Cuộc đàn áp công khai và gây nhiều tranh cãi của ngân hàng trung ương Trung Quốc trong lĩnh vực tiền điện tử trong nước đã đạt được những hiệu quả mong muốn.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) – Ngân hàng trung ương và điều tiết tài chính của quốc gia – đã công bố dữ liệu nghiên cứu cho thấy các giao dịch Bitcoin bằng đồng tiền fiat của Trung Quốc -đồng nhân dân tệ (RMB), đã giảm xuống dưới 1% so với khối lượng giao dịch của thế giới.
Dữ liệu này được báo cáo bởi hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung Quốc Tân Hoa Xã.
Tân Hoa Xã cũng nói thêm, PBoC đã thừa nhận, trước khi chính quyền đưa ra các chỉ thị đàn áp đối với các loại tiền tệ ảo, khối lượng giao dịch của Trung Quốc chiếm tới hơn 90% khối lượng giao dịch Bitcoin toàn cầu.
Các nỗ lực đàn áp tiền điện tử của Trung Quốc
Báo cáo của Tân Hoa Xã cũng tiết lộ rằng PBoC đã đóng cửa tổng cộng 88 nền tảng trao đổi tiền điện tử cùng với 85 sàn giao dịch và nền tảng ICO kể từ tháng 9 năm 2017.
Theo thông tin trước đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm ngay lập tức đối với tất cả các dự án ICO trong nước sau khi phân loại chúng như một hình thức gây quỹ bất hợp pháp. Đây là một hình thức gây quỹ hoàn toàn mới, được hỗ trợ bởi tiền điện tử, và PBoC thì lại tuyên bố rằng ICO đã “phá vỡ nghiêm trọng trật tự kinh tế và tài chính”.
Trong khi đó, các quốc gia khác bao gồm Thái Lan, Úc, Malta, Singapore, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đều đã ban hành các quy định hoặc nguyên tắc cho phép các dự án ICO hoạt động trong nước.
Sau lệnh cấm ICO, Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng sự cấm đoán khắc nghiệt này đối với các sàn và nền tảng giao dịch tiền điện tử.
Đến tháng 9 năm 2017, BTCC – sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên trên thế giới và cũng là một trong ba sàn giao dịch tiền tệ lớn nhất của Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa trong nước để chuyển cơ sở hoạt động sang các khu vực pháp lý thân thiện hơn.
Theo chiều hướng này, các sàn giao dịch khác bao gồm ba đối thủ cạnh tranh lớn là Huobi, OKCoin và Binance – hiện là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, cũng đã chuyển sang hoạt động ở các quốc gia khác.
Động thái tiếp theo của các nhà cầm quyền sẽ là gì?
Báo cáo Tân Hoa Xã cũng chỉ ra rằng khả năng Trung Quốc sẽ không sớm dỡ bỏ lệnh cấm đối với các giao dịch Bitcoin và tiền điện tử, mà hiện tại sẽ gia tăng kiểm duyệt các nền tảng giao dịch ở nước ngoài. Theo báo cáo này, Ngân hàng trung ương đã đóng băng tổng cộng 110 trang web, bao gồm cả Binance và Huobi.
Hơn nữa, theo như đưa tin, các nhà quản lý Trung Quốc hiện đang làm việc với các nền tảng thanh toán trực tuyến lớn như Alipay để đàn áp trực tiếp các giao dịch ngang hàng (peer-to-peer) và cho đến nay đã vô hiệu hóa khoảng 3.000 tài khoản.
Theo: CNN