Malware được phát tán từ một trang web phía thứ 3 nhưng dùng chung một tên miền liên đới với McAfee ClickProtect - dịch vụ bảo mật cho email, chống file đính kèm hay link có chứa mã độc được công ty quảng cáo là 'bảo vệ doanh nghiệp trước nguy cơ tấn công bảo mật'.
Một chuyên gia bảo mật tại Pháp đã phát hiện ra malware có tên Emotet từ một email có chứa đường dẫn dẫn người dùng đến tên miền cp.mcafee.com và mở một file Word có chứa mã độc. Tất cả những ai lỡ tải về và mở file Word này đều đứng trước nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu nhạy cảm bởi malware Emotet.
Theo Malwarebytes, Emotet đã được phát tán rộng rải qua các chiến dịch malspam theo đó tin tặc sẽ gởi hàng loạt email chứa đường dẫn đến các trang web đã bị hack có đăng tải file Word nhúng mã độc. Một khi nhấn mở file Word và cho phép macro được chạy (chỉ sau khi nhấn Enable Content) thì người dùng đã vô tình tải về malware Emotet.
Emotet sẽ tiếp tục tải về các tập tin khác bằng PowerShell bao gồm cả thư viện nhị phân của malware này. Sau khi cài đặt, malware sẽ thông báo với máy chủ điều khiển và chỉ thị từ xa rằng nó đã sẵn sàng để âm thầm thu thập dữ liệu nhạy cảm của người dùng như mật khẩu trên trình duyệt web hay email. Tin tặc sẽ sử dụng thông tin có được để chiếm lấy các tài khoản và lấy tiền của nạn nhân. Nhà nghiên cứu bảo mật đình đám Marcus Hutchins cũng vừa đăng tải trên trang MalwareTech của mình rằng malware kết nối với máy chủ bằng các địa chỉ IP được mã hóa cứng nhưng sử dụng proxy để tránh phát hiện.
Về phần mình, McAfee cho biết công ty đang điều tra về vấn đề này đồng thời nhấn mạnh rằng dịch vụ ClickProtect vẫn hoạt động bình thường. Một đại diện của McAfee cho biết: 'Đầu ngày 13 tháng 11, địa chỉ web tình nghi này vẫn chưa được nhận dạng là nguồn phát tán malware. Tuy nhiên vào cuối ngày, dịch vụ phát hiện mối nguy hiểm toàn cầu của McAfee đã đánh dấu trang web này là một mối đe dọa và thay đổi trạng thái xếp hạng uy tín của trang web từ low risk (ít rủi ro) sang high risk (rủi ro cao), sau đó hệ thống tự động chặn người dùng McAfee truy cập vào trang web.'
Người phát ngôn của McAfee cũng cho biết địa chỉ truy cập đã bị chặn trước khi nhóm nghiên cứu bảo mật của công ty nhận được email thông báo từ ZDNet. Tuy nhiên, đường dẫn vẫn hoạt động và liên kết đến file Word có chứa mã độc. Chưa rõ tại sao dịch vụ bảo mật của McAfee đã đánh dấu trang web này có nguy cơ cao nhưng vẫn cho phép malware được tải về máy?
Cho đến hiện tại vẫn chưa rõ làm cách nào đường dẫn này xuất hiện và lại sử dụng tên miền của McAfee, liệu đây là một sản phẩm của tin tặc khi cố tình tạo ra một đường dẫn lừa người dùng tải về malware hay đây là một sai lầm của McAfee? Chỉ biết trong những tháng gần đây, malware Emotet đang xuất hiện ngày một nhiều hơn và chúng thường được phát tán qua những email được biên soạn kỹ lưỡng, tin tặc đứng đằng sau malware này thường giả mạo các nhà cung cấp dịch vụ Internet, nhà mạng di động và tập trung chủ yếu tại các nước Mỹ, Anh và Canada theo báo cáo của Trend Micro.
Các công ty bảo mật khuyến cáo người dùng doanh nghiệp cần phải cẩn thận với mọi email tình nghi dù đã có các hệ thống bảo mật cho email như giải pháp ClickProtect của McAfee. Người dùng nên để ý tới những đường dẫn được rút gọn hoặc đã được chuyển đổi, tiếp theo là phần chữ ký dưới mỗi email. Thông thường tin tặc sẽ để lại những thông điệp kiểu tưởng vậy nhưng không phải vậy như 'email này đảm bảo không có virus'.
Theo: ZDNet