Bạn có còn nhớ cái tên Cellebrite, công ty được cho là giúp chính phủ Mỹ bẻ khóa chiếc iPhone của thủ phạm vụ xả súng tại San Bernardino? Đây là công ty cuối cùng được FBI thuê về để bẻ khóa chiếc iPhone 5c của thủ phạm. Nhiều nguồn tin cho rằng đây chính là công ty có đóng góp lớn nhất trong việc mở khóa chiếc điện thoại. Tuy nhiên, theo thông tin của FBI thì cơ quan này đã buộc phải thuê một hacker mũ đen để làm việc đó.
Dù Cellebrite có đúng là công ty đã giúp FBI bẻ khóa chiếc iPhone 5c hay không thì “thân thế” của hãng bảo mật đến từ Israel này cũng không tầm thường. Thành lập vào năm 1999, Cellebrite được tập đoàn FutureDial mua lại vào năm 2007. Một trong những cổ đông lớn của công ty là Sun Corporation của Nhật Bản, nhưng phòng Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của công ty vẫn được đặt ở Petah Tikvah, Israel.
Trong số nhiều thành tựu của công ty, Cellebrite nổi tiếng với việc phát triển các hệ thống mở khóa điện thoại cho các chủ cửa hàng sửa chữa để giúp khách hàng mở khóa thiết bị họ đã quên mật khẩu. Ngoài ra, Cellebrite cũng là một công ty hàng đầu chuyên bán các dịch vụ pháp lý smartphone và công cụ phần mềm cho các cơ quan cảnh sát của Mỹ.
Trong một buổi phỏng vấn với trang BBC về công nghệ, bao gồm cả thiết bị và phần mềm, phóng viên Rory Cellan của BBC chia sẻ: “Tôi được giao thực hiện một bản demo với một chiếc điện thoại Samsung của công ty. Chiếc điện thoại này chạy một hệ điều hành khá cũ, Android 4.2, thế nhưng tôi vẫn được phép cầm nó trong vòng nửa giờ, nhập mật khẩu khóa máy và sử dụng máy để chụp ảnh và gửi tin nhắn”.
Khi trả lại thiết bị, chuyên gia an ninh của Cellebrite có tên Yuval Ben-Moshe đã nhận lại chiếc điện thoại, cắm vào một chiếc máy tính tablet cồng kềnh, sau đó tắt chế độ khóa máy.
“Chúng tôi gần như có thể lấy tất cả dữ liệu nằm trong chiếc điện thoại này”, anh Ben-Moshe nói và tải tất cả những bức ảnh đã được chụp bởi thiết bị.
Khi được hỏi liệu phương pháp hack đó có thể được dùng cho các thiết bị khác không, anh Ben-Moshe cho biết công ty có thể truy cập vào dữ liệu trên “rất nhiều thiết bị đang có trên thị trường”, thậm chí là cả chiếc iPhone 7.
“Chúng tôi hoàn toàn có thể trích xuất dữ liệu cả trên một chiếc iPhone 7, vấn đề là dữ liệu nào”.
Chuyên gia an ninh này cho biết thậm chí những dữ liệu từ các dịch vụ mã hóa chẳng hạn như WhatsApp cũng có thể bị truy cập, vì thế không có bất cứ cuộc trò chuyện nào là hoàn toàn bảo mật.
Ở một khía cạnh nào đó, iPhone có thể bị hack nhưng điều đó không có nghĩa là Cellebrite chính là công ty đã bẻ khóa chiếc iPhone 5c của thủ phạm vụ xả súng San Bernardino. Công ty cũng không đưa ra bất cứ bình luận nào về mọi khách hàng của mình.
(Theo Lê Kiên/ICTnews)
Nguồn : kul.vn