Rất ít người biết được một sự thật là chiếc máy ảnh tự động đầu tiên trên thế giới suýt nữa đã là một phần trong bảng vàng thành tích của thiên tài vĩ đại Albert Einstein.
Nghe tới Albert Einstein thì chắc ai cũng nghĩ ngay tới E = mc2 , thuyết Tương đối, hay một loạt những kiến thức khoa học khó hiểu khác. Mà nếu không tường tận lắm về chuyên ngành của ông thì hẳn bạn cũng liên tưởng ngay tới bức ảnh thè lưỡi nổi tiếng của nhà khoa học đại tài này. Có mấy ai biết được rằng Einstein thực ra lại nắm bằng sáng chế cho một trong những công nghệ quan trọng bậc nhất mà dân nhiếp ảnh chúng ta phải sử dụng đến hàng ngày.
Bức ảnh thè lưỡi nổi tiếng của Albert Einstein.
Đây là một mẩu chuyện nhỏ khá thú vị về lịch sử nhiếp ảnh: 3 năm trước ngày ra mắt máy ảnh tự động đầu tiên trên thế giới – chiếc Super Six-20 của Kodak, giáo sư Albert Einstein đã được cấp bằng sáng chế cho một bản thiết kế máy ảnh với khả năng tự động điều chỉnh khẩu độ và độ phơi sáng cho một bức ảnh. Cùng với bác sĩ X-quang kiêm nhà phát minh người Đức Gustav Bucky, Einstein đã thiết kế nên một “chiếc máy ảnh tự điều chỉnh cường độ ánh sáng” một cách hoàn toàn độc lập so với Kodak.
Chiếc máy ảnh tự động đầu tiên trên thế giới – Super Six-20 của Kodak
Mặc dù về chức năng và hình dạng thì hai mẫu thiết kế này có những điểm tương đồng nhưng nếu nghiên cứu kỹ bản vẽ được cấp bằng sáng chế thì sẽ thấy được cách hoạt động của chúng là khác nhau hoàn toàn. Và một điểm khác biệt “nho nhỏ” nữa là mẫu máy ảnh của Einstein cuối cùng đã không được sản xuất thực tế, cúng chính vì vậy mà chúng ta có thể nói vui rằng: chiếc máy ảnh tự động đầu tiên đã “không có vinh dự” được nằm trong bảng vàng thành tích của ông.
Einstein đã sử dụng một “con mắt điện”, hay còn gọi là cảm biến quang điện, trong mẫu thiết kế này của mình. “Con mắt điện” cũng là một trong số khoảng 50 phát minh được cấp bằng sáng chế của ông. Đoạn trích dưới đây từ một số tạp chí Science News xuất bản năm 1936 mô tả cách hoạt động của chiếc máy ảnh:
Ánh sáng từ cảnh vật bên ngoài hay chủ thể được chụp sẽ đi qua một thấu kính phụ và được dẫn tới một cảm biến quang điện. Ở trên hệ thống thấu kính chính sẽ có một lớp chắn với độ trong suốt thay đổi được và chuyển động dựa trên lượng ánh sáng mà con mắt điện nhìn thấy, cho phép ánh sáng chiếu vào tấm phim nhiều hơn khi cần thiết.
Bằng sáng chế này đã được cấp vào ngày 11/12/1935. Bạn có thể đọc bản đầy đủ tại Google Patents.