có điện thoại là những dấu hiệu cảnh báo cho một “cơn nghiện” trong tương lai gần.
Hai cổ đông nắm giữ số cổ phiếu trị giá khoảng 2 tỷ USD của Apple là Jana Partners LLC và Calirfonia State Teachers’ Retirement System (CalSTRS) đang xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Họ đã gửi một lá thư đến Apple hồi đầu tháng để kêu gọi công ty nhanh chóng tìm ra giải pháp cho câu hỏi về cách sử dụng điện thoại tối ưu trước khi các nhà quản lý hoặc người dùng buộc họ phải hành động.
“Với tầm ảnh hưởng của mình, Apple có thể đóng vai trò định hướng, dẫn đường để ngành công nghiệp di động chú trọng đến sức khỏe và sự phát triển của thế hệ mai sau. Đây vừa là việc làm tốt cho xã hội, vừa có lợi cho kinh doanh”, các cổ đông viết trong bức thư.
Hiện tại, Apple, công ty với mảng kinh doanh cốt lõi là bán smartphone và đưa khách hàng gắn chặt vào hệ sinh thái ứng dụng lẫn dịch vụ vẫn chưa trả lời lá thư gửi từ 2 cổ đông, nhưng một thương hiệu khác đang đi đầu về việc quan tâm đến sức khỏe cộng đồng. Và đó là Motorola.
Nỗ lực của Motorola trong việc cân bằng giữa công nghệ & đời sống
40 năm sau khi phát minh ra điện thoại di động, hiện nay Motorola đang thuyết phục người dùng smartphone cam kết cải thiện sự cân bằng giữa điện thoại và cuộc sống.
Là một cái tên có tiếng trong ngành, Motorola luôn quan tâm đến việc công nghệ được sử dụng như thế nào. Đồng thời, họ muốn tạo ra những chiếc điện thoại hỗ trợ cuộc sống nhưng không trở thành trung tâm của nó.
Motorola bắt đầu những thảo luận về sự cân bằng giữa điện thoại – cuộc sống tại Ấn Độ, thị trường lớn nhất của họ trên toàn cầu xoay quanh lễ hội Diwali. Họ đã phát hành một video cho thấy cảnh người dân dán mắt vào smartphone, “phớt lờ” pháo hoa lẫn những hoạt động kỷ niệm xung quanh mình.
Hãng cũng tiến hành một cuộc khảo sát về cách mọi người dành thời gian với gia đình và bạn bè tại Diwali. Theo đó, 42% người Ấn Độ cảm thấy dễ dàng tránh xa gia đình trong 1 tuần hơn là tránh xa chiếc điện thoại; 74% cảm thấy đau khổ nếu bạn lấy điện thoại của họ vào những ngày đi chơi cuối tuần.
Phụ nữ Ấn Độ sử dụng smartphone khi đi trên tàu điện vào tháng 7/2015
“Các số liệu vừa nêu cho thấy, chúng ta đang sống trong một thời đại mà kết nối internet có thể làm mất dần những mối quan hệ thực sự vì mọi người sử dụng smartphone thiếu ý thức.
Chúng ta cần lan rộng thông điệp về việc cân bằng giữa điện thoại và cuộc sống để lấy lại thời gian lẫn sự tập trung”, Rachna Lather - trưởng bộ phận marketing của Motorola Mobility chia sẻ.
Motorola đang cho thấy sự nghiêm túc bằng cách hợp tác với các chuyên gia như Shyleswari M Rao, cố vấn trưởng của Hội Khoa học Ứng dụng Hành vi Xã hội Ấn Độ. Shyleswari sẽ xác thực dữ liệu thu thập từ cuộc khảo sát của Motorola và phân tích rõ lý do dẫn đến sự mất cân bằng giữa điện thoại – cuộc sống và những tác động có thể xảy ra từ hiện tượng này.
Mặt khác, Motorola còn nỗ lực nâng cao nhận thức trong cộng đồng bằng cách truyền tải thông tin đến sinh viên các trường đại học. Cụ thể, chuyên gia Shyleswari sẽ có mặt tại các cuộc tranh luận và hội nghị chuyên đề về điện thoại - cuộc sống để góp ý cho những bạn trẻ.
Ngoài các thương hiệu smartphone, nhiều ứng dụng như Offtime, AntiSocial, Onward, Checky hay QualityTime cũng giúp người dùng tập trung vào công việc đang diễn ra hoặc tận hưởng thời gian của bản thân mà không bị phiền nhiễu bởi điện thoại và duy trì chế độ “ăn kiêng kỹ thuật số”.
Tech Funny