Lấy nét theo pha, Focus Pixel, lấy nét bằng laser, bằng hồng ngoại hay dùng camera kép là những công nghệ lấy nét được đánh giá cao, áp dụng cho camera trên điện thoại.
Lấy nét bằng hồng ngoại
Lenovo đã mang đến bất ngờ tại MWC 2015 khi trình làng smartphone Vibe Shot có dáng như một chiếc máy ảnh. Nhà sản xuất trang bị nhiều công nghệ chụp ảnh ấn tượng cho sản phẩm như cảm biến 16 megapixel với chống rung quang học, đèn flash 3 tông màu và cơ chế lấy nét hồng ngoại. Tương tự lấy nét bằng laser mà LG sử dụng, công nghệ của Lenovo cho phép bắt nét nhanh hơn 2 lần so với camera lấy nét truyền thống
Camera kép
Sử dụng hai hệ ống kính độc lập, HTC One M8 hay Honor 6 Plus của Huawei mang đến nhiều lợi thế trong việc lấy nét. Trên Honor 6 Plus, người dùng có thể chọn điểm lấy nét và độ mở ống kính sau khi đã chụp xong bức ảnh, tương tự cơ chế chụp ảnh trước lấy nét sau trên máy ảnh Lytro. Trong khi đó One M8 cho phép tạo ra những bức ảnh có chiều sâu hơn, bắt nét nhanh và chính xác hơn.
Lấy nét theo pha
Phase Detection Auto Focus (PDAF) là công nghệ lấy nét được học hỏi từ các máy ảnh DSLR. Trang bị này lần đầu được Samsung mang lên mẫu Galaxy S5, giúp máy phát hiện đối tượng và bắt nét nhanh hơn so với lấy nét theo tương phản. Ưu điểm của PDAF còn là khả năng lấy nét trong điều kiện thiếu sáng.
Focus Pixels
Về cơ bản Focus Pixels mà Apple trang bị trên iPhone 6 và iPhone 6 Plus xây dựng dựa trên công nghệ lấy nét theo pha. Ánh sáng sẽ đi qua ống kính máy ảnh sau đó được phân tích để xác định đối tượng cần lấy nét. Quá trình này diễn ra khá phức tạp nhằm mang đến khả năng lấy nét nhanh, chính xác.
Lấy nét bằng laser
Công nghệ này có trên LG G3 với một bộ thu phát nhỏ ở mặt sau máy, gần camera. Khi chụp ảnh, cụm camera sẽ phát ra các tia sáng mà mắt người không nhìn thấy, sau đó tính toán ánh ánh sáng phản xạ để đưa ra các thông số lấy nét.