Các chuyên gia cho rằng, công nghệ Blockchain sẽ mở ra một xu hướng ứng dụng tiềm năng cho nhiều lĩnh vực như tài chính, y tế, giáo dục,…
Không những là nền tảng đứng đằng sau sự thành công của đồng tiền ảo Bitcoin, công nghệ Blockchain còn đang được ứng dụng thử nghiệm để phục vụ đa dạng lĩnh vực và đang dần có những tác động, thay đổi đến cuộc sống con người.
Nhận định về tiềm năng ứng dụng blockchain cụ thể tại Việt Nam, CEO Vương Quang Long của TomoChain – startup phát triển nền tảng công nghệ này cho biết: “Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam có thể ứng dụng blockchain vào các lĩnh vực cụ thể như y tế (quản lý hồ sơ bệnh án), quản lý dữ liệu công dân, chuỗi cung ứng sản phẩm, nông nghiệp (truy xuất nguồn gốc thực phẩm), phát hành cổ phiếu, giao dịch chuyển tiền…Các ứng dụng phi tập trung giúp tự động hóa những quy trình thông qua ‘smart contract’- hợp đồng thông minh, tăng cường khả năng minh bạch, tin cậy”.
Sản xuất
Điển hình như áp dụng đặc điểm không thể làm giả, không thể phá hủy của Blockchain vào ngành công nghiệp sản xuất sẽ giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đang được chào bán.
Ví dụ: Nếu một doanh nghiệp sản xuất sữa áp dụng Blockchain vào quản lý chất lượng sản phẩm thì nhà quản lý, người tiêu dùng có thể truy xuất được các thông tin rất minh bạch. Đối với nhà sản xuất họ có thể thống kê và lưu trữ toàn bộ những hộp sữa đó trên thị trường để biết được những hộp sữa đó đã tiêu thụ chưa, tiêu thụ được bao nhiêu, bao nhiêu hộp còn hạn sử dụng và bao nhiêu hộp hết hạn sử dụng. Người tiêu dùng có thể kiểm tra thông tin hộp sữa đó có phải hàng chính hãng hay không, ngăn chặn toàn bộ những sản phẩm nhái, hàng giả trên thị trường.
Trong lĩnh vực bán lẻ, Walmart là một trong những doanh nghiệp tiên phong sử dụng blockchain. Hiện tại, thương hiệu bán lẻ này đã sử dụng blockchain từ năm 2016 để theo dõi nguồn thịt lợn nhập từ Trung Quốc đến Mỹ.
Y tế
Công nghệ Blockchain sẽ mở ra một xu hướng ứng dụng tiềm năng cho nhiều lĩnh vực như tài chính, y tế, giáo dục,…
Khi người bệnh đi khám hay xét nghiệm, mọi kết quả của họ sẽ được lưu trữ sử dụng công nghệ Blockchain sẽ giúp người bệnh bảo mật toàn bộ thông tin và chỉ số xét nghiệm của mình. Trong trường hợp người bệnh có nhu cầu chuyển sang bệnh viện khác ở bất kỳ đâu trên thế giới, họ chỉ cần truy xuất thông tin và kết quả chỉ số xét nghiệm của mình trên chuỗi blockchain mà cho dù hai bệnh viện (nơi khám ban đầu và nơi chữa bệnh mới) không cùng ngôn ngữ hay sử dụng phần mềm khác nhau.
Việc này giúp người bệnh giảm thiểu chi phí xét nghiệm lại khi đến các bệnh viện mới cũng như góp phần giúp nơi tiếp nhận bệnh nhân mới có thể truy xuất tiền sử bệnh tật, phác đồ điều trị hay các phản ứng phụ đối với các loại thành tố thuốc trước đây của bệnh nhân. Để từ đó giúp chuẩn đoán và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp, mang lại hiệu quả cao.
Giáo dục
Việc thẩm định bằng cấp, chứng chỉ là một vấn đề phức tạp và chưa bao giờ hết mới đối với nhiều nước trên thế giới. Khi tìm kiếm trên google, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy việc mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả ở nhiều website trên thế giới.
Việc quản lý các chứng chỉ, bằng cấp của các trường đại học nói chung hay các cơ sở đào tạo nghề nói riêng nếu được áp dụng công nghệ Blockchain sẽ góp phần minh bạch hóa hồ sơ học viên cũng như giúp các nhà tuyển dụng dễ dàng truy xuất nguồn gốc cơ sở đào tạo hay quá trình học tập của các ứng viên từ thấp đến cao.
Tại San Francisco, trường Holberton – một trường đào tạo kỹ sư phần mềm đã thông báo dự án quản lý sinh viên dựa trên nền tảng blockchain vào năm học mới.
Sylvain Kalache, đồng sáng lập trường Holberton, chia sẻ với CNBC: “Nhà tuyển dụng không mất thời gian gọi các trường đại học hoặc thuê bên thứ ba để thực hiện công việc thẩm định hồ sơ. Blockchain cũng sẽ giúp nhà trường không mất chi phí xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu riêng”.
Tài chính
Đây là một trong những nghành có khối lượng giao dịch và đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối nên mất rất nhiều thời gian. Bất chấp những mặt trái của nó, người ta vẫn muốn thử ứng dụng để giải quyết vấn đề khó khăn hiện tại. Năm 2016, Barclays tiến hành một giao dịch đột phá bằng việc sử dụng công nghệ blockchain
Tại Châu Á, OCBC Bank là ngân hàng đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ blockchain trong dịch vụ chuyển tiền nội địa và quốc tế, làm tăng hiệu suất, sự minh bạch, giảm chi phí và cải thiện trải nghiệm cho khách hàng.
Blockchain được xem như là một cách để cắt giảm chi phí và thời gian thanh toán bù trừ giao dịch liên ngân hàng, cũng như tạo ra hệ thống an toàn hơn. Tại thời điểm này, nhiều tổ chức tài chính đang có cuộc chiến tranh giành nhau nhằm hình thành các liên minh mới để thương mại hóa công nghệ blockchain. Đáng kể nhất chính là liên minh R3 của 3 ngân hàng lớn nhất Australia là Westpac, Commonwealth, NAB cùng với 40 ngân hàng và hàng loạt tổ chức tài chính khác trên toàn thế giới.
Thương mại điện tử
Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ hiện nay nên dần chuyển dịch vụ của mình sang bán hàng trực tuyến, tận dụng lợi thế thương hiệu với chiến lược đa kênh để đạt được thành công và bảo vệ vị trí hiện tại. Nhìn chung, sự tin tưởng của người tiêu dùng và chi phí cao cho mô hình phân phối là những thách thức lớn cần được các doanh nghiệp giải quyết để thương mại điện tử tiến xa hơn nữa.
Những thách thức lớn đó của thương mại điện tử có thể được xử lý bằng các hợp đồng thông minh (smart contract) khi ứng dụng công nghệ Blockchain. “Với công nghệ Blockchain, tôi yên tâm khi ký các hợp đồng thông minh và đưa giải pháp thanh toán vào website. Từ đây chúng tôi có thể dễ dàng kinh doanh và hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước trong một thời gian ngắn hơn và thủ tục đơn giản hơn nhiều lần”, bà Lê Thúy Hạnh, đồng sáng lập của Batdongsan chia sẻ.
Phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới còn phải đối mặt với những thách thức từ nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hành lang pháp lý cũng như tầm nhìn của các đơn vị phát triển, doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Trên thực tế, phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều trở ngại, thách thức. Thứ nhất, tốc độ phát triển của công nghệ chuỗi khối ở thời điểm hiện tại được so sánh với Internet cuối những năm 1990. Kỳ vọng từ thị trường, các nhà đầu tư và các nhà phát triển phần mềm Blockchain rất lớn nhưng nền tảng này vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển ở thời kỳ đầu.
Có nhiều vấn đề mà công nghệ này chưa giải quyết được hoàn toàn. Những nền tảng cho phép thực hiện nhiều lý tưởng của con người vẫn còn đang trong giai đoạn mới hình thành, chưa đạt được sự kỳ vọng về tốc độ xử lý, khả năng lưu trữ dữ liệu, khả năng tính toán dữ liệu như tập đoàn công nghệ trung gian như Google, Facebook…
“Thách thức thứ hai là về mặt pháp lý. Hiện nay, hành lang pháp lý cho các hoạt động blockchain, ICO vẫn chưa rõ ràng tại nhiều quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, chưa có các pháp lý cho quản lý tài sản số trên hệ thống, nền tảng. Việc này đồng nghĩa với việc không thể thu được thuế từ các hoạt động ICO, cũng như không bảo vệ được nhà đầu tư sở hữu tài sản số”, CEO Vương Quang Long cho biết.
Với những chính sách ưu tiên phát triển công nghệ thông tin như một ngành mũi nhọn của nhà nước và tiềm năng công nghệ sẵn có, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là nơi công nghệ blockchain có nhiều điều kiện tốt để phát triển. Đây được coi là cơ hội để các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp có thể áp dụng công nghệ mới này với cơ hội sáng tạo và cạnh tranh mới, đủ sức vươn tầm ra khu vực và quốc tế.