Với Internet ngày càng phát triển sâu rộng và chứa vô số thông tin cần thiết, chúng ta bắt đầu hình thành thói quen là mỗi khi có triệu chứng bệnh hay không khỏe nào đó, lập tức tìm đến nơi đầu tiên là… “anh Gồ” (Google), chủ yếu là để xem với những triệu chứng đang có, mình đang mắc bệnh gì.
Thế nhưng, một nghiên cứu mới đây đăng tải trên tạp chí của Hiệp hội nội khoa Mỹ sẽ khiến nhiều người suy nghĩ lại về thói quen này.
Cụ thể, một cuộc nghiên cứu so sánh độ chính xác với 234 bác sĩ và 23 công cụ chẩn đoán bệnh trực tuyến, trong đó có những cái tên rất nổi tiếng như WebMD và Mayo Clinic, với 45 bệnh nhân giả định, với triệu chứng tự mô tả.
Kết quả: các bác sĩ đã chẩn đoán đúng 72% trường hợp bệnh (chỉ nghe triệu chứng từ nghười bệnh mà không tiến hành bất kỳ việc thăm khám, xét nghiệm cụ thể nào). Trong khi đó, nếu điền các triệu chứng vào Google và hỏi các công cụ trực tuyến, độ chính xác chỉ là 34%. Với các trường hợp bệnh nghiêm trọng, độ chính xác của bác sĩ thật càng vượt xa các công cụ online.
Nghiên cứu này muốn nói lên: việc dựa vào các thông tin trên mạng để tự chẩn đoán bệnh cho mình là một hành động rất nguy hiểm. Hơn nữa, các công cụ online, dù vẫn có xác suất chính xác, vô hình chung tạo tâm lý cho người bệnh là mình đã có đầy đủ thông tin cần thiết trên mạng, và không cần đi khám bệnh nữa.
Tóm lại, các công cụ và thông tin trực tuyến chỉ giúp cho người bệnh có những thông tin sơ bộ, không thể nào chẩn đoán được toàn bộ bệnh trạng của bệnh nhân, dĩ nhiên phác đồ điều trị cũng không hề có. Vì vậy, khi có bệnh, chỉ duy nhất một nơi bạn có thể tìm đến: bác sĩ chuyên khoa.
Nguyên Khang
Theo Infonet
Nguồn : kul.vn