Chúng bao gồm Threadripper 1950X (16 nhân/32 luồng) và Threadripper 1920X (12 nhân/24 luồng), cả 2 đều có cấu trúc gồm 2 đế Zeppelin, dùng kiến trúc Zen, hỗ trợ 4 kênh RAM và dùng socket có đến 4094 chân với kích thước khổng lồ. Cả 2 đều mở khóa xung, hỗ trợ OC và giá bán cũng dễ thở hơn so với Core X của Intel với $999 và $799. Ngoài ra dòng Ryzen 3 giá rẻ cũng đã được tiết lộ, lên kệ ngay trong tháng 7 này.
Trước tiên cần làm rõ rằng Threadripper sẽ không phải là một dòng CPU khác biệt hẳn với Ryzen mà nó được gọi là Ryzen Threadripper và cũng mở ra một phân khúc vi xử lý trên cả HEDT (vi xử lý dành cho máy bàn cao cấp) tức SHED (vi xử lý dành cho máy bàn siêu cao cấp). Dưới đây là thông số của Ryzen Threadripper 1950X và 1920X.
Đầu tiên với phiên bản Ryzen Threadripper 1950X, với xung nhịp 3,4 GHz và tối đa 4 GHz thì phiên bản này giống như 2 đế chip Ryzen 7 1800X ghép lại, dung lượng bộ đệm L3 cũng tăng gấp đôi thành 32 MB và TDP lên đến 180 W so với 95 W của Ryzen 7 1800X. Ngoài mức xung nhịp boost 4,0 GHz thì Threadripper 1950X với công nghệ Extended Frequency Range (XFR) có thể đạt xung nhịp cao hơn trong trường hợp nhiệt độ và điện năng cho phép. AMD vẫn chưa tiết lộ về xung nhịp tối đa của Threadripper 1950X với XFR nhưng khả năng là thêm 100 MHz tương tự như Ryzen 7 1800X.
So về số nhân và luồng thì Ryzen Threadripper 1950X sẽ đối đầu với Intel Core i9-7960X dự kiến sẽ được Intel tung ra vào cuối năm nay. Dựa trên những gì được tiết lộ về Core i9-7960X thì phiên bản này cũng sẽ có xung nhịp cơ bản từ 3,3 GHz nhưng bộ đệm L3 thấp hơn với 16 MB và điều quan trọng là giá của phiên bản này lên đến $1699.
Một đối thủ không trực tiếp khác của Threadripper 1950X đến từ Intel dòng vi xử lý cao cấp Xeon E5-2697A v4 với cùng 16 nhân 32 luồng, chạy ở xung nhịp từ 2,6 đến 3,6 GHz được ra mắt năm ngoái và ở cùng tầm giá $999 thì Intel chỉ có Core i9-7900X với 10 nhân 20 luồng, xung nhịp 3,3 - 4,3 - 4,5 GHz (Turbo Boost 3.0), L3 Cache 13,75 MB, 44 PCIe 3.0 Lane, TDP 140 W, hỗ trợ RAM 4 kênh.
Một số trang đã tiến hành benchmark bằng Geekbench hiệu năng của AMD Ryzen Threadripper 1950X và so với Intel Core i9-7900X và Intel Xeon E5-2697A v4. Kết quả cho thấy hiệu năng xử lý đơn nhân của Threadripper 1950X chỉ cao hơn so với phiên bản Xeon E5-2697A và cũng dễ hiểu khi xung nhịp của phiên bản Xeon này chỉ dừng ở 3,6 GHz. Dĩ nhiên xung nhịp của Threadripper 1950X cũng thấp hơn đáng kể so với Core i9-7900X với sức mạnh của Turbo Boost 3.0 đẩy xung lên đến 4,5 GHz nên điểm đơn nhân không thể so bì với con chip này. Điều đáng chú ý là điểm đa nhân của Threadripper 1950X cũng không mấy ngang ngửa với Core i9-7900X lẫn Xeon E5-2697A và nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá Ryzen Threadripper bởi AMD sẽ cần thời gian tinh chỉnh và các phần mềm cũng phải tương thích tốt hơn.
Bo mạch chủ ASUS X399 Zenith Extreme dành cho Ryzen Threadripper.
Lợi thế của Ryzen Threadripper 1950X so với các đối thủ cùng phân khúc giá hay cùng cấu hình nhân/luồng như Core i9-7900X hay Core i9-7960X là việc hỗ trợ đến 60 lane PCIe 3.0 dành cho các thiết bị cần nhiều băng thông như card đồ họa, ổ SSD PCIe … và thêm 4 lane PCIe 3.0 từ chipset X399. Tại Computex 2017 vừa qua thì nhiều hãng làm bo mạch chủ đã ra mắt các phiên bản X399 và điều đáng chú ý là chúng đều có nhiều khe PCIe 3.0 dành cho GPU theo các thiết lập như x16/x16, x8/x8/x8/x8, x16/x16/x8/x8 và tối đa 3 khe PCIe 3.0 x4 dành cho SSD.
Ảnh thực tế Ryzen Threadripper (to nhất) vs Intel Core X (trung bình) và một phiên bản Core i socket LGA1151 thông thường. Ảnh: Canard PC.
Tiếp theo là phiên bản Ryzen Threadripper 1920X, phiên bản này có mức giá $799 và sở hữu thông số rất tốt với 12 nhân 24 luồng. Riêng cùng phân khúc giá thì Intel hiện tại chưa có phiên bản tương đương, Threadripper 1920X đắt hơn $100 so với Intel Core i7-7820X và rẻ hơn $100 so với Core i9-7900X. Xét theo cùng số nhân và luồng thì Intel có Core i9-7920X với giá bán từ $1199.
Threadripper 1920X có thể sử dụng 3 nhân trên mỗi đế CCX nếu nó được phát triển theo cùng một cấu trúc như Ryzen 7 và tất cả các nhân đều truy xuất chung bộ đệm L3 32 MB và cũng hỗ trợ 60 lane PCIe 3.0 cùng với 4 lane nữa từ chipset X399 tương tự như Threadripper 1950X.
Điểm số Cinebench R15 so về hiệu năng giữa 2 phiên bản Threadripper và Core i9-7900X lại cho thấy một bộ mặt khác của 2 mẫu chip cao cấp từ AMD. Bản thân AMD cũng đã trình diễn Cinebench R15 trên một hệ thống 3 máy để so và nhiều trang công nghệ khác cũng đã có chip mẫu để test thử và kết quả đa nhân đều cho thấy 1950X và 1920X đều đạt điểm cao hơn so với Core i9-7900X, khác so với bài test Geekbench ở trên.
Hiệu năng của Threadripper như thế nào thì chúng ta vẫn cần phải trải nghiệm thực tế. Trong bài test Cinebench thì AMD không dại gì cho chạy đơn nhân/đơn luồng bởi xung nhịp của 2 phiên bản Threadripper đều thấp hơn nhiều so với Core i9-7900X. Điểm đa nhân đa luồng cao hơn cũng không ngạc nhiên bởi Core i9-7900X chỉ có 10 nhân trong khi Threadripper 1950X là 16/32 trong khi Threadripper 1920X là 12/24.
Theo phân tích của trang WCCFTech thì nếu xét về hiệu năng Cinebench/mỗi đô la thì AMD Threadripper rõ ràng có lợi hơn khi đầu tư. Thế nhưng hiệu năng thật sự ra sao thì còn phải kiểm nghiệm thực tế. Được biết AMD sẽ chính thức phát hành Ryzen Threadripper 1950X và 1920X vào tháng 8 tới tại sự kiện SIGGRAPH.
- Core i9-7900X: 2,16 điểm
- Threadripper 1950X: 3,06 điểm;
- Threadripper: 1920X: 3,04 điểm.
Ngoài ra, AMD cũng đã tiết lộ về Ryzen 3 - dòng CPU giá rẻ nhất trong gia đình Ryzen với 2 phiên bản đầu tiên là Ryzen 3 1300X và Ryzen 3 1200. Đây đều là 2 mẫu vi xử lý 4 nhân 4 luồng, sử dụng cùng loại bán dẫn với Ryzen 5 và Ryzen 7. Với những thông tin ban đầu thì Ryzen 3 sẽ có thông số như sau:
- Ryzen 3 1300X: 4 nhân 4 luồng, 3,5 - 3,7 GHz, chưa rõ có hỗ trợ XFR hay không, có thể có 8 MB bộ đệm L3;
- Ryzen 3 1200: 4 nhân 4 luồng, 3,1 - 3,4 GHz, cũng chưa rõ có hỗ trợ XFR hay không, có 8 MB bộ đệm L3.
Mức TDP của cả 2 phiên bản Ryzen 3 vẫn chưa được tiết lộ, khả năng sẽ bằng Ryzen 5 với 65 W cho 4 nhân. Ryzen 3 sẽ lên kệ vào ngày 27 tháng 7 này.
Theo: AnandTech; WCCFTech; Guru3D