Hiện nay hầu hết các thiết bị điện thoại đều được trang bị kính cường lực. Vậy kính cường lực là gì, có những loại nào và khác gì so với kính thường thì bài viết này sẽ tổng hợp tất cả điều bạn cần biết.
1. Kính cường lực trên điện thoại là gì?
Kính cường lực là lớp kính bao phủ màn hình điện thoại hoặc mặt lưng, nhằm bảo vệ phần bên trong máy tốt hơn, hạn chế được hư hỏng do va chạm hoặc cấn vật cứng gây ra.
2. Kính cường lực Gorilla Glass của Corning
Corning lấy hình ảnh chú tinh tinh Gorilla làm biểu tượng cho mặt kính. Về lịch sử công ty này, vốn ban đầu là công ty chuyên về gốm sứ. Cho đến năm 2006, Corning mới bắt đầu nhận những đơn thiết kế mặt kính từ các công ty để sản xuất một dòng kính mới có có chất lượng mỏng nhẹ hơn, mà vẫn chắc chắn và tương thích được với các thiết bị điện tử.
Và thương hiệu kính cường lực Corning Gorilla Glass nổi tiếng bắt đầu ra đời từ đây.
- Corning Gorilla Glass: Là thế hệ kính đầu tiên của Corning, được làm từ chất liệu kiềm-aluminosilicate và có khả năng chịu lực, cũng như chống xước tốt, giảm được phần nào những vết xước, lõm hay nứt do vật nhọn hoặc tác động lực gây nên.
- Corning Gorilla Glass 1: Dòng kính này có ưu điểm là độ dày chỉ khoảng 1.5 mm, được phủ một lớp không thấm dầu, giúp làm giảm thiểu dấu vân tay và vết dơ. Vào năm 2010, có khoảng 20% thiết bị di động được trang bị loại kính này, trong đó có iPhone 4 của Apple.
- Corning Gorilla Glass 2: Tại sự kiện CES 2012, dòng kính Corning Gorilla Glass 2 được chính thức giới thiệu. Phiên bản kính này có thể chịu được khoảng 50kg trong phòng thí nghiệm mà không bị nứt hay vỡ. Ngoài ra, nó cũng được thiết kế mỏng hơn 20% so với phiên bản Corning Gorilla Glass 1, hình ảnh hiển thị sáng hơn, cảm ứng nhạy hơn mà độ cứng chắc vẫn giữ nguyên.
Một số sản phẩm được trang bị Corning Gorilla Glass 2 trong năm ấy có thể kể đến như iPhone 5, Samsung Galaxy S3, Samsung Galaxy Note 2, Nokia Lumia 920, Nexus 4,...
- Corning Gorilla Glass 3: Chỉ sau một năm kể từ khi Corning Gorilla Glass 2 được giới thiệu, vào năm 2013, Gorilla Glass 3 chính thức ra đời. Ưu điểm của Corning Gorilla Glass 3 là mỏng dưới 0.5 mm. Ở cấp độ phân tử của lớp kính được sản xuất theo công nghệ Native Damage Resistance (NDR), có tác dụng giảm được tới 35% các vết trầy xước, khả năng chống xước tăng gấp 3 lần, độ bền tăng gấp 50%.
iPhone 5S, Samsung Galaxy S4, Moto G,... là những sản phẩm có mặt kính cường lực Corning Gorilla Glass 3 này.
- Corning Gorilla Glass 4: Tại CES 2014, Corning Gorilla Glass 4 được ra mắt giới thiệu sau quá trình nghiên cứu và nhận ra rằng hơn 70% điện thoại bị hư do rớt hỏng màn hình. Phiên bản này chỉ dày 0.4 mm, bền gấp đôi so với Corning Gorilla Glass 3, chịu được khoảng 80% với độ cao 1 m.
Ngoài ra, Corning Gorilla Glass 4 còn được công ty khẳng định là phủ thêm một lớp bạc ion hoá, có tác dụng hạn chế sự phát triển của nấm mốc, vi khuẩn bám trên bề mặt kính, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người sử dụng. Samsung Galaxy Note 4, Note 5, Asus Zenfone 2 Laser,... được phủ phiên bản kính này.
- Corning Gorilla Glass 5: Sau 2 năm, cho đến 2016, công ty mới tung ra phiên bản kính mới. Corning Gorilla Glass 5 có khả năng chống vết nứt tới 4 lần so với phiên bản trước đó. Bằng chứng là sống sót được khi rơi ở độ cao 1.6 m, so với 1 m của Corning Gorilla Glass 4. Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ mới cũng giúp Corning Gorilla Glass 5 hạn chế được vết nứt lên tới 80% khi va chạm với bề mặt cứng.
Những sản phẩm hiện nay có kính cường Corning Gorilla Glass 5 có thể kể đến Samsung Galaxy S8, Samsung Galaxy S8 Plus, OnePlus 5, Huawei P10,...
3. Kính cường lực Asahi Dragontrail Glass
Dragontail cũng là một công nghệ kính tương tự với Corning Gorilla Glass, tuy nhiên nó được sử dụng rộng rãi ở các công ty Trung Quốc hơn. Dragontrail của công ty Nhật Bản Asahi Glass bắt đầu gây chú ý với giới công nghệ khoảng đầu năm 2011 khi đầu tư 365 triệu USD để nghiên cứu kính cường lực.
Dragontrail được khẳng định có khả năng chống chịu vật nhọn đâm thẳng vào mặt kính hoặc bị búa đập vào trực tiếp, tổng trọng lượng mà kính có thể chịu được không vỡ lên đến 60kg.
Sony Xperia là thương hiệu đầu tiên tin tưởng loại kính này khi thiết kế mặt trước của dòng điện thoại Sony Xperia Z. Ngoài ra, thương hiệu Việt Nam như điện thoại Mobiistar cũng sử dụng Dragontrail cho sản phẩm Prime 508 và một sốt sản phẩm khác.
4. Kính oleophobic (ion cường lực) hay Shatter proof glass
Được Apple hợp tác riêng với Corning để tạo ra dòng kính đặc biệt, chỉ dành cho sản phẩm của mình. Đây là loại kính 'ion cường lực' cứng cáp hơn, được tăng cường nhờ việc thêm các ion trên bề mặt nhằm tăng khả năng chịu lực và bền hơn từ 6-8 lần so với kính thủy tinh thông thường.
Sapphire Crystal Glass
Là loại kính có chất liệu cao cấp, độ bền cao, chống trầy xước chỉ thua kim cương nên những sản phẩm được trang bị kính này thường có giá thành rất cao. Do đó, chỉ những dòng điện thoại thông minh mới có điều kiện trang bị, trong đó có thể kể đến Apple Watch S3.
5. Kính thường
Kính thường được làm bằng chất liệu nhựa trong hoặc thuỷ tinh. Loại này là không bền và chắc như các dòng kính cường lực. Trước đây, khi chưa có các loại kính cường lực, kính thường được dùng rất nhiều để bảo vệ màn hình. Tuy nhiên vì các nhược điểm trên, các dòng kính cường lực đã ra đời.
Hiện nay kính thường chỉ còn được sử dụng trên các dòng điện thoại giá rẻ hoặc điện thoại tầm thấp, để hạn chế được chi phí sản xuất cũng như giá thành sản phẩm.