Có 4 chức năng đáng chú ý nhất trong bản Win 10 này, đầu tiên là việc sử dụng mặc định định dạng Resilient File System (ReFS) cho ổ lưu trữ. Đây là thế hệ tiếp theo của NTFS với khả năng chống lỗi dữ liệu rất mạnh, ngoài ra ReFS còn được tối ưu để chạy trên các hệ thống có lượng data ra vào lớn mà vẫn đảm bảo tốc độ đọc ghi nhanh.
Tính năng mới thứ hai là khả năng tận dụng kiểu RAM NVDIMM-N. Loại RAM này có bộ nhớ flash SSD + bộ nhớ DRAM truyền thống gắn trên cùng một thanh DIMM. Trong quá trình hoạt động, dữ liệu trên DRAM sẽ được copy sẵn qua bộ nhớ flash để khi mất điện thì dữ liệu vẫn không bị thất thoát. Khi hệ thống có điện trở lại, controller sẽ chép ngược dữ liệu từ flash sang DRAM để máy tính chạy tiếp. Với những ứng dụng cần tính toán và xử lý trong thời gian dài thì chức năng này sẽ giúp resume công việc sớm hơn, không phải chạy lại từ đầu. Để dùng được RAM NVDIMM-N cần phải có mainboard và chipset tương thích. Trước đây Windows Server có hỗ trợ NVDIMM-N còn Windows thường thì không.
Điểm mới thứ bba là chức năng chia sẻ file nhanh bằng cách sử dụng giao thức SMB Direct. Công nghệ này cho phép các máy trong mạng gửi file nhanh hơn và tiêu hao ít tài nguyên CPU hơn, để dành CPU cho những việc khác quan trọng hơn. Microsoft cũng hứa hẹn SMB Direct giúp giảm độ trễ khi chép file giữa các máy trạm hoặc giữa máy trạm với server, tức là bạn có thể dành nhiều thời gian hơn để làm việc thay vì ngồi chờ file download về.
Cuối cùng, Microsoft mở rộng khả năng hỗ trợ phần cứng cho Windows 10 Pro for Workstations. Tất nhiên các chip Intel Xeon và AMD Opteron sẽ tương thích với bản hệ điều hành này rồi. Nếu như Win 10 Pro chỉ hỗ trợ tối đa 2 CPU vật lý gắn vào máy tính thì Win 10 Pro for Workstations cho phép bạn gắn đến 4 con CPU, dung lượng RAM tối đa cũng được tăng từ 2TB lên 6TB. Windows 10 Pro for Workstations sẽ bắt đầu được bán hành cùng lúc với Win 10 Fall Creators vào tháng sau.
Nguồn: Microsoft