Đây là một trong những hình phạt cao nhất được áp dụng đối với một hãng công nghệ của Mỹ ở châu Âu.
Kết luận của AGCM cho rằng Amazon sử dụng vị thế thống trị trên thị trường để khuyến khích các nhà bán hàng trên trang amazon.it sử dụng dịch vụ logistics Fulfillment (FBA) của chính Amazon. Điều này “gây tổn hại” đến dịch vụ logistics của các doanh nghiệp cạnh tranh và củng cố vị trí thống trị của Amazon.
AGCM cũng tuyên bố áp dụng mức phạt cao vì coi các hành động của Amazon là “đặc biệt nghiêm trọng” nếu xét đến khoảng thời gian và những ảnh hưởng gây ra.
Ngoài khoản tiền phạt, AGCM còn yêu cầu Amazon cấp các đặc quyền mà người bán FBA được hưởng cho tất cả người bán bên thứ 3, miễn là đối tác tôn trọng quy định và luật pháp. Amazon sẽ phải công bố các tiêu chuẩn này trong 1 năm tới và quá trình này chịu giám sát bởi 1 cơ quan được ủy thác.
Amazon lên tiếng phản đối khoản phạt này và cho biết sẽ kháng cáo. Người phát ngôn của tập đoàn Mỹ cho rằng khoản tiền phạt và các biện pháp khắc phục được đề xuất là không hợp lý và không phù hợp.
Các nhà đầu tư lo ngại việc giới chức Italy phạt nặng Amazon có thể đánh dấu xu hướng thắt chặt kiểm soát các hoạt động kinh doanh khác của tập đoàn này tại nhiều nơi trên thế giới.
Amazon liên tục nhận án phạt ở châu Âu
Trước đó vào tháng 11, Italy cũng phạt Amazon và Apple 228 triệu USD vì liên quan đến một thỏa thuận mà hai công ty này ký kết năm 2018. Hợp tác này dẫn đến tình trạng chỉ có Amazon và một số bên được lựa chọn mới có thể bán các sản phẩm của Apple và Beats, hạn chế số lượng các nhà bán lẻ và việc bán hàng xuyên quốc gia.
Liên minh châu Âu (EU) cũng từng phạt Amazon khoản tiền kỷ lục là 888 triệu USD vì vi phạm luật bảo mật dữ liệu của khối.
Gần đây, các công ty công nghệ lớn của Mỹ liên tiếp bị giám sát chặt chẽ và điều tra độc quyền tại châu Âu. EU cũng mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với các quy tắc trên App Store của Apple, về tiền hoa hồng liên quan đến mua hàng trong ứng dụng.
Xu hướng chính quyền “làm căng” với các tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử nói riêng cũng xảy ra trên toàn cầu. Ở châu Á, sàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba cũng đang bị nhà chức trách Trung Quốc siết quản lý. Còn ở Mỹ Latinh, các nhà quản lý đang nhắm vào Mercado Libre - công ty thương mại điện tử hàng đầu trong khu vực đến từ Argentina.