Với việc sắp tung ra iPhone SE 4-inch và iPad Pro mới, Apple không còn gắn bó với triết lý 'hy sinh mọi thứ để đổi lấy sự đơn giản' nữa.
Sự đơn giản là một trong những từ khóa quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử tồn tại và sáng tạo của Táo khuyết. Đó gần như là giá trị cốt lõi trong trải nghiệm người dùng của hãng: từ cách phần mềm vận hành, cho đến ngoại hình và cảm nhận mà sản phẩm phần cứng đem lại. Ngay cả cách bài trí các cửa hàng Apple Store cũng hướng đến sự đơn giản.
Apple cũng luôn thiết kế các sản phẩm của mình theo hướng: Đơn giản là sự cầu kỳ ở mức cao nhất.
Tung ra quá nhiều sản phẩm, Apple đang dần biến thành Samsung?
Thế nhưng việc Apple có thể sẽ trình làng iPhone SE và iPad Pro 9.7 inch tại sự kiện ngày 21/3 tới đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy mọi sự cẩn trọng của Apple liên quan đến số lượng sản phẩm tung ra thị trường đã bị xếp xó.
Năm 2007, khi ra mắt iPhone đời đầu, Apple chỉ có đúng 2 mã hàng dành cho bản 4GB và bản 8GB. Đến iPhone 6s, số mã hàng SKU đã vọt lên đến hơn 120 (mà đó mới chỉ tính riêng ở thị trường Mỹ thôi), bao gồm 2 kích cỡ, 4 màu khác nhau, 3 dung lượng bộ nhớ và lựa chọn riêng của 5 nhà mạng.
Với việc ra mắt thêm một model SE 4-inch sẽ đẩy số SKU lên 180 mã khác nhau, nhiều gấp 90 lần so với cách đây 9 năm.
Nhìn vào danh mục sản phẩm của Apple, người ta tưởng như đang xem danh mục của đối thủ lớn nhất - Samsung, chứ không phải của công ty mà Steve Jobs từng sáng lập.
Còn nhớ khi Jobs chính thức quay về dẫn dắt Apple vào năm 1997, một trong những việc quan trọng đầu tiên mà ông làm là cắt giảm số lượng sản phẩm mà hãng phát triển từ 350 xuống còn đúng 10. Sự tập trung và đơn giản đó đã tạo ra hiệu quả khổng lồ. 13 năm sau, Apple vượt mặt Microsoft để trở thành hãng công nghệ có giá trị lớn nhất thế giới.
Trong toàn bộ hành trình ấy, Apple luôn là điển hình mẫu mực của giới kinh doanh về sự tuân thủ quy tắc, tập trung và chú ý đến từng chi tiết.
Nhưng giờ đây, hãng đang ủn sản phẩm đi theo đủ mọi hướng - Apple Watch thậm chí còn phân hóa nhiều hơn cả iPhone. Apple đang chơi một cuộc chơi khác: tạo ra những sản phẩm lấp đầy mọi thị trường ngách, thỏa mãn mọi nhu cầu và thị hiếu.
Đấy là cuộc chơi mà Samsung đã theo đuổi và đưa lên đỉnh cao từ nhiều năm nay. Hãng di động Hàn Quốc sở hữu mã hàng SKU nhiều ngồn ngộn ở mọi thị trường mình nhảy vào. Cách tiếp cận này bất tuân nguyên tắc, nhưng nó hiệu quả trong việc 'dìm hàng' các đối thủ bởi nó gần như không để lại chỗ trống nào trên thị trường. Nhờ năng lực sản xuất và quy mô doanh số, Samsung đã phát huy chiến lược này và vươn lên thống trị thị trường.
Rất dễ để chỉ trích Apple đã đánh mất mình khi theo đuổi chiến lược tương tự. Táo khuyết có thể đã đánh mất nguyên tắc và bản sắc của mình, trở nên giống với bao hãng khác. Họ cũng có thể đã quên câu nói nổi tiếng của Steve Jobs' Sáng tạo là nói Không với 1000 thứ'.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, Apple đã đi theo lối cũ gần 10 năm nay. Riêng với iPhone, Apple đã mở rộng hợp tác với gần như tất cả các nhà mạng lớn trên thế giới. Sau khi chứng kiến sức cầu khủng dành cho iPhone trắng và sau đó là các tông màu mới như vàng sâm-panh, hồng vàng, cũng như khi tung ra iPhone 6 Plus với kích cỡ 5.5 inch, Apple hiểu rằng, đôi khi sự đa dạng hóa cũng mang về thành quả lớn không kém.
Apple của ngày hôm nay rất khác với Apple thời năm 1997, với những cơ hội khác biệt và thách thức cũng khác biệt. Việc mở rộng danh mục sản phẩm là dấu hiệu cho thấy tham vọng của hãng trong việc mở ra những thị trường mới, tận dụng nguồn lực khổng lồ, tiếp cận những khách hàng mới và tạo cảm hứng cho các khách hàng cũ trung thành.
Và tuy sản phẩm có mọc lên nhiều như nấm, thì Apple vẫn giữ lại một linh hồn của sự giản đơn: ấy chính là trải nghiệm người dùng. Cả Apple Watch, iCloud đều là những sản phẩm dễ dàng sử dụng.
Vậy nên đừng vội chỉ trích khi Apple tung ra iPhone SE và iPad Pro mới. Hãy cứ chờ xem thị trường lên tiếng đã.
Theo Trọng Cầm (Vietnamnet)