Cùng sự xuất hiện của kết nối Thunderbolt 3 với băng thông lên đến 40 Gbps, giải pháp GPU gắn ngoài (eGPU) ngày càng trở nên phổ biến. Một trong số đó chính là loạt sản phẩm GIGABYTE AORUS Gaming Box. Hiện ở Việt Nam chúng ta đã có phiên bản GTX 1070 với giá vào khoảng 17 triệu đồng, còn phiên bản GTX 1080 thì vẫn chưa về nhưng dự là giá chắc cũng trên dưới 20 triệu.
Thông số kỹ thuật:
- Loại sản phẩm: eGPU
- Bộ xử lý đồ hoạ: Nvidia GTX 1080
- Số nhân CUDA: 2560
- Xung nhịp: 1771 Mhz (chế độ OC)
- Bộ nhớ đồ hoạ: 8 GB GDDR5X
- Công suất nguồn: 450 W, đạt chuẩn 8 Plus Gold
- Bộ điều khiển USB: TI83
- Cổng kết nối: 1 Thunderbolt 3 (USB-C), 3 USB 3.0, 1 USB Quick Charge (chỉ dùng để sạc), 1 HDMI, 3 DisplayPort, 1 DVI
- Kích thước: 212 x 96 x 162 mm
Trọng lượng: 2,35 kg - Giá tham khảo ở nước ngoài: 700 USD
AORUS GTX 1080 Gaming Box có thiết kế tối giản, một chiếc hộp với 2 mặt bên lưới để giúp không khí dễ lưu thông. Tất cả đều được làm bằng kim loại, với độ hoàn thiện rất tốt nhưng có lẽ sẽ chẳng thể thắng được cuộc thi sắc đẹp nào.
Cơ mà sẽ chẳng ai mua chiếc hộp eGPU này vì 'nhan sắc' của nó cả, cái mà bạn muốn chính là sức mạnh mà nó sở hữu. Phiên bản mình mượn được trong bài này tích hợp sẵn bộ xử lý đồ hoạ GTX 1080 của Nvidia, một trong những card màn hình có hiệu năng rất tốt vào thời điểm hiện tại. Nhìn xuyên qua lớp lưới bạn sẽ thấy nó thực chất là một chiếc card chuẩn ITX với hệ thống tản nhiệt được thiết kế riêng, gồm 3 ống đồng phân tán nhiệt lên các lá nhôm và giải nhiệt bằng 1 quạt lớn. Nếu để ý, bạn sẽ thấy GIGABYTE không sử dụng mặt nạ như phiên bản GTX 1070, vì thật ra nó không cần thiết.
Phía sau có khá nhiều cổng kết nối, bao gồm 1 thunderbolt 3, 4 USB, 1 HDMI, 3 DisplayPort và 1 DVI. Máy sử dụng dây nguồn loại 3 chân tiêu chuẩn, nối với bộ nguồn siêu nhỏ nhưng công suất tối đa đạt đến 450 W và có hiệu suất chuyển đổi điện năng tương đương với chuẩn 80 Plus Gold. Về cơ bản thì về chuyện điện đóm thì bạn sẽ cực kỳ an tâm với AORUS Gaming Box, nhiều khi nó còn an toàn hơn cả chiếc PC hay laptop mà bạn dùng nữa cũng không chừng. Nguồn cũng được trang bị quạt riêng.
Nhờ băng thông lớn, kết nối Thunderbolt 3 của AORUS GTX 1080 Gaming Box không chỉ liên kết máy của bạn với GPU GTX 1080 mà còn cung cấp luôn 3 cổng USB 3.0 (màu xanh). Riêng cổng USB màu cam thì lấy điện trực tiếp từ nguồn nên chỉ có thể dùng để sạc, tuy vậy nó hỗ trợ sạc nhanh Quick Charge. Nếu bạn sử dụng những smartphone hỗ trợ Quick Charge như HTC U11, Black Berry Key One, Nokia 8,... thì đây là sự lựa chọn rất tuyệt vời. Cổng Thunderbolt cũng hỗ trợ sạc ngược lại cho laptop, với công suất tối đa đến 100 W, đủ cho hầu hết các laptop thông thường (có hỗ trợ sạc bằng cổng USB-C).
Về phần trang trí thì chúng ta chỉ có 1 dải đèn LED RGB bên dưới, bạn có thể điều khiển bằng phần mềm GIGABYTE Fusion. Nói thật thì nhìn cũng bình thường, không ấn tượng lắm.
Nhìn chung thì về ngoại hình và tính năng thì AORUS GTX 1080 Gaming Box khá đơn giản. Điểm mạnh của nó là sử dụng card GTX 1080 được custom để đạt được sự tối ưu về kích thước và nhiệt độ hoạt động. Tuy nhiên điều này cũng hạn chế phần nào khả năng nâng cấp trong tương lai so với những giải pháp eGPU sử dụng card tiêu chuẩn. Về lý thuyết thì bạn vẫn có thể thay thế card GTX 1080 bên trong của AORUS Gaming Box bằng card màn hình khác, miễn sao nó được thiết kế theo chuẩn ITX và không cần nhiều hơn 1 đầu cấp nguồn 8 pin.
Mình thích việc GIGABYTE kèm theo một chiếc túi để bạn có thể mang AORUS GTX 1080 Gaming Box đi khắp nơi. Cái túi này thì về cơ bản giống như mấy chiếc túi máy ảnh vậy, đệm khá dày để bảo vệ máy khỏi va đập.
Vì sao bạn lại cần eGPU? eGPU được sinh ra để bổ sung sức mạnh cho hệ thống máy tính của bạn mà vì một lý do nào đó không thể gắn thêm card màn hình truyền thống. Đó có thể là chiếc laptop mà bạn vẫn chưa hài lòng về hiệu năng của nó, là chiếc máy PC ở văn phòng hay xài chung mà bạn không muốn mình nâng cấp để đứa khác hưởng. Hay đơn giản là đối với bạn nào có nhiều máy, chẳng hạn như có cả PC là laptop, muốn tìm một giải pháp tiết kiệm để chơi game. Do sử dụng card Nvidia nên bạn sẽ cần phải cài driver custom để sử dụng chung AORUS Gaming Box với Macbook Pro, còn máy Windows thì đơn giản cắm vào và cài driver chính thức của Nvidia là xong.
AORUS GTX 1080 Gaming Box rất mạnh, nhưng hiệu năng cuối cùng của nó phụ thuộc rất nhiều vào dàn máy mà bạn kết hợp. Để tham khảo, trong bài này mình sẽ kết hợp nó với hệ thống NUC thế hệ 7 của Intel, cấu hình như sau: Core i7-7670U, 16 GB RAM, 2 TB HDD. Vâng, combo này dĩ nhiên không phải là tối ưu để chơi game nhưng về cơ bản thì eGPU sinh ra để chữa cháy cho những trường hợp 'bi kịch như thế này'.
3DMark Time Spy - GPU 8564 điểm
3DMark FireStrike Ultra - GPU 4330 điểm
Rise of The Tomb Raider - Trung bình 75,51 fps
Doom 2016 - Trung bình 100 fps
Mordor: Shadows of War - Trung bình 52 fps
NUC chưa bao giờ là một chiếc máy được game thủ đánh giá xứng tầm để chơi game cả, tuy nhiên khi kết hợp với AORUS GTX 1080 Gaming Box thì kết quả cũng không đến nỗi tệ nếu không muốn nói là khá ấn tượng. Ở thiết lập hình ảnh tối đa và độ phân giải FullHD, bạn hoàn toàn có thể bắn quỷ một cách thoải mái trong Doom với hơn 100 fps và cùng Lara Croft phiêu lưu trong Rise of the Tomb Raider với sự mượt mà của tốc độ khung hình 75 fps. Tuy vậy nói đi cũng phải nói lại, bộ xử lý tiết kiệm điện dòng U của NUC có phần hụt hơi so với sức mạnh tổng thể của AORUS GTX 1080 Gaming Box, vì vậy để tận dụng hết sức mạnh của box thì mình khuyến khích bạn nên kết hợp nó với những bộ xử lý 4 nhân trở lên.
Tóm lại thì AORUS GTX 1080 Gaming Box phù hợp với các bạn đã có sẵn dàn PC/laptop với kết nối Thunderbolt 3, muốn nâng cấp hiệu năng để chiến game cho mượt mà. Giá có thể cao (khi về Việt Nam), hiệu năng cũng không thể bằng card gắn trong truyền thống; nhưng bù lại thì sự tiện lợi của nó là không thể phủ nhận. Nó đặc biệt thích hợp cho các bạn nào đang dùng ultrabook cao cấp, hoặc sử dụng máy công ty nên không tiện để nâng cấp.