Sau gần 16 năm trên thị trường với hơn 400 chiếc đã bán ra, ngày 2/1/2018, Apple đã chính thức gỡ iPad Nano và iPod Shuffle khỏi cửa hàng online của mình, đánh dấu điểm dừng cho một thiết bị cực kì quan trọng đã giúp Apple trở thành một công ty lớn mạnh như ngày hôm nay.
Có thể giờ bạn nhìn vào chiếc điện thoại của mình và tự hỏi rằng vì sao bạn lại phải dùng iPod để nghe nhạc? Hợp lý! Giờ thì mọi tính năng của iPod hay máy chơi nhạc MP3 nói chung đều đã được tích hợp vào điện thoại cả rồi, nhưng 10 năm về trước thì không. Khi đó điện thoại di động, nhất là smartphone, không phổ biến. Chất lượng âm nhạc trên điện thoại vẫn rất tệ, và cũng chưa có hàng loạt app nghe nhạc ngon lành như hiện tại. Ngoài ra, với những đứa nhóc mới học cấp 2, cấp 3, việc sở hữu smartphone gần như là chuyện bất khả thi, nhưng một chiếc máy nghe nhạc thì lại có thể vì giá tiền rẻ hơn rất nhiều. Mình cũng không ngoại lệ.
Chiếc iPod đầu tiên mình sở hữu là iPod Nano đời 1. Đây vẫn là chiếc iPod đẹp nhất với mình cho đến tận ngày nay dù sau đó Apple đã làm mới dòng Nano bằng rất nhiều mẫu mã khác. Ở cái thời mà công nghệ di động chỉ mới nhen nhóm mà Apple đã làm ra được một chiếc máy với mặt kính và lưng kim loại rất mỏng thì không phải là chuyện thường.
Và cũng không phải tự nhiên mà hình ảnh một bạn trẻ phong cách đeo tai nghe TRẮNG cầm iPod lại trở thành một biểu tượng cho cả một thời đại nhạc số huy hoàng. Nó trở thành một thứ mà nhiều người mong ước được sở hữu, mong ước được trở thành, và cho thấy khả năng kinh doanh tuyệt vời của Apple. Apple không chỉ bán iPod, họ bán một phong cách sống, một biểu tượng, và đó mới là thứ khiến người dùng nhớ tới iPod nhiều như vậy.
Giống như mọi sản phẩm khác của Apple, iPod rất dễ dùng, và clickwheel có lẽ là phát minh tốt nhất liên quan đến tương tác người dùng mà Apple từng mang lên chiếc máy của mình. Thao tác xoay rất tự nhiên, nhẹ nhàng, muốn xoay đến đâu thì nó sẽ dừng đúng ở đó. Khi mà màn hình cảm ứng không phổ biến thì ClickWheel trở thành điểm sáng của iPod mà không đối thủ nào bắt chước nổi, nếu có thì cũng không tốt như vậy. Đa số các máy MP3 khác thời đó vẫn dùng phím D-Pad 5 chiều hoặc joystick để điều khiển giao diện, một cách rất cũ kĩ và không phải lúc nào cũng đem lại trải nghiệm ngon lành.
Nhờ MP3 nói chung và iPod nói riêng mà nhạc số cũng có một cách tiếp cận tới người nghe dễ dàng hơn. Không còn phải ra tiệm mua cả một cái đĩa CD chỉ vì 1-2 bài bạn thích, không cần phải hóng chờ tới ngày đĩa được giao tới nhà hay đợi tiệm sao chép, không còn phải đi tìm những bài nhạc đắt đỏ trên các trang độc quyền. iPod và iTunes đã thúc đẩy ngành âm nhạc đi tới một tương lai tiện lợi hơn, hữu ích hơn cho người dùng.
Theo sau iTunes, hàng loạt website chia sẻ nhạc ra đời, có cái hợp pháp, có cái vi phạm pháp luật, nhưng đó vẫn là những dấu ấn không thể thay đổi của một thị trường đã chuyển mình. Anh em Việt Nam chắc còn nhớ những site như diendanlequydon.com, hoathuytinh.com chứ nhỉ? Giờ thì chúng ta có NhacCuaTui, có Zing MP3, có Apple Music, Spotify cung cấp nhiều hình thức nghe nhạc khác nhau.
iPod vẫn sẽ còn bán trong các cửa hàng Apple Store hoặc các cửa hàng bên thứ ba cho đến khi nào hết hàng thì thôi, vậy nên nếu bạn muốn thì vẫn có thể đi kiếm một cái về sử dụng. Bye bye iPod, chúng ta đã có nhiều kỉ niệm với nhau.