Đầu tiên là phần mềm cài sẵn (bloatware):
Điện thoại phiên bản AT&T thường có hàng tá bloatware 'tặng kèm'.
Mỗi thiết bị được bán ra thường được cài sẵn rất nhiều phần mềm, dịch vụ đặc thù. Nhà sản xuất thì cài sẵn những công cụ tiện ích với mục tiêu nâng cao trải nghiệm sử dụng còn nhà mạng có thể cài thêm những phần mềm dành riêng cho người dùng dịch vụ mạng của mình. Những phần mềm như vậy được gọi là bloatware, chúng có thể hữu ích chẳng hạn như các phần mềm của Samsung trên Galaxy Note hỗ trợ cho bút cảm ứng nhưng cũng có không ít phần mềm vớ vẩn hay game không dùng được hoặc không có giá trị giải trí gì.
Chính vì đám phần mềm không mong muốn này mà người dùng luôn tìm cách gỡ bỏ. Thế nhưng chúng ta không thể gỡ được theo cách thông thường bởi chúng được cài đặt vào phân vùng hệ điều hành. Chẳng hạn như bạn không thể gỡ bỏ ứng dụng Gmail hay các ứng dụng qua trọng khác đi kèm với hệ điều hành Android theo thao tác nhấn giữ và nhấn X để gỡ được. Bloatware thường chiếm nhiều dung lượng bộ nhớ và thật sự là một cơn át mộng đối với các thiết bị giá rẻ vốn có bộ nhớ eo hẹp. Chúng ta có thể Disable ứng dụng nhưng việc Disable chỉ ngắt tiến trình của ứng dụng mà không tiết kiệm được thêm dung lượng. Cách duy nhất để gỡ bỏ là root máy hay cài các bản ROM custom.
Giao diện tùy biến nặng:
Anh em đoán xem từ trái sang phải lần lượt là giao diện của các hãng nào?
Các nhà sản xuất thiết bị Android như Samsung, HTC, Sony … thường thay đổi giao diện của hệ điều hành Android, tinh chỉnh nó để tạo ra một cái gì đó riêng bởi Android cho phép tùy biến khá thoải mái. Vì vậy ngoài Launcher thì giao diện của ứng dụng hệ thống cũng được thay đổi cho phù hợp với chủ đề. Để làm điều này thì nhà sản xuất sẽ chế lại mã nguồn cũng như khiến người dùng không thể gỡ bỏ Launcher của hãng và thay bằng cái mình muốn.
Trên các thiết bị Samsung, hãng này dùng giao diện gọi là TouchWiz; HTC thì có giao diện Sense cũng tùy biến khá nhiều. Tuy nhiên, có một điều bạn không thể tìm thấy trên các thiết bị này là giao diện Android gốc. Bạn có thể cài Google Now Launcher để trải nghiệm giao diện thuần Android nhưng Launcher tùy biến của nhà sản xuất vẫn còn đó, nó không tắt hoàn toàn. Cách duy nhất để trải nghiệm Android gốc là cài ROM custom kiểu như LineageOS.
Chặn ứng dụng, chặn dịch vụ, vô hiệu hóa tính năng:
Các nhà mạng có thể chặn ứng dụng/dịch vụ trên mạng di động của mình ngay từ Google Play, ngăn người dùng cài đặt trên thiết bị. Những ứng dụng phát Wi-Fi từ 3G/4G (tethering) thường bị chặn nhiều nhất và hẳn anh em từng gặp vấn đề này nếu dùng thiết bị của AT&T, T-Mobile, Verizon xách tay về Việt Nam thì hầu như không dùng được chức năng chia sẻ Wi-Fi này. Nhà mạng chặn bởi họ muốn bạn phải trả tiền cho chức năng này và cách gỡ rối thường là root máy để tinh chỉnh lại hoặc cài ROM khác.
Ngoài ra các nhà mạng cũng chặn những ứng dụng ví điện tử như Android Pay hay Samsung Pay để ưu tiên cho các giải pháp ví điện tử của mình. Ở Việt Nam các nhà mạng như Viettel hay MobiFone cũng đã có giải pháp thanh toán như Pay-plus và Vimo nhưng các loại ví điện tử khác như Momo, Samsung Pay … vẫn dùng bình thường, hoan hô
Làm trì hoãn các bản cập nhật:
Các nhà mạng thường đòi hỏi nhà sản xuất phải tạo ra các phiên bản điện thoại độc quyền chỉ dùng với mạng di động của mình, do đó một sản phẩm thường có nhiều biến thể nhà mạng. Điều này đã được cải thiện trong những năm gần đây bởi các hãng di động đã chuyển sang dùng mô-đem đa băng tần, do đó điện thoại khi đã mở khóa mạng có thể dùng được với mọi nhà mạng trên thế giới. Tuy nhiên các phiên bản dành riêng cho nhà mạng vẫn còn đó, khác biệt vẫn có từ phần cứng đến phần mềm so với phiên bản quốc tế.
Nói về quy trình cập nhật hệ thống, nhà sản xuất tùy biến Android trên mỗi thiết bị mà họ sản xuất đà đành, các nhà mạng cũng can thiệp bằng cách đưa ra một tiến trình phê duyệt các bản cập nhật. Chính vì điều này khiến người dùng phải chờ lâu hơn, không cần biết bản cập nhật lớn hay nhỏ. Thành ra mới có câu chuyện các thiết bị chạy Android thuần như Google Nexus, Pixel được cập nhật sớm nhất, tiếp theo là phiên bản quốc tế của các thiết bị đến từ OEM như HTC, Sony, Samsung … và cuối cùng mới đến phiên bản nhà mạng. Điều này đã xảy ra từ rất lâu trước đây và đến giờ vẫn chưa thay đổi.
Người dùng thiệt thòi nhiều nhất bởi nhiều thiết bị flagship phiên bản nhà mạng trong suốt vòng đời chỉ nhận được vài bản cập nhật, các thiết bị tầm trung thì ít hơn hay thậm chí là chẳng bao giờ được cập nhật. Nhà sản xuất và nhà mạng có lợi khi trì hoãn cập nhật bởi sự trì hoãn này khiến thiết bị nhanh chóng trở nên lỗi thời trước khi vòng đời của nó chấm dứt, từ đó khuyến khích người dùng thuê bao phải nâng cấp lên điện thoại mới cũng như hợp đồng mới. Chu kỳ cứ thế tiếp diễn!
Khóa bootloader, ngăn bạn cài đặt OS theo ý muốn:
Những chiếc điện thoại Android, thậm chí là Google Pixel vốn được xem là tiêu chuẩn mở và dễ tùy biến nhưng khi bán ra vẫn bị khóa bootloader. Việc khóa bootloader đảm bảo thiết bị chỉ có thể chạy hệ điều hành đã được phê chuẩn và bảo vệ thiết bị trước các 'vọc thủ'. Một số thiết bị bán ra với bootloader đã được mở khóa sẵn thì bạn có thể cài các bản ROM custom dễ hơn nhưng khi cài ROM chế thì máy cũng sẽ mất bảo hành.
Thế nhưng với các thiết bị được bán ra qua nhà mạng thì đa phần rất khó để mở khóa bootloader và nhều thiết bị thậm chí không thể mở được. Dù hiện tại ROM custom không còn thịnh hành như trước nhưng với những chiếc máy chạy Android cũ hay phiên bản gốc trên máy khiến thiết bị chạy chậm, hao pin hay thiếu tính năng thì ROM custom từ phía thứ 3 sẽ là giải pháp rất tốt để chúng ta tiếp tục khai thác thiết bị khi đã hết thời hay tận dụng được tối đa phần cứng.
Thường thì để mở khóa bootloader cho các thiết bị phiên bản nhà mạng, chúng ta sẽ cần đến nhiều công cụ để khai thác các lỗ hổng bảo mật trong Android nhằm chiếm quyền truy xuất để mở khóa. Những công cụ này được các nhà phát triển phía thứ 3 cung cấp nên không phải lúc nào cũng ổn định hay tương thích. Người dùng cần phải đọc kỹ hướng dẫn, nếu sai sót có thể dẫn đến hậu quả là biến thiết bị thành cục gạch!
Theo: HowToGeek