Server Hosting (Hosting máy chủ)
Máy chủ là loại thiết bị dùng để hỗ trợ hệ thống mạng máy tính và Internet của một công ty. Các máy chủ thường được sở hữu bởi các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) – những người sẽ cho thuê khoảng trống trên máy chủ, đồng thời cung cấp kết nối Internet đến các công ty. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet sẽ 'host' (chứa và tạo quyền truy cập) toàn bộ thông tin của một công ty – website, email, dữ liệu khác v...v... – trên máy chủ của họ. Một vài máy chủ được đặt tại các trung tâm dữ liệu (data center) của ISP, trong khi một số máy chủ khác được cho thuê trực tiếp tới các doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp không có đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật để tự bảo quản máy chủ thường sẽ thuê dịch vụ máy chủ từ xa hoặc sử dụng một dịch vụ máy chủ được quản lý (Managed Hosting). Dịch vụ máy chủ được quản lý sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp máy chủ và dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật 24/7.
Các doanh nghiệp cũng có thể thuê máy chủ từ các ISP, song không sử dụng dịch vụ hỗ trợ của nhà cung cấp. Việc sở hữu một máy chủ dùng riêng sẽ rẻ hơn dịch vụ máy chủ được quản lý, song sẽ chỉ khả thi với các công ty có năng lực về kỹ thuật.
Data Center (Trung tâm dữ liệu)
Trung tâm dữ liệu là một cơ sở dùng để lưu trữ và bảo quản các máy vi tính và các hệ thống lưu trữ dữ liệu – bao gồm cả các máy chủ. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu hoặc các công ty lớn như Google hay Amazon sở hữu các trung tâm dữ liệu của riêng mình.
Cloud Hosting (Hosting trên đám mây)
Các công ty không thuê máy chủ có thể trả tiền để lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ ảo. Các máy chủ này có thể được lưu trữ trên các 'đám mây' và có thể được truy cập từ bất kỳ nơi nào có kết nối Internet. Các doanh nghiệp thường truy cập vào các dịch vụ điện toán đám mây thông qua một giao diện phần mềm của riêng nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây mà họ sử dụng.
Web Hosting
Web Hosting là một loại hình dịch vụ hosting máy chủ đặc thù. Những website chỉ bao gồm một trang web không cần sử dụng đến dịch vụ web hosting, nhưng các website phức tạp hơn đòi hỏi cần có những dịch vụ web hosting để quản lý nội dung, quản lý diễn đàn hoặc cung cấp một nền tảng thương mại điện tử an toàn.
CMS (Hệ thống quản lý nội dung)
Hệ thống quản lý nội dung (CMS) được sử dụng để quản lý thông tin của một trang web. Các hệ thống CMS thường bao gồm tính năng đăng tải nội dung (trên nền web), cho phép chỉnh sửa và định dạng các nội dung web mà không cần sử dụng tới các ngôn ngữ lập trình (ví dụ như HTML). Nhiều hệ thống CMS cũng cung cấp các công cụ marketing cho phép quảng cáo hướng đối tượng.
E-Commerce (Thương mại điện tử)
Thương mại điện tử có thể được coi là các thương vụ được tiến hành bằng cách truyền dữ liệu thông qua mạng Internet. Thương mại điện tử càng ngày càng phổ biến do PC và các thiết bị di động đang ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn.
Linux Hosting
Linux là một hệ điều hành mã nguồn mở có thể được cài đặt trên các máy chủ web hosting. Nhiều máy chủ chạy hệ điều hành của Microsoft, song nhiều chuyên gia cho rằng Linux là một sự lựa chọn an toàn và ổn định hơn, và do đó sử dụng dịch vụ web hosting trên nền Linux.
Virtual Merchant (Gian hàng ảo)
Một gian hàng ảo là một gian hàng sử dụng các website làm nền tảng để bán các sản phẩm và dịch vụ của mình. Các gian hàng ảo là một phần của thương mại điện tử – họ nhận các khoản chi trả điện tử từ các khách hàng trên mạng. Một số gian hàng ảo cũng có cửa hàng vật lý thông thường.
Cloud Backup (Sao lưu trên đám mây)
Các dữ liệu được sao lưu lên đám mây thường đi từ hệ thống máy tính của công ty đến dịch vụ sao lưu dữ liệu nằm trên Internet. Sao lưu trên đám mây (đôi khi còn được gọi là sao lưu qua mạng – online backup), có thể được cài đặt để diễn ra một cách tự động: đây là một tính năng lưu trữ dữ liệu hết sức thuận tiện.
Ngoài ra, sao lưu trên đám mây cũng là một dịch vụ tiết kiệm chi phí do không đòi hỏi thêm bất kỳ phần cứng nào khác từ phía doanh nghiệp.
Email Marketing (Marketing qua email)
Email Marketing là hoạt động quảng bá sản phẩm và dịch vụ thông qua email. Các doanh nghiệp có thể tạo ra các email sáng tạo bao gồm nhiều hình ảnh, video và các nội dung thú vị khác để cuốn hút khách hàng.
POS (Điểm bán hàng)
Một điểm bán hàng (Point of Sale – POS) là một bộ phận của các cửa hàng bán lẻ hoặc các gian hàng ảo, nơi giao dịch được hoàn tất. Khách hàng có thể trả tiền mặt tại POS, hoặc sử dụng thẻ tín dụng (credit hoặc debit). Smartphone cũng đang được sử dụng ngày một nhiều hơn. Phần lớn các hệ thống POS đều có sử dụng các công cụ để theo dõi kho hàng và doanh số.
Merchant Account (Tài khoản chủ gian hàng)
Các tài khoản chủ gian hàng là các tài khoản có ký kết với các đơn vị ngân hàng cho phép các chủ tài khoản nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng (debit và credit). Để chuyển từ các khoản chi trả bằng thẻ tín dụng sang tiền mặt, các ngân hàng sẽ thu một khoản phí chuyển đổi và một số loại phí khác từ doanh nghiệp.
Mobile Application Development (Phát triển ứng dụng di động)
Các ứng dụng di động đang trở nên phổ biến với tất cả các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Quá trình phát triển các ứng dụng có thể được sử dụng trên các thiết bị di động (ví dụ như smartphone và tablet) được gọi là Mobile Application Development.
Các doanh nghiệp cần một ứng dụng di động có thể thuê một nhà phát triển ứng dụng chuyên nghiệp hoặc sử dụng các công cụ xây dựng ứng dụng để tự xây dựng ứng dụng cho riêng mình.
Custom Software Development (Phát triển ứng dụng đặc thù)
Một số doanh nghiệp đòi hỏi các phần mềm được phát triển riêng phục vụ cụ thể cho hoạt động hàng ngày của họ. Thay vì sử dụng các gói phần mềm được sản xuất hàng loạt và phát hành trên diện rộng, các doanh nghiệp này sử dụng các phần mềm được phát triển cho riêng họ bởi các công ty phát triển phần mềm hoặc các đội ngũ kỹ thuật thuộc doanh nghiệp của họ.
ERP Software (Phần mềm hoạch định tài nguyên doanh nghiệp)
Các phần mềm hoạch định tài nguyên doanh nghiệp cho phép một công ty có thể quản lý nhiều khía cạnh của công ty mình – ví dụ như kế toán, quản lý kho hàng, nhân lực... – trên một phần mềm tập trung. Các công ty sẽ mua về các mô-đun cần thiết cho hoạt động của họ và sử dụng phần mềm ERP để xem toàn bộ dữ liệu theo cách đồng nhất.
Project Management Software (Phần mềm quản lý dự án)
Các phần mềm quản lý dự án cho phép công ty lên kế hoạch thực hiện một dự án theo cách khoa học và hiệu quả nhất. Các phần mềm này cho phép họ đặt ra các ước tính chính xác trước khi bắt đầu một dự án. Phần lớn các phần mềm quản lý dự án bao gồm các gói lên lịch, ước tính, lên vốn và hoạch định tài nguyên.
Software as a Service (SaaS - Dịch vụ phần mềm)
Dịch vụ phần mềm, hay còn gọi là 'phần mềm theo yêu cầu' – 'software on demand', là một định nghĩa thuộc lĩnh vực điện toán đám mây. SaaS cho phép truyền tải các phần mềm kinh doanh thông qua mạng Internet. SaaS có thể được trả một tháng một lần, khiến giá cả của dịch vụ này trở nên dễ chịu hơn so với các lựa chọn phần mềm khác.
Business Intelligence Software (Phần mềm thông tin doanh nghiệp)
Thông tin doanh nghiệp (Business Intelligence) là thông tin về một doanh nghiệp do chính doanh nghiệp đó thu thập và có thể bao gồm một khối lượng thông tin lớn – lý do vì sao các doanh nghiệp cần đến phần mềm thông tin doanh nghiệp.
Phần mềm thông tin doanh nghiệp cho phép các công ty giữ tất cả các dữ liệu thông tin doanh nghiệp tại một vị trí tập trung nhằm dễ truy cập và phân tích.
Contract Management Software (Phần mềm quản lý hợp đồng)
Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở các bản hợp đồng ký kết với khách hàng, nhà cung ứng và nhân viên. Các phần mềm quản lý hợp đồng giúp các doanh nghiệp theo dõi mọi khía cạnh của các hợp đồng này, từ việc đàm phán ban đầu cho tới việc chi trả từng tháng.
Performance Management Software (Phần mềm quản lý hoạt động)
Các chuyên viên nhân lực thường sử dụng các phần mềm quản lý hoạt động để theo dõi hiệu quả công việc của nhân viên. Với phần mềm dạng này, các dữ liệu khối lượng lớn sẽ được sắp xếp và phân tích một cách hiệu quả hơn.
Practice Management Software (Phần mềm quản lý chu trình)
Dạng phần mềm này được sử dụng trong các đơn vị y tế để xử lý các hoạt động thường nhật, ví dụ như dữ liệu thu phí hoặc thông tin người trả bảo hiểm, thông tin xếp lịch hẹn và trong một số trường hợp, thông tin y tế điện tử.
Customer Management Software (Phần mềm quản lý khách hàng)
'Quản lý khách hàng' là một khái niệm được dùng để chỉ cách doanh nghiệp thu thập và quản lý dữ liệu về các khách hàng của mình. Các công ty sử dụng phần mềm quản lý khách hàng để theo dõi toàn bộ các thông tin mà họ thu thập được, ví dụ như các cuộc gọi yêu cầu dịch vụ đối với một sản phẩm vừa được mua. Điều này giúp các doanh nghiệp tăng khả năng ký kết được những hợp đồng tương lai và cải thiện quan hệ với khách hàng.
Learning Management System (Hệ thống quản lý đào tạo)
Các hệ thống này cho phép bộ phận nhân lực có thể lên kế hoạch, thực hiện và đánh giá khâu đào tạo nhân viên. Các hệ thống quản lý đào tạo thường bao gồm tính năng hội thảo video, forum thảo luận và một số tính năng tương tác khác.
Document Management (Quản lý tài liệu)
Quản lý tài liệu là hệ thống tạo, chia sẻ, sắp xếp và lưu trữ các tài liệu bên trong một tổ chức. Phần mềm quản lý tài liệu có thể giúp thực hiện các chu trình liên quan tới quản lý tài liệu.
Managed Services (Dịch vụ được quản lý)
Các hoạt động doanh nghiệp thường nhật có thể được thuê bên ngoài nhằm cắt giảm chi phí và gia tăng hiệu suất nói chung của một công ty. Cách làm nói trên được gọi là 'dịch vụ được quản lý'. Các hoạt động quan hệ con người và IT là 2 lĩnh vực được thuê ngoài nhiều nhất.