Theo một báo cáo thực hiện bởi PwC và Hiệp hội Thung lũng Tiền số Thuỵ Sĩ, hình thức gọi vốn bằng cách phát hành tiền điện tử (ICO) vẫn đang “sống khoẻ” bất chấp xu hướng suy giảm trầm trọng của thị trường tiền kỹ thuật số, CoinTelegraph auf Deutsch đưa tin ngày 29/06. Thậm chí, PwC còn phát hiện ra là lưu lượng ICO đã đạt đến kỉ lục cao nhất mọi thời đại chỉ trong nửa đầu năm 2018.
Chi tiết hơn thì chỉ tính từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2018, số tiền quyên góp vào các ICO đã bằng gấp đôi con số của năm 2017. Đại diện PwC Thuỵ Sĩ viết trong thông cáo báo chí:
“Tổng cộng, đã có 537 đợt ICO với tổng lưu lượng 13,7 tỉ USD được đăng ký kể từ đầu năm đến nay. Để so sánh thì trong năm 2017 chỉ có 552 đợt ICO với lưu lượng chỉ hơn 7 tỉ USD. Bên cạnh đó, kích thước trung bình của một ICO đã tăng từ 12,8 triệu đô của năm ngoái lên 25,5 triệu đô trong năm nay.”
Hai cái tên nổi bật nhất là Telegram và EOS, vốn đã huy động được đến hàng tỉ USD. Cụ thể, Telegram được cho là đã kiếm đến 1,7 tỉ USD, trong khi EOS thậm chí là đã kết thúc đợt ICO “vô tiền khoáng hậu” của mình tại con số 4 tỉ đô la Mỹ.
Cũng theo báo cáo thì Hoa Kỳ, Thuỵ Sĩ và Singapore là 3 trung tâm ICO hàng đầu thế giới, chủ yếu là do đã có quy định tương đối rõ ràng. Thuỵ Sĩ chủ yếu được lợi từ sự thành lập nên “Thung lũng Tiền số” tại thành phố Zug, chú trọng ưu đãi các startup hoạt động trong lĩnh vực Blockchain và công nghệ tài chính. Một số điểm đến khác như Hong Kong, Gibralta, Malta và Liechtenstein cũng đang có được một số thành công nhất định, nhờ học tập theo mô hình thân thiện với tiền điện tử của Thuỵ Sĩ và Singapore.
Đề cập đến vấn đề pháp lý, các tác giả của bài báo cáo đã nêu ra 3 hướng tiếp cận đang được áp dụng trên toàn thế giới:
Hoa Kỳ sử dụng một hệ thống tập trung mà trong đó tất cả các token phát hành bởi ICO đều được giao dịch như là một dạng chứng khoán. Trong khi đó, tại châu Âu, một cách thức quản lý khác lại được ưa chuộng. Ví dụ, FINMA (Cơ quan quản lý tài chính Thuỵ Sĩ) phân loại token ra làm 3 nhóm nhỏ: token tài sản, token tiện ích và token thanh toán, vốn không mang tính đại diện như là một khoản đầu tư đích thực mà là cách thức để người mua tiếp cận trực tiếp đến sản phẩm, dịch vụ chào mời bởi ICO. Cuối cùng, tại châu Á, quy định pháp lý ở đây rất đa dạng, từ nghiêm cấm thẳng tay đến cho phép quảng bá các dự án ICO.
Tuy nhiên, các nhân vật có tên tuổi trong giới tài chính truyền thống vẫn tiếp tục bày tỏ thái độ hoài nghi đến với ICO, cũng như chỉ trích việc thiếu đi các biện pháp giám sát phân khúc này. CEO sàn Nasdaq Adena Friedman cáo buộc ICO là “mối đe doạ thật sự” đến nhà đầu tư nhỏ lẻ, trong khi Chủ tịch SEC Jay Clayton một lần nữa bảo lưu quan điểm của mình, gọi ICO là chứng khoán và nên được quản lý đúng như là chứng khoán.
Ella Zhang, giám đốc của Binance Labs, trả lời phỏng vấn với Bloomberg rằng nếu bong bóng ICO vỡ, thị trường thực sự sẽ nhận được nhiều lợi ích. Vào tuần trước, Zhang vừa được công bố là người quản lý quỹ đầu tư 1 tỷ đô của sàn giao dịch Binance.
Theo CoinTelegraph
Bitcoin News